Hết tình trạng vào đại học để... chơi?

Những năm gần đây, việc sinh viên bị buộc thôi học nếu “tụt dốc” hoặc không theo kịp đã không còn là chuyện lạ. Đồng thời, cùng với xu thế phân tầng đại học, sinh viên sẽ được định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, hiện các trường vẫn chơi vơi, không biết mình ở “tầng” nào...

1010
  Tải tài liệu

Không thể kéo dài kiểu đào tạo “dàn hàng ngang”

Sự việc 1.041 sinh viên (SV) thuộc 8 khoa của Đại học (ĐH) Tây Nguyên có nguy cơ bị buộc thôi học là việc làm hiếm thấy từ xưa tới nay ở một trường ĐH nước ta, khi mà nhiều trường phải vật lộn tìm đủ mọi cách để tuyển sinh, lôi kéo người học về trường mình. 

Lý do mà hội đồng kỷ luật nhà trường đưa ra là các SV này phần lớn tự ý bỏ học hoặc có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1,0 (tính theo thang điểm 4,0). Sau khi cảnh báo quá hai lần mà SV không khắc phục được, thì sẽ bị trường buộc thôi học.

Thực tế, trước khi SV theo học tín chỉ, có nhiều em bị kỷ luật, học đi học lại kỉ lục tới... 10 năm vẫn có bằng, ra trường. Thế nhưng gần đây, các trường cho rằng năm nào nhà trường cũng sàng lọc hàng trăm SV. 

Đơn cử, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trung bình mỗi năm nhà trường có hơn 1.000 SV bị buộc thôi học, trong đó đa phần là SV hệ cao đẳng và các hệ không chính quy. 

ĐH Ngân hàng TP HCM cũng buộc thôi học 201 SV, cảnh cáo học vụ gần 100 người. ĐH Nông Lâm TP HCM buộc thôi học 280 SV. Trước đó, ĐH Văn Hiến (TP HCM) công bố quyết định buộc thôi học 129 SV do kết quả học tập không đạt yêu cầu năm 2014 - 2015. 

Giữa tháng 9/2015, ĐH Văn Hiến công bố quyết định buộc thôi học 129 SV do kết quả học tập không đạt yêu cầu năm 2014-2015. Trong số này, 101 SV thuộc 13 ngành đào tạo bậc đại học và 28 SV thuộc bốn ngành đào tạo bậc cao đẳng. 

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tỷ lệ SV của trường bị buộc thôi học vì kết quả học tập kém khoảng 10% mỗi năm. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, siết kỷ luật đối với SV, Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo ĐH và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ra đời. Theo đó, từ ngày 10/2/2013, sau mỗi học kỳ, SV bị buộc thôi học nếu bị cảnh báo kết quả học tập kém trên 2 lần liên tiếp. 

Việc cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ nhằm giúp SV có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.

Có thể nói, siết chặt đào tạo cũng là cách để phân  bổ lại nguồn lực, không thể kéo dài kiểu đào tạo “dàn hàng ngang”, người người, nhà nhà học đại học trong khi năng lực và số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đang là con số đau đầu thời gian gần đây. 

Sẽ có thêm loại đại học thực hành?

Bên cạnh việc không thể kéo dài kiểu đào tạo “dàn hàng ngang” thì mới đây, Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH có hiệu lực. Kì vọng với việc phân tầng, thí sinh sẽ có những lựa chọn phù hợp khi chọn ngành nghề. Thí sinh tùy vào học lực của mình để có những hướng đi vào ĐH nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành. Đó là một xu thế tất yếu. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Nghị định 73 chia hệ thống ĐH thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành là do… thực hiện một cách máy móc Luật Giáo dục ĐH. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT giải thích: “Việc phân ra 3 tầng cũng hợp lý và cũng căn cứ vào thông lệ quốc tế. Họ cũng có ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng; còn định hướng thực hành sẽ là sứ mệnh của các trường cao đẳng. Khi tham gia soạn thảo luật, các chuyên gia cũng có ý tưởng học tập cách làm này. 

Nhưng sau này lại có Luật Giáo dục nghề nghiệp, hệ thống cao đẳng được tách ra khỏi hệ thống ĐH. Nghị định 73 ra đời sau khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, lẽ ra chỉ nên chia ĐH thành 2 tầng. Đằng này vẫn cứ bê nguyên xi Luật Giáo dục ĐH vào, thành thử “đẻ thêm” một loại ĐH thực hành mà không ai hình dung được diện mạo nó sẽ ra sao”.

Theo ông Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, Bộ GD-ĐT đang dựa vào một số tiêu chuẩn của quốc tế để đưa ra việc xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Việt Nam ít trường đạt được định hướng nghiên cứu. 

Những trường ở tầng nghiên cứu phải xây dựng định hướng, tầm nhìn và được Nhà nước đầu tư giống như cho trường ĐH trọng điểm quốc gia. 

Đa số các trường tốp giữa sẽ rơi vào “tầm” ứng dụng, các trường cao đẳng hoặc một số trường ĐH chuyên đào tạo thực hành thì sẽ rơi vào tầng thực hành. Tuy nhiên, ông Lập khẳng định, bức tranh phân tầng sẽ bộc lộ bất hợp lý vì rất nhiều trường không biết rơi vào tầng nào, hạng nào vì thiếu tiêu chí này, thừa tiêu chí kia.

Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, nhiều người nghĩ có thể áp ngay vào hạng nhất với danh mục trường ĐH nghiên cứu, vì hầu hết tiêu chí trường này đã đáp ứng rất đầy đủ, tuy nhiên tiêu chí đào tạo sau ĐH đang là một trở ngại. Quy mô đào tạo chính quy của ĐH Bách khoa Hà Nội đang là trên 25.000 SV. 

Với yêu cầu là trường ĐH  nghiên cứu nên phải có tối thiểu 30% SV là  học viên sau ĐH. Điều này đồng nghĩa với việc phải có đủ khoảng 9.000 người học sau ĐH nhưng hiện trường này mới có 5.000 học viên sau ĐH. 

Thế nên, đại diện một số trường ĐH khác cho rằng, với ĐH Bách khoa còn khó như vậy thì với các trường khác cũng sẽ khó đáp ứng tiêu chí đề ra.

Song ở góc độ ngược lại, một số trường lại cho rằng, phân tầng là việc dễ nếu có định hướng từ đầu. Ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường này ngay từ đầu đã đi theo hướng ứng dụng và có định hướng phát triển đến năm 2020 theo hướng này.

Uyên Na
(baophapluat.vn – 17/12/2015)

Bài viết liên quan

1010
  Tải tài liệu