Ngành Y, Dược: Đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu

Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Y, Dược đang tăng cao. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực đầu ra chưa đáp ứng được thực tiễn, thậm chí một số còn không sử dụng được.

655
  Tải tài liệu

Thực trạng báo động này được chỉ ra tại cuộc hội thảo về đào tạo nhân lực y tế do Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức ngày 13/5. Đây là hội thảo đầu tiên về đào tạo nhân lực y tế có sự tham gia đầy đủ của các khối trường công lập, ngoài công lập, các trường trong ngành và ngoài ngành Y.

Đầu vào ồ ạt

Hiện nay, cả nước ta có khoảng hơn 70 trường tham gia đào tạo Y, Dược. Ngoài những trường chuyên ngành Y truyền thống còn có Khoa Y Dược của các trường đa ngành như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng…

Ngoài ra, hầu như địa phương nào cũng có một trường cao đẳng y tế và hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp với số lượng đào tạo ngành Y, Dược không nhỏ.

Đặc biệt, khối ngành Y, Dược cũng đang được coi là “thời thượng” nên nhiều trường đại học ngoài công lập đã chuyển từ tập trung đào tạo các ngành kinh tế sang Y, Dược.

GS.TS Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình chỉ ra rằng, điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường hiện nay là quá thấp. Trong đó, các trường ngoài công lập có chất lượng đầu vào đáng báo động, thậm chí có trường tuyển ở mức cao hơn điểm sàn chỉ từ 1-2 điểm.

"Quan niệm lâu nay là chỉ những người giỏi mới có thể vào ngành Y, Dược dường như đang thay đổi. Bởi hiện nay, muốn vào học Y, Dược chỉ cần đạt mức điểm sàn hoặc cận sàn”, GS.TS Lương Xuân Hiến chia sẻ.

Theo ông Hiến, có quá nhiều cơ sở hiện nay được đào tạo ngành Y, Dược. Một số trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo, cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí có trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì "vay, mượn". "Như vậy không thể đào tạo nhân lực có chất lượng được", ông Hiến nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên cũng cho biết, trừ số học sinh thi tuyển theo phương án 3 chung của Bộ GD&ĐT còn đảm bảo chất lượng đầu vào, còn lại, các hệ đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, học sinh hệ liên thông, từ các trường dự bị ĐH chuyển về, học sinh theo diện chính sách… có chất lượng đầu vào hạn chế.

Chất lượng chưa đáp ứng thực tiễn

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo ra trường khoảng 7.000 bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng được sử dụng bao nhiêu từ con số này thì vẫn chưa có thống kê chính thức.

GS.TS Lương Xuân Hiến cho biết, trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập bởi việc dạy và học hiện nay không gắn với thực tiễn, khối lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều và dàn trải.

Trên thực tế, không phải em nào giỏi về lý thuyết thì cũng giỏi về kỹ năng, tay nghề. Điều này phụ thuộc vào bản thân mỗi người cũng như phương pháp dạy của các trường.

Chia sẻ quan điểm này, GS Phạm Huy Dũng, ĐH Dân lập Thăng Long cho biết, vấn đề nổi cộm hiện nay là thiếu cơ sở lâm sàng nên sinh viên ít được thực hành.

"Có khi đi lâm sàng, sinh viên thì đông, thầy giáo lại bận, không có thời gian giảng, người bệnh thì từ chối không cho sinh viên khám… Thậm chí, nhiều trường còn không có mô hình để sinh viên thực tập trước khi đi lâm sàng nên các em rất bỡ ngỡ khi vào bệnh viện", ông Dũng nói.

Đại diện ĐH Kinh tế & Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên (một đơn vị ngoài ngành nhưng có đào tạo về Y tế - PV) cũng đưa ra nhận định, phương thức dạy và học hiện nay chủ yếu là truyền đạt kiến thức, tức là thầy dạy, trò ghi nên sinh viên rất thụ động. Ngoài ra, do mỗi lớp học có tới 60-70 sinh viên nên rất khó để dạy tốt được.

Đối với những trường chuyên ngành (đơn ngành) thì việc nghiên cứu và giảng dạy theo hướng đa ngành lại hạn chế, thiếu sự bổ sung cho nhau giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Ngoài ra, tính liên thông quốc tế của hệ thống giáo dục nói chung và của các cơ sở đào tạo ngành Y, Dược nói riêng ở nước ta còn thấp.

Trước những thực trạng kể trên, nhiều ý kiến về đổi mới đào tạo nhân lực Y tế đã được các chuyên gia đề xuất như: Phải sắp xếp lại các trường được phép đào tạo ngành Y, Dược; sớm có quy chế về kết hợp viện-trường để đào tạo sinh viên về lâm sàng; phải thay đổi căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực; nên có chuẩn đầu ra cho từng mã ngành đào tạo…

Theo PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Y đang tăng cao nhưng chất lượng nhân lực đầu ra chưa đáp ứng được thực tiễn.

Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới đào tạo nhân lực ngành này, dự kiến cuối năm nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.

Thúy Hà
(Nguồn: chinhphu.vn)

Bài viết liên quan

655
  Tải tài liệu