Trường đại học được... lập đại
Vượt cả quy hoạch
Không đảm bảo chất lượng
Từ năm 1998 đến 2009 đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập. Trong đó có tới 230 trường được nâng cấp, đi ngược lại định hướng quy hoạch của chính phủ.
Việc thành lập ồ ạt trường ĐH thiếu định hướng, chiến lược; để các trường hoạt động tùy tiện... khiến giáo dục ĐH tồn tại nhiều bất hợp lý.
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh thành đều có ít nhất một trường ĐH được nâng cấp từ bậc học thấp hơn
Vượt cả quy hoạch
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 1998 - 2009 đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có tới 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Điều này đi ngược lại định hướng Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 của Chính phủ. Quy hoạch này "ưu tiên thành lập các cơ sở mới có đủ tiềm lực và điều kiện; hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có”.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 vùng đồng bằng sông Hồng dự kiến có khoảng 125 trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, đến tháng 9.2009 khu vực này đã có 143 trường, gồm 78 trường ĐH và 65 trường CĐ. Năm 2006, thời điểm quy hoạch, khu vực này có 104 trường. Như vậy, chỉ trong 3 năm (2006 - 2009) có thêm 39 trường ĐH, CĐ được thành lập, vượt số lượng 18 trường và trước 11 năm so với quy hoạch!
Năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo quy mô đào tạo đang trong tình trạng mất cân đối: ĐH chiếm 72,3%, CĐ chỉ chiếm 27,7%. Tuy vậy, xu hướng nâng cấp trường ĐH từ CĐ vẫn không ngừng tăng. Tại Hải Dương, vào tháng 9.2009 mới có 2 trường ĐH nay đã có 4 trường. Tại Bắc Ninh, Nam Định, mỗi tỉnh hiện có 4-5 trường ĐH. Tại Hà Nội và TP.HCM, năm nay nhiều trường CĐ cũng trở thành ĐH như: ĐH Tài nguyên Môi trường, ĐH Công nghiệp Việt - Hung, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, ĐH Nguyễn Tất Thành…
Đa số các trường mới được nâng cấp gần đây thuộc các bộ: Y tế, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Tài chính… Riêng Bộ Công thương đã liên tiếp nâng cấp trường CĐ thành ĐH như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Sao Đỏ, ĐH Việt - Hung…
Không đảm bảo chất lượng
Điều đáng nói là, trong khi ngân sách dành cho giáo dục ĐH vẫn thấp và hầu hết các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì việc ra đời ào ạt các trường ĐH, CĐ công lập khiến việc đầu tư giáo dục ĐH bị dàn trải, manh mún. Trong 195 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp trên toàn quốc trong giai đoạn 2005 - 2009 thì có tới 139 trường là công lập.
Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ở các trường công lập, suất đầu tư cho giáo dục mà Nhà nước quy định là 6 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên, do các trường thường tuyển vượt chỉ tiêu nên hiện suất đầu tư của Nhà nước cho một sinh viên (SV) trên thực tế mới chỉ đạt khoảng 2 - 3 triệu đồng/năm.
Đầu tư thấp dẫn đến cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ giảng viên (GV) không đảm bảo đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ GV/SV cao nhất chỉ là 1/25, trong đó có ít nhất 50% số GV sau ĐH, nhưng hiện đa số các trường ĐH được nâng cấp từ CĐ lên không đảm bảo tiêu chí này.
Đầu năm 2011, trường CĐ Nông lâm Bắc Giang được nâng cấp thành ĐH trong khi chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường có quy mô khoảng 4.000 SV nhưng chỉ 184 GV trong đó có 1 tiến sĩ. ĐH Điều dưỡng Nam Định nâng cấp năm 2004 từ trường CĐ Y tế Nam Định, nhưng đến năm 2009 cũng chỉ có 1 tiến sĩ trong 191 GV. Nhiều trường cũng trong tình trạng tương tự như ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Bạc Liêu... Đó là chưa nói đến việc các trường chưa có phòng thí nghiệm chuyên ngành, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, trang thiết bị hỗ trợ dạy học...
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn cho biết: “Để đạt chỉ tiêu đến năm 2020 có 450 SV/vạn dân, giáo dục ĐH thời gian qua đã phát triển quy mô đào tạo rất lớn. Chúng ta đã cho mở ồ ạt các trường ĐH, CĐ để đạt số lượng 573 trường ĐH, CĐ vào năm 2020. Tôi cho rằng số lượng như hiện nay (năm 2010 là 440 trường ĐH, CĐ) đã là quá nhiều rồi. Điều đáng quan tâm hơn là các trường mới thành lập không đủ các điều kiện về suất đầu tư, cơ sở vật chất, đội ngũ GV... để đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều trường ĐH mới được thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có GV, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn. Việc mở trường dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục chứ không phải để phục vụ cho quốc sách hàng đầu. Hơn nữa, việc nâng cấp các trường trung cấp lên CĐ và các trường CĐ lên ĐH đã làm mất trường trung cấp, CĐ tốt và sinh ra những trường CĐ, ĐH yếu kém.”
Ý kiến Đột phá từ khâu quản lý “Nói về giáo dục ĐH, người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm qua, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu GV có trình độ trên ĐH. Vậy thì làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục ĐH? Chúng ta chủ trương, đổi mới căn bản và toàn diện thì khâu đột phá là khâu đổi mới quản lý giáo dục”. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình Không có cơ sở khoa học “Để có 573 trường ĐH, CĐ vào năm 2020, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 dự chi 2.135.000 tỉ đồng (trên 102 tỉ USD). Từ nay đến đó còn 9 năm... vậy mỗi năm cần khoảng 10 tỉ USD đầu tư cho giáo dục ĐH. Trong khi đó, hiện mỗi năm ngân sách đầu tư cho toàn bộ ngành giáo dục mới chỉ đạt 4-5 tỉ USD!”. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết Không nên nâng cấp nữa “Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với giáo dục ĐH là đội ngũ thầy cô giáo. Theo quy hoạch, năm 2020 sẽ có khoảng 4,5 triệu SV và phải đạt tiêu chí 20-25 SV/GV. Như vậy đến năm 2020, sẽ cần 220 ngàn GV. So với số thầy cô hiện có (năm 2010 là hơn 70 ngàn GV) thì cần thêm 150 ngàn, tính ra mỗi năm sẽ cần thêm 15 ngàn. Hiện nay mỗi năm số GV ĐH mới chỉ tăng lên chưa được 10 ngàn người. Đấy là chưa nói đến yêu cầu tối thiểu về tỷ lệ đội ngũ GV sau ĐH cần có đối với những trường ĐH mới. Vì vậy, theo tôi các địa phương lẽ ra nên củng cố các trường cộng đồng và phát triển CĐ chứ không nên vội nâng cấp lên thành trường ĐH”. GS Phạm Phụ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM |
Vũ Thơ
10/10/2011 – thanhnien.com.vn