Ngất xỉu vì đăng ký học tín chỉ
“Thức trọn tuần nay để đăng kí tín chỉ, trường đại học mà đăng kí tín chỉ phải có người xỉu vì ngồi chờ đăng kí nhưng vẫn không được môn nào..” – Tâm sự của một SV ĐH Kinh tế Đà Nẵng trên Facebook.
Sinh viên than trời
Clip dài gần 2 phút mới được SV Trường Kinh tế Đà Nẵng quay và tải lên mạng Youtube ghi lại cảnh người đứng, kẻ ngồi lo lắng để đăng ký học tín chỉ. Dễ dàng nhận thấy lúc này đã là vào buổi chiều muộn hoặc tối.
Các trường đại học như Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, Đại học Nông Nghiệp I, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Đà Nẵng... và rất nhiều trường khác thực hiện hình thức cho sinh viên đăng ký học các môn theo tín chỉ qua mạng internet.
Tuy nhiên, tình trạng các mạng thông tin nội bộ của các trường ĐH “nghẽn” trước mỗi đợt đăng ký học tín chỉ với nhiều sinh viên đã không còn là chuyện mới.
Thậm chí, trên mạng xã hội Facebook, sinh viên còn lập hẳn những nhóm hội chán nản vì việc này như: ĐH Ngoại thương Hà Nội, HV Ngân Hàng, ĐH Đồng Tháp,..Có hội số thành viên đã lên tới gần 1.000.
Việc đăng ký được các thành viên “trực chiến” và thông tin liên tục. “K12 đêm nay bắt đầu chiến dịch đăng kí rồi nhỉ? Anh chị k12 nào trong page có gì thì cập nhật tình hinh chiến sự cho mọi người biết nha”; “cơm đã nấu mỳ tôm sẵn sàng chăn ga gối đệm đã ở bên chuẩn bị ra trận thôi” (trích một vài bình luận, chia sẻ trên Facebook)..
H.P, một sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội tâm sự: “Chuyện thức 24/24 với bọn em là bình thường. Rồi thì mạng báo lỗi, đăng ký không thành công, chuyện nhẫm lẫn môn học. Có bạn đăng ký không đủ môn hoặc 1 môn nhưng lại chia ra 2 lớp.
Vừa qua, trường tổ chức đăng ký cũng đúng dịp thi học kỳ. Việc không đăng ký được khiến nhiều bạn mất tinh thần, chán nản”.
Bạn này cho biết nếu có nhầm lẫn sinh viên có thể lên làm việc trực tiếp với phòng đào tạo, rồi trường tổ chức đăng ký lần 2. “Nhưng nói chung là mệt mỏi và chán nản. Thà quay về với cách truyền thống thi cử trước kia còn đỡ vất vả hơn”.
Tuy nhiên, để được giải quyết, như quy định của HV Ngân hàng thì: Phòng Đào tạo không giải quyết đăng ký học cho các trường hợp sinh viên không đăng ký học trên cổng thông tin sinh viên.
Trưởng phòng đào tạo cũng mất ngủ
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Nhiều sinh viên còn thụ động, không đăng ký hoặc về quê, nhờ bạn đăng ký hộ. Chuyện không đăng ký được có thể hiểu được và không xảy ra ở trường tôi. Khi thời gian đăng ký tín chỉ cho phép trong 1 tuần, sinh viên thường dồn đăng ký vào 1-2 ngày đầu. Tắc nghẽn là dễ hiểu. Sinh viên không thể hoàn toàn đăng ký lớp học mà mình muốn khi số thầy cô, số phòng học hạn chế như hiện nay”.
Cho biết rằng trường vừa tăng cường thêm 1 máy chủ phục vụ cho sinh viên đăng ký học tín chỉ, nâng số lượng đáp ứng được khoảng 500 lượt truy cập trong cùng thời điểm, vị trưởng phòng khẳng định: “Không thể có chuyện trong 7 ngày mà các em không đăng ký được”.
Việc thực hiện đăng ký học tín chỉ qua mạng đã được trường này thực hiện được 4 năm. Những năm trước, theo chia sẻ của ông Trần Mạnh Dũng: “Tôi cũng mất ăn mất ngủ vì tình hình này nhưng giờ thì tốt hơn rồi”.
Nhắc lại quan điểm sẽ tạo điều kiện giúp đỡ những sinh viên chưa đăng ký được hoặc đăng ký đủ môn học nhưng ông Dũng cũng cho hay “chỉ làm với những em có lý do chính đáng. Nếu mình nhận nhượng chắc các em sẽ dồn hết lên phòng này mất”.
Phong Đăng
Nguồn: vietnamnet.vn