500 và hơn thế nữa!
500 và hơn thế nữa!
Cả nước hiện có 414 trường ĐH, CĐ. Tốc độ thành lập mới các trường ĐH, CĐ trong mấy năm trước đây là cực cao. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành đều có trường ĐH, trừ Đắk Nông.
Số lượng trường ĐH, CĐ như trên là thừa hay thiếu? Bộ GD-ĐT cho rằng vẫn còn thiếu vì nếu để bảo đảm mục tiêu 450 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020, cần phải có nhiều trường ĐH, CĐ hơn nữa và bộ đang xây dựng, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Trước mắt, bộ tạm dừng xem xét các dự án thành lập các trường ĐH, CĐ mới.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có 80 hồ sơ xin thành lập trường ĐH, trong đó 25 hồ sơ đã gần như được duyệt; 67 hồ sơ xin thành lập trường CĐ, trong đó 22 trường đã có chủ trương. Vậy là thời gian tới, cả nước có thêm ít nhất 47 trường ĐH, CĐ, nâng tổng số trường ĐH, CĐ ở nước ta lên đến gần 500 và sẽ hơn thế nữa!
Với số lượng các trường ĐH, CĐ hiện tại, không có trường nào của Việt Nam trong top 200 của châu Á, chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong top 300 của châu Á, gần bằng 1 trường ĐH tỉnh lẻ của Thái Lan. Với ĐH ngoài công lập, đỏ mắt mới có thể tìm thấy vài trường có thể sánh ngang với các trường ĐH công lập, nói gì đến việc có mặt trên bảng xếp hạng của thế giới, khu vực!
Thực trạng đó đã đáng báo động chưa, đặc biệt với “cơn say” xin thành lập trường mới?
Với số lượng đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã khó tuyển sinh, nhất là các trường ở khu vực Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên. Có lẽ vì vậy mà Bộ GD-ĐT vừa du di hạ điểm sàn tuyển sinh cho các trường ở khu vực này với lý do tạo điều kiện để có nguồn nhân lực cao!
Điều đáng nói là hầu hết trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều hoạt động với xu hướng vì lợi nhuận nên đào tạo chủ yếu các ngành kinh tế, quản lý, ngoại ngữ… - những ngành ít vốn, thu lãi nhanh. Hệ quả tất yếu là các trường này cho ra lò những cử nhân không nghề nghiệp, làm lệch cán cân chiến lược đào tạo.
Trong giáo dục ĐH, chạy theo số lượng là tự sát.
Lưu Nhi Dũ
(nld.com.vn)