Biến tướng đào tạo liên thông

Không ít trường ĐH đã mở ra nhiều hệ đào tạo chủ yếu để lấy những thí sinh thi trượt ĐH hệ chính quy.

835
  Tải tài liệu

Lập lờ chiêu sinh

Nhiều thí sinh (TS) thi trượt ĐH nhận được giấy báo nhập học của Trường ĐH Hòa Bình cho biết đã trúng tuyển vào hệ “ĐH liên thông 2 giai đoạn”. Giấy gọi của ĐH Hòa Bình nhưng lại yêu cầu TS nhập học và được đào tạo tại Viện Công nghệ thông tin và truyền thông. Viện này tuy là một đơn vị của Trường ĐH Hòa Bình nhưng không có chức năng đào tạo ĐH. Tuy vậy ngay trên website viện này công khai thông báo tuyển sinh các chương trình đào tạo CĐ, ĐH hệ liên thông. Theo đó, TS tốt nghiệp THPT hoặc tương đương có thể học 2 năm để cấp bằng TCCN và học tiếp 30 tháng bổ sung kiến thức ĐH để cấp bằng ĐH chính quy. Tổng thời gian thực học của TS chỉ cần 4 năm rưỡi là tốt nghiệp ĐH. Viện cũng tuyển sinh đối tượng TS đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương vào học 3 năm chương trình CĐ thực hành (thực chất là CĐ nghề). Sau đó chỉ cần học thêm 12 tháng bổ sung kiến thức ĐH là TS được cấp bằng ĐH chính quy!

Trường ĐH Công nghệ Đông Á cũng mở hệ đào tạo “ĐH chính quy chuyển tiếp” để xét tuyển những TS đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa. Chương trình có thời gian đào tạo 5 năm, trong đó giai đoạn 1 sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo TCCN (2 năm); giai đoạn 2, học 3 năm chương trình liên thông của ĐH Công nghệ Đông Á và cũng được cấp bằng ĐH chính quy.

Một số trường nghề cũng liên kết với các trường ĐH để đào tạo liên thông những TS đăng ký học tại trường. Chẳng hạn, Trường CĐ Công nghệ thông tin iSpace (TP.HCM) liên kết với ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) mở hệ đào tạo “Cử nhân thực hành” và cấp bằng ĐH chỉ với 4 năm đào tạo. Theo thông báo tuyển sinh của trường này, chỉ cần xét tuyển đầu vào, TS sẽ học chương trình CĐ nghề và một số môn cơ sở của chương trình ĐH với thời gian 2 năm rưỡi. Sau đó học 1 năm rưỡi chương trình ĐH tại Trường CĐ Nghề CNTT iSpace thì nhận được bằng ĐH do Bộ GD-ĐT cấp.

Bất chấp quy định

Theo quy định về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH hiện hành của Bộ, hệ này dành cho những người đã có bằng tốt nghiệp TC hoặc CĐ có nhu cầu học tập lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Đặc biệt, mỗi đối tượng đều phải tham dự kỳ thi tuyển sinh hệ liên thông với các điều kiện như sau: Từ trình độ TC lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Từ trình độ TC lên ĐH, người có bằng tốt nghiệp TC phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

Như vậy, việc các trường trên thông báo cho TS vừa tốt nghiệp phổ thông hoặc chỉ có trình độ tương đương nhưng đã vào thẳng ĐH hệ liên thông là sai quy định. Đồng thời quy định hiện hành của Bộ không có chương trình đào tạo ĐH nào được gọi là “ĐH chính quy chuyển tiếp”, “ĐH liên thông hai giai đoạn” hay “Cử nhân thực hành” như các trường đã quảng cáo. Một cán bộ của Bộ cho biết: “Đây là việc các trường cố tình làm sai để lôi kéo TS theo học”.

Loay hoay xử lý

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, hiện có nhiều bất cập trong quy định về đào tạo liên thông. Cho phép cấp bằng chính quy đối với người học hệ này nhưng quy định lại rất chung chung và thiếu các điều kiện để đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, điều kiện để các trường được đào tạo liên thông lại hết sức dễ dãi. Thêm nữa, cũng không có quy định nào kiểm soát việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ này. Trong một thời gian dài chỉ tiêu tuyển sinh liên thông nằm chung trong chỉ tiêu đào tạo không chính quy. Vì vậy, nhiều trường đã lợi dụng để khuếch trương, chiêu sinh không đúng quy định.

Quy định đào tạo liên thông được ban hành từ năm 2008. Sau một thời gian thực hiện, Bộ đã liên tục phải chấn chỉnh tình trạng lộn xộn. Trong đó vi phạm nhiều nhất là các trường tổ chức đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm nhưng vẫn cấp bằng chính quy. Quy định người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm 1 năm công tác dường như không có tác dụng vì hầu hết TS thi trượt ĐH là được dự thi ngay năm đó.

Đặc biệt, sau khi Bộ cho phép liên thông từ TC nghề, CĐ nghề lên ĐH thì tình trạng bát nháo trong đào tạo liên thông lại càng trầm trọng hơn. Một số cơ sở đào tạo nghề đã liên kết với trường ĐH hoặc trường ĐH có đào tạo nghề cho phép TS học liên thông lên CĐ, ĐH mà không cần sự cho phép của Bộ. Trong khi thực tế đối tượng học nghề không hề phải qua thi tuyển đầu vào ở bất kỳ trình độ nào. Tháng 9 vừa qua, Bộ lại tiếp tục ban hành công văn chấn chỉnh, yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định liên thông, liên kết và chú trọng các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên như trên đã phản ánh, nhiều trường vẫn tuyển thẳng TS chỉ tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc vào học ĐH với hình thức liên thông để cấp bằng chính quy không qua cuộc thi tuyển nào.

Chính Bộ GD-ĐT cũng từ chối bằng cấp

Do chất lượng đào tạo liên thông thấp nên trong thời gian qua khi tuyển dụng nhân sự rất nhiều cơ quan nhà nước đặc biệt là ngành giáo dục đã từ chối những người tốt nghiệp hệ này... Chính Bộ cũng từ chối bằng cấp của hệ đào tạo này trong một số quy định tuyển chọn. Tại dự thảo Đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 được Bộ công bố vào tháng 9, đối tượng dự tuyển đi đào tạo ở nước ngoài ở trình độ tiến sĩ được quy định: Đối với trường hợp mới tốt nghiệp ĐH thì người tốt nghiệp phải có bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy (không kể chính quy liên thông).

Vũ Thơ

Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

835
  Tải tài liệu