Trường đại học lúng túng trước yêu cầu "dừng cao đẳng" của Bộ Lao động

Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) yêu cầu 45 trường ĐH dừng tuyển sinh cao đẳng ngay giữa mùa tuyển sinh được cho là thiếu chuyên nghiệp và không có cơ sở.

440
  Tải tài liệu

Trong số 45 cơ sở giáo dục đại học bị yêu cầu dừng tuyển sinh hệ cao đẳng kể từ ngày 1/7/2019, có những trường ĐH có thâm niên hàng chục năm, nhưng cũng có những trường mới được nâng cấp từ trường cao đẳng lên, hoặc chuyển đổi sang; như Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Quảng Nam và cả trường đang đào tạo nhiều ngành CĐ sư phạm (thuộc Bộ GD-ĐT quản lý) như Trường ĐH Quảng Bình…

Chia sẻ với VietNamNet, đại diện phụ trách đào tạo cao đẳng - trung cấp một trường đại học ở phía Nam, cho hay: Khi Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực năm 2017, trường ông đã đăng ký với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép đào tạo 20 ngành cao đẳng. Ngày 17/7/2019, trường nhận được văn bản yêu cầu dừng tuyển sinh 20 ngành đã được cho phép trước đó. Trường không biết nên xử lý thế nào vì hiện tại đã tuyển sinh khóa mới. 

Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (1 trong 45 trường trong danh sách của Tổng cục nêu ra) cũng cho hay: Nếu yêu cầu các trường ngừng tuyển sinh cao đẳng trong năm nay thì sẽ rất khó khả thi vì một số thí sinh đã nhập học.

"Nhân lực phục vụ đào hệ ĐH của các trường được xác định từ đầu năm khi xây dựng chỉ tiêu đào tạo các hệ trong trường,  thông báo tuyển sinh cũng được các trường triển khai từ đầu năm 2019. Có những ngành đã tuyển sinh từ đầu năm và đang triển khai đào tạo. Có những ngành thí sinh đã đăng ký và đang nhập học, nếu dừng ngay sẽ khó khăn cho các trường. Nếu được, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên có thông báo và cho phép các trường triển khai đào tạo cho đối tượng đang nhập học tại các trường hết năm nay, không tuyển sinh mới kể từ ngày thông báo"- ông nói.

Theo ông, một việc cần lưu ý là hiện nay nhiều trường đang có những đơn hàng đào tạo cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu đặt hàng lao động trình độ cao đẳng cũng khá cao và các trường cũng đang triển khai. Bây giờ dừng đột xuất sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường với doanh nghiệp. Hơn nữa giai đoạn vừa qua, các trường ĐH đã có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ hẳn hệ CĐ, để các trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh và đào tạo cần có lộ trình cụ thể.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho hay cá nhân ông ủng hộ quan điểm của Bộ LĐ-TB và XH về việc yêu cầu một số ĐH dừng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng vì nếu để trường ĐH đào tạo CĐ sẽ có những hệ quả không mong muốn như: Sai sứ mệnh giáo dục đại học và do đó ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho giáo dục đại học; phá vỡ quy hoạch của cao đẳng do đào tạo cao đẳng lợi thế hơn ở đại học để học liên thông và đại học lại tự do mở ngành theo quy định của Bộ GD- ĐT thì lại mâu thuẫn với Luật Giáo dục nghề nghiệp là phải đăng ký.

Tuy nhiên, thông báo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời hạn không tuyển sinh trước 1/7/2019 là gấp gáp, thiếu chuyên nghiệp.

"Một chính sách hiệu quả là phải chú ý đến tính đa dạng và đặc điểm của các trường. Các trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh cao đẳng, trung cấp từ rất sớm, như việc tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh trực tiếp hoặc qua phần mềm do chính ngành lao động triển khai, rồi chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đào tạo sinh viên tuyển vào năm học 2019-2020. Văn bản ra như vậy khá đột ngột khiến nhiều trường gặp khó khăn. Luật Giáo dục Đại học lại không có điều nào cấm không đào tạo nghề trung cấp hay cao đẳng, nghĩa là các trường có quyền đào tạo nghề. Tất nhiên, muốn đào tạo nghề thì phải đăng ký đào tạo theo Điều 18 của Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã qui định"- ông Vinh nêu.

Ông Vinh cũng cho rằng, Văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ, không chú ý đến có trường ĐH mới nâng cấp từ trường CĐ lên ĐH, trong khi chưa chắc đã có thể đủ lực đào tạo ĐH, và còn đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp chỉ để đào tạo nghề thì xử lý thế nào? Hơn nữa, tại địa phương nào đó không có cơ sở nào đào tạo CĐ ngoài trường ĐH thì người học học ở đâu cho thuận tiện...Vì thế cần có lộ trình và thực hiện đa dạng hơn.

Yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không có sơ sở

Từ góc độ pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng phân tích, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độcao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện luật định. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời bãi bỏ trình độ cao đẳng trong quy định nêu trên của Luật Giáo dục Đại học 2012.

Luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học 2018 vẫn giữ quy định của Luật 2012 (sau khi đã bị luật Giáo dục nghề nghiệp bỏ cụm từ "trình độ cao đẳng") về "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ".

Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học cũng bổ sung định nghĩa, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

"Cần phải lưu ý rằng, định nghĩa nêu trên đơn giản chỉ nhằm thống nhất cách hiểu về cụm từ "cơ sở Giáo dục đại học" mà không nhằm quy định lại hoặc giới hạn nhiệm vụ quyền hạn của trường đại học. Như vậy, Luật Giáo dục Nghề nghiệp và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng không sửa gì về điều quy định nhiệm vụ quyền hạn của trường đại học. Với những quy định pháp luật trên thì yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không có cơ sở. Các quy định về nhiệm vụ quyền hạn của trường ĐH vẫn được giữ nguyên nội dung trong các văn bản pháp luật kể từ năm 2012 đến nay. Mặt khác, Luật Giáo dục Đại học từ 2012 đến nay không có gì mới về việc này và đặc biệt là chưa có bất kỳ quy định nào bãi bỏ Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Do vậy không có cơ sở nào để từ 2014-2018 thì cho các trường ĐH đăng ký hoạt động Giáo dục nghề nghiệp và từ 2019 lại yêu cầu dừng tuyển sinh"- ông Sơn khẳng định.

Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng vì có quy định tại Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện một số trường ĐH đã thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đã chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên…để thực hiện hoạt động. Hơn nữa thời điểm yêu cầu vào giữa mùa tuyển sinh, khi công tác tuyển sinh gần như sắp hoàn tất là không hợp lý.

Ngoài ra theo ông Sơn, không chỉ ở Việt Nam, một số nước vẫn cho các trường ĐH đào tạo trình độ thấp hơn như Úc, Mỹ. 

Được bết, từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trừ các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên. Chức năng quản lý nhà nước đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp; hồ sơ quản lý về giáo dục nghề nghiệp; các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp; nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án cũng như nhân sự Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT đã được chuyển giao cho Bộ LĐ-TB và XH.

Lê Huyền
vietnamnet.vn – 28/07/2019

Bài viết liên quan

440
  Tải tài liệu