Chuẩn đầu ra: Dễ công bố, khó thực hiện
Chuẩn đầu ra: Dễ công bố, khó thực hiện
Đến cuối tháng 6.2011, các trường ĐH, CĐ, TCCN cả nước phải hoàn thành việc công bố “chuẩn đầu ra” theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Xét cho cùng, “chuẩn đầu ra” chính là “thương hiệu” của một trường. Không thể chỉ một vài năm là các trường đủ sức tạo dựng được “thương hiệu” tên tuổi cho mình.
Dựa vào đâu để xây dựng “chuẩn đầu ra”?
Câu trả lời đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất là: “Khả năng của trường đến đâu thì xây dựng chuẩn đầu ra đến đó”. “Khả năng” ở đây là các điều kiện hiện có của nhà trường về cơ sở vật chất trường lớp; về năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) và giảng viên (GV); cuối cùng là về năng lực tài chính. Đây cũng là “ba điều kiện” mà Bộ GD&ĐT buộc các trường ĐH, CĐ, TCCN phải “ba công khai” từ hai năm nay, liên quan đến việc “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay: đa số các trường ĐH, CĐ, TCCN của ta đều có cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu, khả năng nguồn lực đầu tư tài chính hạn hẹp; đặc biệt là thiếu trầm trọng đội ngũ GV trình độ cao (GS, PGS, TSKH, TS), thì việc các trường dựa vào đó để công bố “chuẩn đầu ra” quả là đáng ngại!
Đáng ngại vì chỗ dựa chông chênh yếu kém về nhiều mặt. Riêng bộ mặt trường lớp và tiền bạc, có thể không khó lắm việc huy động các nguồn lực để đầu tư. Đau đầu nhất là làm sao có đủ thầy giáo giỏi về chuyên môn và tâm huyết với nghề nghiệp. Không có thầy giỏi làm sao có trò giỏi? Các tiêu chuẩn để được tuyển dụng làm GV ĐH, CĐ đã có trong các quy định của “Luật GD”, trong “Điều lệ trường ĐH, CĐ”. Thế nhưng không ít trường ĐH, CĐ ở nước ta hiện nay, vẫn còn nhiều GV CBQLGD & GV chưa đạt “chuẩn đầu vào” (cử nhân dạy cử nhân - kiểu “cơm chấm cơm”). Thầy chưa đạt “chuẩn đầu vào”, làm sao trò đủ khả năng đạt “chuẩn đầu ra”?
Cần nói thêm về nỗi lo yếu kém của đội ngũ CBQLGD & GV ở một số trường ĐH, CĐ. Nhiều trường đã công khai năng lực của đội ngũ này, bằng số lượng trường hiện có bao nhiêu GS, PGS, TSKH, TS, trong đó chiếm tỷ lệ áp đảo là thạc sĩ (ThS). Thực tế cho thấy: số lượng GV có bằng cấp sau ĐH ngày càng nhiều là điều đáng mừng. Song điều này không có nghĩa là chất lượng đào tạo đích thực, theo đó mà nhanh chóng được nâng lên. Bởi có không ít vị GS, PGS, TSKH, TS tuy có tên trong danh sách của trường, nhưng đa số đã già (một số đã qua tuổi nghỉ hưu), hoặc họ tập trung lo làm công tác QLGD, hoặc họ chỉ chú tâm đứng lớp hệ tại chức (có thu nhập nhiều hơn hệ chính quy). Lực lượng này vốn đã mỏng lại càng mỏng thêm, vì nhiều trường khi công khai trường mình có bao nhiêu GV có trình độ sau ĐH, họ tính luôn cả số GV đang đi học cao học hoặc đang học nghiên cứu sinh (có trường bình quân mỗi năm có tới 15-20% CBQLGD&GV đi học sau ĐH).
Như vậy, dù không công khai thì mỗi trường ĐH, CĐ đều có khá nhiều CBQLGD & GV, mặc dầu có bằng cấp cao nhưng rất ít có thời gian trực tiếp đứng lớp - thậm chí đã tạm xa bục giảng. Chưa kể số GV giỏi chuyên môn còn tham gia “chạy sô - dạy sô” ở nhiều trường đến ngộp thở, chất lượng giảng dạy do đó hầu như “dẫm chân tại chỗ”.
“Chuẩn đầu ra”: nói dễ - làm khó
Hầu hết các trường ĐH, CĐ, TCCN đã công bố “chuẩn đầu ra” trên website của trường mình. Những trường thành lập lâu đời có tên tuổi, thì “chuẩn đầu ra” được xây dựng công phu, chi tiết đến từng chuyên ngành đào tạo. Sinh viên (SV) sẽ được biết mình phải tích luỹ bao nhiêu kiến thức bắt buộc, bao nhiêu kiến thức cần bổ sung nâng cao và các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để được cấp bằng tốt nghiệp. Họ cũng được biết với tấm bằng đó, khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng đến đâu, thích hợp với công việc gì, kể cả thu nhập tối thiểu lúc bắt đầu được tuyển dụng.
Tùy từng trường sẽ có “chuẩn đầu ra” khác nhau. Có trường nặng về nghiên cứu, có trường thiên về ứng dụng thực hành, có trường yêu cầu rất cao về “chuẩn đầu ra” (những trường đào tạo theo “chuẩn quốc tế”). Lại có những trường công bố “chuẩn đầu ra” dạng đại trà, có trường đòi hỏi chuyên sâu... Mặc dầu là trường dân lập, nhưng trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM đã tiên phong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo “tiêu chuẩn quốc tế 9001:2000” từ năm 2005. Ra đời năm 1995, nhưng nhà trường đã mạnh dạn công bố “chuẩn đầu ra” đến năm 2015 “chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Dư luận băn khoăn “tiêu chuẩn quốc tế” này dựa vào đâu và có đạt được hay không? Câu trả lời thuộc về nhà trường...
Cũng hướng tới đào tạo đạt chuẩn quốc tế, Trường ĐH Tân Tạo (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) mới thành lập ở Đức Hoà - Long An đã đề ra mục tiêu, sứ mạng là: “Đào tạo những nhân tài Việt Nam có khả năng chuyên môn cao, giao tiếp tiếng Anh thành thạo, để sẵn sàng phục vụ cho các cơ sở của nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp VN đầu tư ở ngoài nước”.
Theo TS Trương Chí Hiền - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. HCM), khi xây dựng “chuẩn đầu ra”, cần tránh khuynh hướng đòi hỏi quá cao, hoặc đề ra các “chuẩn” quá thấp với SV, nên lấy đối tượng SV học lực từ trung bình trở lên để xây dựng “chuẩn đầu ra” là phù hợp nhất. Tất nhiên phải tính đến xu thế phát triển như vũ bão của nền khoa học - kỹ thuật - công nghệ thế giới, để kịp thời bổ sung những tiêu chuẩn cần thiết phải có đối với SV tốt nghiệp ra trường.
Một trong những “chuẩn đầu ra” khó thực hiện thành công nhất, theo PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, là trình độ ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) của đa số SV khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, hầu hết các trường ĐH, CĐ đang lúng túng chuyển đổi mô hình QLGD và dạy học từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Chỉ khi nào tổ chức thành công QLGD và đào tạo theo tín chỉ, thì khi đó việc xây dựng “chuẩn đầu ra” và đảm bảo “chuẩn đầu ra” thực sự đúng “chuẩn” mới có thể thành công như mong muốn.
Các trường ĐH, CĐ, TCCN cả nước đã và đang đào tạo khoảng 500 ngành nghề và chuyên ngành khác nhau. Tuy khoảng 60% trong số đó là đào tạo ngành nghề - chuyên ngành trùng lặp. Do đó, nếu chịu khó lướt website của tất cả các trường ĐH, CĐ, TCCN cả nước, bạn sẽ bắt gặp vô số “chuẩn đầu ra” của các trường được công bố na ná nhau. Đặc biệt là các ngành nghề đào tạo rầm rộ, áp đảo lớn nhất như: Công nghệ Thông tin (trường nào cũng có); Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông; Điện gia dụng; Điện lạnh; Quản trị - Kinh doanh; Kế toán; Tài chính - Ngân hàng; Du lịch; Ngoại ngữ; Sư phạm v.v... Do đó, nhiều SV chặc lưỡi: Chỉ cần một cú click chuột là có thể copy khá đầy đủ các “chuẩn đầu ra” na ná nhau, từ trường A sang trường B, sang trường C... Cần gì phải mệt sức xây dựng “chuẩn đầu ra”, mất bao nhiêu tháng bao nhiêu năm với hàng chục cuộc họp...
Có thể nói, việc công bố các “chuẩn đầu ra” của các trường, xét cho cùng chỉ là hình thức, làm cho bộ mặt của nhà trường “đẹp” hơn, “hấp dẫn” hơn mà thôi. Hiện nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ, TCCN ở ta chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng đào tạo (kiểm định trong lẫn kiểm định ngoài), kèm theo đó là phải công bố các kết quả kiểm định. Như vậy, SV và cha mẹ các em cũng như xã hội chỉ biết “xem sao biết vậy”, làm sao biết được trong đó bao nhiêu phầm trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm là tô vẽ? Tất nhiên, các SV sau khi tốt nghiệp ra trường tìm việc làm, họ sẽ hiểu rõ nhất, chính xác nhất cái được và chưa được của tấm bằng tốt nghiệp, mà họ đã đổ ra biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được.
-57% SV sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ phải học thêm nghề khác, do đến lúc đó họ mới phát hiện ra mình không phù hợp với chuyên môn đã học. -50% SV đang học ĐH, CĐ không hứng thú với ngành nghề mình đã chọn. -37% SV sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm, vì ngành nghề mà các SV được đào tạo ở thị trường lao động đã bão hoà. (Tổng kết Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ toàn quốc năm 2010, do Bộ GD & ĐT tổ chức đầu năm 2011 tại Hà Nội). |
08/07/2011 – gdtd.vn