Có nên đổ xô học đại học ? - Kỳ 2: Chọn đường nào?

Học 16 năm... thất nghiệp

Học ĐH để tìm cơ hội tốt ngang mọi người

TP.HCM chỉ cần 12,31% trình độ ĐH

Đúng năng lực sở trường sẽ thành công

Chỉ nên học ĐH khi có đủ năng lực

Không ít cử nhân chấp nhận làm công nhân

664
  Tải tài liệu

Mới đây, ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, đã khuyên người dân nước này rằng không nhất thiết phải học ĐH mới có được công việc tốt.

Trong khi đó, trên blog cá nhân của Bill Gates, tỉ phú giàu nhất thế giới, cho rằng: “Việc có một tấm bằng ĐH là con đường dễ dàng hơn để dẫn đến thành công”.

Ở nước ta, cuối tháng 4 vừa qua Bộ GD-ĐT công bố có tới 40% sinh viên ra trường sau 3 tháng không tìm được việc làm. Còn thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trong quý 1/2014 có khoảng 162.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp.

Sau khi Thanh Niên đăng bài Có nên đổ xô học đại học?, có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này:

Học 16 năm... thất nghiệp

“Có tới 30% học sinh đang theo học tại Trường trung cấp Ánh Sáng đã từng tốt nghiệp ĐH. Trong đó có em có tới 2 bằng cử nhân. Lý do là nhiều em học xong thất nghiệp, hoặc đi làm trái ngành, chán nản nên quay lại học ngành sở trường. Có em cố thi đậu ĐH rồi nhưng quá trình học thấy không hứng thú nên bỏ đi học trung cấp”.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng
(Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng, TP.HCM)

Học ĐH để tìm cơ hội tốt ngang mọi người

Theo tôi, không có cách nào để giải quyết vấn đề này, nếu chúng ta không tiếp cận nó dưới một quan điểm toàn diện và xuyên suốt khi nhìn vào những vấn đề của giáo dục VN. Không dễ dàng để có thể hạn chế được tình trạng học sinh ồ ạt thi ĐH. Những câu hỏi được đặt ra sẽ khiến các nhà quản lý, hoạch định chiến lược giáo dục phải đau đầu. Đó là nếu tôi không đi thi đại học thì tôi sẽ làm gì? Đi học nghề ư? Học trung cấp ư? Những hệ thống này có đào tạo cho tôi trở thành người thợ lành nghề và sống tốt trong môi trường công việc hiện nay không? Hay là tôi sẽ đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT? Ở VN, việc tốt nghiệp THPT chỉ có thể đảm bảo cho bạn những công việc chân tay với mức lương bèo bọt và chế độ bảo hiểm thiếu thốn. Nghĩa là, khi tôi muốn tìm cơ hội tốt ngang với mọi người thì trước hết tôi phải học ĐH đã. Học ĐH, vì thế đã trở thành cái mốc, thước đo căn bản trong quá trình tìm việc.

Nguyễn Cao Cường
(Giám đốc Trung tâm báo chí truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội)

TP.HCM chỉ cần 12,31% trình độ ĐH

“Mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp tại TP.HCM không kiếm được việc làm. Có khoảng 60% cử nhân, kỹ sư các trường ĐH chấp nhận những công việc trái ngành hoặc thấp hơn trình độ đào tạo, trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu. Sau khi khảo sát tại các doanh nghiệp, số liệu của trung tâm chúng tôi cho thấy hằng năm thị trường cần nhiều nhất lao động ở trình độ trung cấp, khoảng 21,52%. Trong khi đó CĐ cần 11,21%, ĐH cần 12,31% và trên ĐH chỉ cần 0,5%.

Trần Anh Tuấn
(Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Đúng năng lực sở trường sẽ thành công

“Tôi có một học trò khá đặc biệt. Cậu ấy thi đậu ĐH ngành tài chính kế toán. Tuy nhiên quá trình học cậu hay bỏ học, chán nản. Khi hỏi thăm thì tôi được biết cậu học ngành này là do bố mẹ muốn, chứ bản thân cậu thích vẽ, thiết kế. Sau khi học hết học kỳ thứ 2, cậu quyết định ngừng học và lén đi học ngành thiết kế đồ họa của một trường trung cấp. Thỉnh thoảng gặp tôi, cậu say mê nói về các dự định cho tương lai, đó là sẽ mở một doanh nghiệp nhỏ về in ấn, thiết kế vì nhu cầu thực tế của nghề này đang rất cao. Tôi tin cậu ấy sẽ thành công”.

H.T
(Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Chỉ nên học ĐH khi có đủ năng lực

Hiện nay doanh nghiệp thì vất vả kiếm thợ lành nghề trong khi hàng vạn cử nhân/kỹ sư ra trường lâm vào cảnh thất nghiệp. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ ra trường sau một thời gian xin việc không được đành ngậm ngùi cất bằng để nhận các công việc phổ thông với mức lương chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó công nhân lành nghề ngành cơ khí, chế biến có trình độ có thể đạt mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang ngày càng gay gắt trên cả nước. Việc đó không chỉ gây lãng phí tiền bạc và thời gian của các bạn cũng như gia đình mà còn tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội.

Đã đến lúc cần thay đổi từ tư duy hình thức sang tư duy cung cầu phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội. Câu hỏi “có nên học ĐH hay không?” không có câu trả lời chung cho tất cả, vì còn phụ thuộc vào năng lực, hoàn cảnh gia đình. Nếu thí sinh có năng lực tốt thì vẫn nên thi ĐH, còn lại thì nên học nghề để vừa học vừa làm được.

Trần Duy Long
(Giám đốc Công ty cổ phần Sống Bền)

Không ít cử nhân chấp nhận làm công nhân

“Hằng năm các khu công nghiệp, chế xuất khu vực TP.HCM cần khoảng 25.000 lao động trở lên. Tuy nhiên, trong đó chỉ cần 10% trình độ ĐH, CĐ, còn trình độ trung cấp, đào tạo nghề cần tới 40%. Có không ít cử nhân tốt nghiệp ĐH do không kiếm được việc đã chấp nhận xin vào làm công nhân cho các doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp”.

Nguyễn Thanh Tùng
(Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM)

Mỹ Quyên (ghi)
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

664
  Tải tài liệu