Hạ thấp đại học
Hạ thấp đại học
Tình trạng mở ngành tràn lan rồi đóng cửa ngành phản ánh một sự khủng hoảng của giáo dục đại học. Chúng ta đã mất bao công sức để chuyển từ đào tạo ngành hẹp sang ngành rộng, nay lại đi ngược lại.
Trước năm 1975, ngành học quả là ít ỏi. Khi đó chỉ có cử nhân toán (một ngành duy nhất), cử nhân khoa học (không phân biệt hóa học hay vật lý) rồi kỹ sư điện, kỹ sư công chánh (bao gồm cả cầu đường, xây dựng)... Sau năm 1975, mô hình đào tạo của Liên Xô ngày càng chiếm ưu thế với sự phân hóa ngành ngày càng nhiều.
Thời cực thịnh Trường đại học Bách khoa TP.HCM khoảng năm 1987 đào tạo gần 30 loại bằng kỹ sư khác nhau. Riêng ngành kỹ sư cơ khí được chia ra kỹ sư chế tạo máy, kỹ sư máy nâng chuyển - bốc xếp, kỹ sư ôtô máy kéo, kỹ sư nhiệt. Nhưng vẫn chưa bằng Trường đại học Bách khoa Hà Nội vào thời đó đào tạo trên 60 loại bằng kỹ sư (chưa kể Trường đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ - địa chất là những trường độc lập).
Càng chẻ nhỏ, càng hạ thấp
Thế rồi đến năm 1988 Trường đại học Bách khoa TP.HCM nhận thấy sự không hiệu quả của mô hình này qua việc kỹ sư “ngành hẹp” rất khó kiếm việc làm. Và họ đã quyết định thay đổi. Khi trường chỉ cấp một bằng kỹ sư cơ khí, những sinh viên tốt nghiệp các ngành như máy nâng chuyển (chuyên về thang máy, cần cẩu...), ôtô máy kéo, nhiệt mừng húm vì họ có thể dễ kiếm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến cơ khí.
Khi chính sách mở cửa được áp dụng từ cuối những năm 1980, người trong giới đại học, kể cả Bộ GD-ĐT, đả phá cách đào tạo theo “ngành hẹp” và cần chuyển sang “ngành rộng”. Có rất nhiều lý lẽ chính đáng cho sự chuyển đổi này. Ngày nay chúng ta lại đang chứng kiến xu thế đi ngược lại đến mức độ phi lý khi hàng trăm ngành hẹp ra đời.
Cái cách chia nhỏ những ngành ra chính là đang biến các trường đại học thành các trường cao đẳng. Đại học không dạy công nghệ (technology - chỉ các bước qua đó chúng ta đạt tới một kết quả cụ thể, đó là bí quyết trong sản xuất...) mà chỉ dùng công nghệ để minh họa những khái niệm khoa học và kỹ thuật, còn cao đẳng, trung cấp mới dạy công nghệ vì ở trình độ này khả năng mở rộng, phát huy kiến thức rất hạn chế.
Chúng ta rất ít gặp các trường đại học ở các nước phát triển dạy ở bậc cử nhân ngành ngân hàng, ngoại thương, còn ở VN thì hà rầm. Nếu như hiện nay nội dung của các ngành này chủ yếu tập trung dạy các nghiệp vụ thì phải dạy ở bậc cao đẳng, thậm chí là trung cấp. Càng chẻ nhỏ các ngành học ra, chúng ta càng hạ thấp giáo dục đại học.
Lệch pha với thế giới
Thế còn những ngành thời thượng tại một số trường như công nghệ thông tin chẳng hạn, tại sao lại không tuyển sinh được? Trước hết, những ngành đó tuy vẫn quan trọng nhưng phải nói không còn thời thượng nữa, hay nhu cầu ở một địa phương nào đó đã bão hòa. Điều này lãnh đạo trường phải biết bởi đào tạo nguồn nhân lực cũng phải nắm bắt thị trường.
Một lý do nữa là khi cho rằng những ngành “hay” như vậy mà không ai học vì chúng ta tự huyễn hoặc với tên ngành, nhưng bên trong sinh viên biết là việc đào tạo ngành này tại trường đó không có chất lượng.
Tại sao sinh viên phải vào một ngành học gọi là “hay” mà tốt nghiệp xong kiến thức chưa bằng một bằng cao đẳng quốc tế học chỉ trong hai năm, và lại khó kiếm việc. Nhà tuyển dụng bây giờ rất thành thạo!
Đối với những ngành học thuộc khoa học xã hội, xu thế trên thế giới vẫn đang mất dần sự hấp dẫn vì thế giới ngày nay đã khác rồi, nhu cầu giảm. Khoa học xã hội ở VN còn khó hơn vì không được đề cao (chẳng hạn như môn lịch sử).
Còn những ngành như Hán - Nôm đúng là rất quan trọng, nhưng cứ suy ngẫm ngành này rất kén người học, tốt nghiệp ra không thể có thu nhập khá (chưa nói là cao), do đó phải thực yêu nghề, quan trọng hơn không thể đào tạo đại trà mỗi năm cho ra trường đều đều 10-15 sinh viên. Đối với những ngành cần nhưng kén người học phải có những biện pháp tiếp thị đặc biệt, Nhà nước phải cấp học bổng cao và chắc chắn không nên tuyển hằng năm.
Thực chất việc mở ngành tràn lan như hiện nay chỉ phản ánh giáo dục đại học đang khủng hoảng dữ dội. Chúng ta đang giáo dục và đào tạo lệch pha với thế giới. Khi chúng ta có quá nhiều ngành hẹp ở bậc đại học, chúng ta đang biến bằng đại học trở thành bằng cao đẳng, thạc sĩ thành cử nhân và tiến sĩ thành thạc sĩ.
Cứ cho ra đời càng nhiều đại học thì tình trạng mở ngành không ai học là đúng quy luật thôi. Sức của các trường đại học làng nhàng, thiếu thốn đủ mọi thứ làm sao đào tạo cử nhân, kỹ sư thực chất được.
Các nước có nền đại học phát triển đã giải quyết vấn đề ngành học từ lâu rồi và nay vẫn còn sức sống vì họ dựa vào bản chất của giáo dục đại học. Như tại Úc và Anh việc đào tạo giáo viên cấp III rất hiệu quả: những người tốt nghiệp cử nhân sẽ học thêm một năm sư phạm, chẳng hạn tốt nghiệp cử nhân khoa học học thêm một năm sư phạm và thực tập là trở thành giáo viên dạy khoa học ở trường cấp III.
Đối với những ngành cần chuyên môn sâu một chút thì sau khi học đến học kỳ cuối sẽ học thêm từ 1-3 môn (thường không chiếm cả học kỳ) chuyên ngành. Giáo dục đại học là xây dựng kiến thức theo hình tháp chứ không phải hình trụ.
Trong một nền kinh tế hội nhập quốc tế và khoa học - kỹ thuật luôn luôn thay đổi, nền giáo dục ngày càng đắt tiền thì mô hình đào tạo như vậy sẽ là tối ưu cho trường và cho người học, khi đó tuyển sinh sẽ có người học.
TS LƯU TIẾN HIỆP
Đại học Đà Lạt đóng cửa 4 ngành học Trường đại học Đà Lạt vừa chính thức công bố không mở lớp bốn ngành xã hội học, văn hóa học, Việt Nam học và sư phạm tin học do lượng thí sinh trúng tuyển quá ít. Các thí sinh đã trúng tuyển bốn ngành trên sẽ được chuyển sang một trong các ngành có cùng khối thi. Ngoài ra, ngành nông học và công nghệ sau thu hoạch cũng có rất ít sinh viên trúng tuyển nên nhà trường sẽ tổ chức gặp gỡ, lấy ý kiến của sinh viên để ghép thành một lớp. Trong đợt xét tuyển NV3 vừa qua Trường đại học Đà Lạt chỉ tuyển được 167 sinh viên trong khi tổng chỉ tiêu NV3 là gần 1.500. NGUYỄN DŨNG |
14/10/2011 – tuoitre.vn