Không kiểm soát được chỉ tiêu tuyển sinh
Không kiểm soát được chỉ tiêu tuyển sinh
Mặc dù Bộ GD-ĐT có nhiều chủ trương, tiêu chí nhằm siết chặt, cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở những trường ĐH, CĐ chưa đủ điều kiện, song thực tế không phải như vậy.
Vẫn tăng dù vượt chuẩn
Năm 2007, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường được tự xác định chỉ tiêu (CT) tuyển sinh dựa trên các tiêu chí do Bộ ban hành, nhưng rút cuộc, CT của nhiều trường vẫn không dựa trên các quy định này.
Tại các quyết định về việc xác định CT tuyển sinh năm 2007, Bộ GD-ĐT quy định: tỷ lệ sinh viên (SV)/giảng viên (GV) đối với các trường kỹ thuật - công nghệ không được vượt quá 20 SV/GV, trường kinh tế - kỹ thuật, đa ngành, sư phạm không quá 22 SV/GV… Thế nhưng vào thời điểm này, có rất nhiều trường dù vượt quy định nhưng vẫn được tăng CT. Trong số này phải kể đến Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, năm 2006 chỉ có 3.400 CT, năm 2007 tăng 4.700, năm 2008 tăng tiếp lên 6.300 và năm 2009 là 6.600, nâng tỷ lệ SV/GV của trường này lên 29,8/1. Một số trường khác cũng tăng CT rất nhanh, đưa tỷ lệ SV/GV vượt mức cho phép như: Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội năm 2006 chỉ có 300 CT nhưng năm 2009 tăng lên 1.900, tỷ lệ SV/GV tới 33,7/1; Trường CĐ Công nghiệp Sao Đỏ (nay là ĐH Công nghiệp Sao Đỏ) tăng từ 700, lên 2.600 nâng tỷ lệ SV/GV là 24,4/1; Trường CĐ Công nghiệp Việt Hung tăng từ 400 lên 1.800, tỷ lệ SV/GV là 23,9/1…
Năm 2010, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra quy định khắt khe hơn về việc xác định CT tuyển sinh như: Những cơ sở đào tạo có số SV/GV cao hơn mức quy định thì CT năm 2010 sẽ giảm so với năm 2009; Các cơ sở đào tạo có diện tích sàn xây dựng trên 1 SV thấp hơn 2m2 thì CT chính quy sẽ không được tăng, đồng thời các CT còn lại sẽ giảm so với năm trước. Thế nhưng trên thực tế, quy định này vẫn không được thực hiện nghiêm túc. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đến năm 2009 đã vượt mức cho phép về tỷ lệ SV/GV nhưng năm 2010 vẫn tiếp tục tăng lên 7.900 CT, năm 2011 là 8.650 CT. Con số này cao hơn 2 lần số CT của năm 2006, năm trước khi có quy định về xác định CT tuyển sinh!
Chủ yếu xin - cho
Cơ sở mà Bộ GD-ĐT làm căn cứ xác định CT cho các trường là báo cáo “3 công khai”. Trong khi đó, báo cáo này lại do trường thực hiện, không có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, thường xuyên của các đơn vị chức năng. Ngay trong hội nghị sơ kết một năm rưỡi thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về việc đổi mới giáo dục ĐH diễn ra ngày 29.10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định “3 công khai” vẫn còn hạn chế. Vì thế, việc Bộ cấp CT cho các trường trên thực tế chỉ dựa vào văn bản “xin” của trường, chứ không hề có khâu kiểm tra, đánh giá và thẩm định. Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Quy trình này khá đơn giản, nhưng đôi khi nhiêu khê vì chỉ là cơ chế “xin - cho” giữa Bộ và các trường”.
Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho biết: “Mặc dù, theo quy định trường được tự xác định CT tuyển sinh dựa trên các tiêu chí của Bộ nhưng hầu như các tiêu chí này không được xem xét”. Đánh giá về thực trạng này, GS Trần Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, bức xúc: “Các chuyên viên của Bộ GD-ĐT tính toán CT tuyển sinh để giao cho các trường thì chỉ biết mỗi năm tăng giảm bao nhiêu phần trăm, không cần biết đến quan hệ cân đối giữa số lượng SV và cơ sở vật chất kỹ thuật của từng trường. Đó là cơ chế quan liêu đã tồn tại cách đây nửa thế kỷ và cần phải xóa bỏ”.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, cho rằng: “Bộ đưa ra các quy trình với đầy đủ các bước, xét trên giấy thì ổn cả, nhưng thực ra chỉ là hình thức thôi. Bởi vì, Bộ không thể kiểm tra thực tế hết được. Nói như lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập thì trong hơn 400 trường, Bộ chỉ kiểm tra được 4 trường, thì chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa!”.
Theo dự luật Giáo dục ĐH vừa được công bố, các trường ĐH sẽ được trao quyền tự chủ cho trường trong việc xác định CT tuyển sinh dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, với thực tế như đã đề cập, nếu muốn thực hiện triệt để chủ trương này, các tiêu chí của Bộ GD-ĐT cần được rà soát và điều chỉnh để có tính khả thi. Đồng thời, cơ chế kiểm tra giám sát cần được tăng cường thông qua việc kiểm định chất lượng giáo dục. Một chuyên gia cảnh báo: “Nếu việc kiểm định chất lượng giáo dục không được thực hiện một cách độc lập, công khai, minh bạch thì tới đây, khi được quyền tự chủ, sẽ lại xuất hiện tình trạng xin - cho quyền tự chủ” .
Không phù hợp thực tế Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, sở dĩ những quy định của Bộ GD-ĐT về xác định CT không thực hiện được vì những tiêu chí chưa phù hợp với thực tế. Theo báo cáo kết quả giám sát về giáo dục ĐH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5.2010, thời gian qua quy mô đào tạo ĐH tăng trung bình 13%. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ năm 1987-2009, số SV cả nước tăng 13 lần nhưng GV chỉ tăng 3 lần, do đó tỷ lệ SV/GV ngày càng cao. Năm 1987, tỷ lệ này 6,6/1, đến năm 2009 bình quân là 28/1. Thế nhưng, quy định về xác định CT tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lại chỉ cho phép nhóm ngành đào tạo có tỷ lệ SV/GV cao nhất là 25! Trong khi đó để thực hiện mục tiêu 450 SV/vạn dân vào năm 2020, Bộ GD-ĐT ấn định quy mô đào tạo giáo dục ĐH tăng khoảng 10%/năm. Thế nhưng muốn đạt tỷ lệ SV/GV đúng chuẩn, CT tuyển sinh phải giảm xuống chứ không thể tăng như kế hoạch. |
Vũ Thơ - Hà Ánh
Thanhnien.com.vn