Đầu tư tương lai
Đầu tư tương lai
"Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười thằng bấu víu, chín thằng rơi".
Ngày tôi đi thi đại học đầu những năm 90, bạn bè đã nhạo tôi bằng câu thơ đó. Và đến nay, những năm cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tình cảnh ấy cũng chưa có gì thay đổi.
Mỗi sáng, lật các trang báo đầy ắp những thông tin về kỳ thi tuyển sinh đại học lại thấy lòng nặng trĩu. Đó là bà mẹ quê Bình Thuận đã bán tới 2/3 đất để con đi thi đại học lần thứ hai là cô bé khi đi thi, gia đình đã bán hết tài sản duy nhất là đàn vịt để có tiền ăn, ở là bạn trẻ quê Thanh Hóa - ba là thương binh, mẹ đau ốm liên miên, không lo đủ tiền dù chỉ là tiền ăn cho con đi thi là người mẹ đi vay nóng vài trăm ngàn với lãi suất 10% để cho con có tiền đi thi, về trả nợ như thế nào tính sau...
Xã hội đã mở lòng, các chương trình hỗ trợ thí sinh khó khăn, tỉnh xa được nhân rộng để các em có một "kỳ thi đại học đàng hoàng". Mừng, cảm động đến rơi nước mắt. Nhưng sau đó thì sẽ ra sao?
Tỉ lệ sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc chỉ đạt 15- 20% rất nhiều cử nhân đại học đang làm những công việc phổ thông để chờ một cơ hội "le lói cuối đường hầm". Với những học trò nghèo được hỗ trợ hôm nay, tương lai sẽ như thế nào khi tiền học phí đã là gánh nặng chứ chưa nói đến học thêm các kỹ năng mềm đang ngày càng trở nên quan trọng? Và những bậc cha mẹ ở trên những năm tháng đó sẽ vất vả, cực nhọc kiếm sống như thế nào?
Có cậu trò nghèo học giỏi, thậm chí rất giỏi, đã chấp nhận bỏ thi đại học để đi học nghề, rồi đi làm, nuôi sống gia đình bằng cái nghề đã học. Người học trò ấy tiếp tục vừa học vừa làm, nay đã tốt nghiệp đại học và thăng tiến vượt bậc trong công việc cậu đang làm. Con đường nào tốt hơn?
Chính phủ, các tổ chức đoàn thể đã có các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm miễn phí cho những người nghèo, những địa phương còn khó khăn. Cơ hội để vừa làm vừa học thêm là không quá khó. Việc học khi đó sẽ thiết thực hơn vì bạn trẻ đã qua lao động, hiểu được khiếm khuyết cần phát triển, cái phải học cho mình là gì.
Bằng cấp không phải là cái duy nhất quyết định tương lai. Có nhiều cách để đi tới đích mà không nhất thiết phải bấu víu vào "cái cổng cao vời vợi" đó.
Để phân biệt rõ ràng cái "cần câu" và "con cá", đôi khi bạn trẻ và gia đình không thể tự xác định. Đó còn phải là trách nhiệm của cả xã hội.
Đồng Hưng (Lao động)