Đào tạo mất cân đối: Nguy cơ người nhiều hơn việc
Bộ GD- ĐT đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về những ngành nguy cơ người nhiều hơn việc trong tương lai. Và bộ cũng đã có giải pháp siết chỉ tiêu các trường.
Những khuyến cáo cùng động thái siết chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách quy định quy mô đào tạo dựa trên số giảng viên, diện tích phòng... có vẻ chưa đủ tác động đến các cơ sở đào tạo. Các trường và người học dường như vẫn dửng dưng trước thông điệp này. Đa số trường ĐH buông gì thì buông, vẫn kiên quyết “giữ chặt” chỉ tiêu cho khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh.
Vẫn tăng chỉ tiêu kinh tế
Với mục tiêu kéo số sinh viên trúng tuyển vào các ngành kinh tế xuống dưới 32% so với tổng thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ, đáng lẽ chỉ tiêu các ngành kinh tế, các trường chuyên về đào tạo kinh tế cũng phải giảm dần, nhưng thực tế con số giảm này không đáng là bao, trong khi nhiều trường lại “phình” chỉ tiêu tuyển sinh một cách... ngoạn mục.
Mùa tuyển sinh năm 2012 chỉ có một số trường khối kinh tế giảm... rất nhẹ chỉ tiêu như ĐH Kinh tế quốc dân giảm từ 4.750 xuống 4.500 chỉ tiêu, Học viện Tài chính giảm từ 3.400 xuống 3.350. Trong khi đó, ĐH Thương mại rục rịch “xin” đăng ký đến 5.000 chỉ tiêu, tăng 1.300 chỉ tiêu so với năm 2011. Tuy nhiên, sau khi được bộ nhắc nhở, trường phải rút xuống còn 4.100 chỉ tiêu (vẫn cao hơn 400 chỉ tiêu so với năm trước đó). Lần nhận chỉ tiêu đầu tiên chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2011, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được bộ duyệt 3.700 chỉ tiêu. Song chưa thỏa mãn, trường này vẫn quyết tuyển vượt 32% chỉ tiêu, nâng tổng số thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ lên gần 4.200. Để đạt được mục tiêu 4.200 thí sinh gọi trúng tuyển, trường đã phải vật vã trải qua nhiều lần “xin bộ”, rồi chấp nhận nộp phạt hành chính do tuyển quá chỉ tiêu. Vậy mà năm 2012 trường đĩnh đạc đăng ký luôn 5.000 chỉ tiêu không gặp trở ngại gì!
Ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), cho rằng dù mục tiêu giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành kinh tế xuống 32% rất hợp lý nhưng rất khó thực hiện. “Thống kê mới nhất mà vụ vừa cập nhật thì quy mô đào tạo hiện tại của khối ngành kinh tế đang chiếm đến 35-36% tổng quy mô đào tạo nói chung. Vụ chưa thống kê được cụ thể tỉ lệ đăng ký đào tạo chuyên ngành kinh tế - quản trị kinh doanh của tất cả các trường năm nay, nhưng chắc chắn sẽ không đạt được kế hoạch đặt ra, nghĩa là chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành này không thể kéo ngay xuống con số 32%” - ông Áng nói.
Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT
Động thái siết chỉ tiêu từ bộ chắc chắn sẽ có tác động đến việc điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành đào tạo trong từng trường hợp. Tuy nhiên đó chưa chắc là sự điều chỉnh theo hướng tích cực.
Một hiệu trưởng phân tích: “Cách phân bổ chỉ tiêu theo số lượng giảng viên hiện nay cũng còn kẽ hở. Cách tính theo kiểu cào bằng giữa các ngành là chưa hợp lý. Ví dụ: chỉ tiêu được tính theo tổng số giảng viên chứ không thể tính cụ thể từng ngành nào bao nhiêu giảng viên, quy ra bao nhiêu chỉ tiêu. Đây là chỗ để các trường “lách”. Việc bộ cắt chỉ tiêu có thể gây biến động trong đào tạo ở các trường theo kiểu các trường sẽ đóng cửa hẳn những ngành khó tuyển để dồn sang các ngành dễ tuyển (như kinh tế). Chỉ tiêu ngành kinh tế vì thế vẫn cao ngất và sẽ có thêm những ngành trong danh sách khó tuyển bị triệt tiêu”.
Theo TS Vũ Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), nếu chỉ có cảnh báo suông của bộ, rất khó thay đổi tình trạng quy mô đào tạo lệch hẳn sang các ngành kinh tế như hiện nay. “Phải có cơ quan dự báo phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan dự báo phát triển nhân lực để cả cơ sở đào tạo và người có nhu cầu được đào tạo đối chiếu, xem xét cho lựa chọn của mình. Các trường cũng phải dành ưu tiên cho việc điều tra sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm không và làm gì để tự điều chỉnh”.
Theo các chuyên gia giáo dục, cảnh báo sớm mà không kèm những yêu cầu ràng buộc trong đào tạo, trong đáp ứng nhu cầu việc làm nên việc đăng ký chỉ tiêu và đăng ký mở ngành của các cơ sở đào tạo vẫn khá “vô tư”.
Hiệu trưởng một trường CĐ kinh tế - kỹ thuật bày tỏ: “Ngành kinh tế vẫn cứ là ngành dễ xin mở mã ngành nhất. Nói thật, việc xin mở mã ngành, chứng minh điều kiện đội ngũ giảng viên hiện nay là lừa nhau cả. Không lừa, không xin mở ngành được. Trên giấy tờ ai cũng có đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu nhưng phần lớn trường chia sẻ với nhau, một giảng viên đứng tên giảng dạy ở nhiều trường”.
Theo TS Lê Viết Khuyến, hiện nay không có trường ĐH ngoài công lập nào không đào tạo các ngành kinh tế - quản lý. Nhưng không vì thế mà có thể đổ lỗi sự mất cân đối ngành nghề đào tạo cho các trường ĐH.
“Suốt một thời gian dài, bộ là nơi duyệt chỉ tiêu theo cơ chế “xin - cho”. Nếu thấy được sự mất cân đối, không ai có thể thực hiện việc điều chỉnh quy mô đào tạo cho hợp lý ngoài bộ cả. Trách nhiệm này bộ không thể “đá bóng” cho ai được” - ông Khuyến phân tích.
NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN
Nguồn: tuoitre.vn