Định hướng nghề nghiệp vẫn tù mù

Chọn lối nào?

Chuẩn hóa trình độ và bằng cấp theo khu vực

1 814
  Tải tài liệu

Ngành nghề nào học xong dễ có việc làm, thu nhập ổn định? Đó là câu hỏi thường trực của tất cả học sinh lớp 12 trước cánh cửa vào đời. Thế nhưng, thông tin dự báo về thị trường lao động 4 năm tới vẫn chung chung, thậm chí rối mù. Làm thế nào để người học không bị “lạc lối”, sa chân vào cảnh thất nghiệp?

Chọn lối nào?

Trước bức tranh việc làm ở nước ta còn nhiều gam tối, trong đó hàng chục ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, mòn mỏi xếp hàng tìm việc, nhiều học sinh đều quan tâm và cân nhắc việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp sẽ làm trong tương lai. Một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến nêu câu hỏi: “Em thích học ngành báo chí - phát thanh truyền hình nhưng không biết ra trường có dễ xin việc làm hay không?”. Một số học sinh khác đặt vấn đề: “Ngành chăm sóc sức khỏe hiện đang dư thừa nhân lực, vậy chúng em có nên chọn học ngành này và ra trường có dễ tìm được việc làm?”. Và nhiều câu hỏi khác đặt ra tại chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2015 diễn ra ở các trường THPT cũng thể hiện nỗi băn khoăn về việc chọn khối thi, ngành học sao cho phù hợp, đúng hướng.

Điều tất cả thí sinh quan tâm là xu hướng của thị trường lao động trong nước và khu vực, trong đó ngành nghề nào có nhu cầu thu hút nhiều nhân lực, dễ kiếm việc làm trong 4 năm tới - sau khi họ ra trường? Chọn ngành học là chọn lối đi vào đời nên nếu chọn sai đường, “lạc lối”, giới trẻ sẽ phải trả giá đắt, tốn kém thời gian, tiền bạc để học lại ngành nghề khác. Chính vì thế, công tác hướng nghiệp phải được thực hiện bài bản, từ khi các em còn học THCS và tự tin theo đuổi đam mê của mình ở bậc THPT. Vậy mà, chương trình hướng nghiệp hiện nay còn rất mù mờ. Không ít, giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp than thở: “Chúng tôi thiếu tài liệu, thiếu cập nhật thông tin về ngành nghề mới trong xã hội và không có cơ hội cho các em đi thực tế thì làm sao học sinh hình dung được ngành nghề mình sẽ làm?”. Ngược lại, vị trưởng phòng đào tạo Trường Công nghệ Hùng Vương lại nêu cái khó: “Ngành cơ điện tử cần nhiều lao động kỹ thuật, đào tạo ra bao nhiêu cũng không đủ cung ứng cho doanh nghiệp nhưng khi tư vấn nhiều học sinh, sinh viên mới biết…”. Thực tế này cho thấy, việc dự báo, kết nối thông tin giữa doanh nghiệp, nơi đào tạo và người học còn nhiều khoảng trống. Nếu không biết rõ nhu cầu sử dụng của xã hội, doanh nghiệp và rộng hơn là thị trường lao động thì học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục đối mặt với tương lai bấp bênh - thất nghiệp, thiếu việc làm.

Chuẩn hóa trình độ và bằng cấp theo khu vực

Chia sẻ những băn khoăn của học sinh về chọn ngành học nào dễ kiếm việc làm, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TPHCM, tư vấn: “Nhà trường không thể đào tạo kiến thức hoàn thiện theo yêu cầu của thị trường lao động. Vì thế, sinh viên phải chủ động tự học, tự hoàn thiện thêm các kỹ năng cần thiết. Dù học lực giỏi nhưng thiếu kỹ năng thì khó có cơ hội được tuyển dụng vì nhà tuyển dụng cần tuyển nhân sự năng động, biết làm việc thật sự”.

Đề cập đến thực trạng đào tạo dư thừa một số ngành nghề như hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT đã cảnh báo và yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh 10% đối với ngành sư phạm, ngành sức khỏe và nhiều ngành khác. Tuy nhiên, cũng có ngành nơi này thừa, chỗ khác thiếu như ngành sức khỏe. Trong khi TPHCM, các đô thị lớn dư thừa thì ở khu vực Bắc Tây Nguyên lại thiếu. Như thế, đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng tại địa phương, theo chu kỳ và rộng hơn là thị trường lao động cả nước. Để cánh cửa việc làm sau 4 năm mở rộng đón sinh viên ra trường thì công tác dự báo nguồn nhân lực rất cần thiết. Khi thị trường nhân lực thay đổi thì người học phải được tư vấn để chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp, tránh học theo phong trào, theo nghề “hot hay còn gọi là thời thượng”.

Vấn đề đặt ra ở đây là các nhà hoạch định chính sách phải dự báo đúng về tốc độ tăng trưởng kinh tế với hiệu suất tạo việc làm mới trong từng năm hoặc trong 5 năm tới. Một khi nền kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hoạt động bấp bênh thì khó có thể dự báo đúng về nhu cầu, xu hướng của thị trường lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động hiện thời biến động nhanh, đòi hỏi nhiều kỹ năng cao ở người lao động. Vì thế nếu chỉ thụ động, học những gì được dạy ở trường ĐH thì sinh viên không thể cạnh tranh, tiếp cận với việc làm có thu nhập ổn định hoặc cao. Không chỉ có việc làm nội địa gia tăng, cộng đồng ASEAN sắp mở cửa sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm. Nếu các em tự tin với hành trang vững vàng về kiến thức chuyên sâu, trình độ ngoại ngữ, tin học, tác phong công nghiệp, tự tin… thì không sợ thiếu việc làm.

Để học sinh không băn khoăn, lo lắng về tương lai nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT phải quy hoạch, cân đối chỉ tiêu đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Để tránh tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cần hạn chế đào tạo tự phát, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo bậc CĐ, ĐH và nghề theo chuẩn trình độ khu vực ASEAN và quốc tế. Khi gia nhập cộng đồng ASEAN trong năm nay, cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, sàng lọc sẽ gay gắt hơn. Vì thế người lao động, sinh viên, học sinh phải chủ động tự học, tự bổ sung kiến thức kỹ năng để có thể tham gia thị trường lao động trong khu vực.

KHÁNH BÌNH
Nguồn: sggp.org.vn

 

Bài viết liên quan

1 814
  Tải tài liệu