Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

1243
  Tải tài liệu

Mặc dù Bộ GDĐT chưa công bố chính thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 chung trên cả nước, nhưng thông tin từ các tỉnh đều cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay hầu hết đều ở mức trên 90%.

"Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh Nam Định là 99,89%. Như vậy, cứ 1.000 em thì chỉ 1 em trượt tốt nghiệp thì cần gì thi cử nữa. Nếu tôi đi mua gạo mà trong đó, cứ 1.000 hạt gạo có 1 hạt thóc, thậm chí 5 hạt thóc, thì tôi cũng không mất công sàng lọc thóc ra làm gì"- Giáo sư Văn Như Cương nói. 

“Choáng” với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT

Tỷ lệ đỗ của Nam Định là 99,89% hệ THPT và 99,92% ở hệ GDTX. Tỷ lệ này ở Hà Nội là gần 97,8%, ở Bắc Ninh là 99,6%. Ngay cả những tỉnh thuộc vùng khó khăn tỷ lệ đỗ cũng rất cao như Lai Châu là 92%, Hòa Bình 97%, Bắc Kạn 88%...

Có bước nhảy ngoạn mục nhất phải kể đến Điện Biên. Năm 2010, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước với 69,1%. Nhưng năm nay, con số này ở hệ THPT đã là 95,65%, ở hệ GDTX là gần 91,2%, tăng lên 30%.

Một điểm đáng ngạc nhiên nữa là tỷ lệ đỗ của học sinh hệ giáo dục thường xuyên cao chót vót, nhiều tỉnh tỷ lệ đỗ hệ này tăng đến 30%, nhiều trung tâm đỗ 100%. Nếu đem kết quả năm nay so với năm 2010 đã… choáng váng, đem so với năm 2007, khi lần đầu tiên ngành giáo dục thực hiện siết chặt thi cử, nói không với gian lận thi cử, thì còn "sốc" hơn nhiều lần.

Năm 2007, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Quảng Ngãi là 63%, trong đó có 7 trường có tỷ lệ đỗ dưới 18%, thậm chí Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn là 0%, không một học sinh nào đỗ tốt nghiệp. Đặc biệt, ở hệ GDTX, tỷ lệ đỗ chỉ đạt 10,7%... Nhưng năm nay, sau 4 năm "phấn đấu", Quảng Ngãi đã đưa tỷ lệ tốt nghiệp lên 98,65% ở hệ THPT và 99,87% ở hệ GDTX.

Tương tự, tỉnh Quảng Nam cũng đã “nâng” tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ GDTX từ gần 9,26% năm 2007 lên 97,8% năm 2011.

Ở các tỉnh ĐBSCL, tỷ lệ đỗ cũng cao bất thường với nhiều dấu hỏi khi mà khu vực này "thống nhất" đáp án chấm mở tới mức "không thể mở hơn".

Kết quả rất khả quan này không khỏi khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng thật của nó. Mặt khác, nếu tỷ lệ này phản ánh đúng chất lượng thật, thì một câu hỏi khác được đặt ra là liệu có cần phải tốn tiền tỷ chỉ để đánh trượt vài học sinh?

Nên bình thường hóa kỳ thi?

Vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được "xới xáo" lên vài năm trở lại đây nhưng còn chưa được đồng tình vì lý do "sợ tiêu cực". Tuy nhiên, với tỷ lệ đỗ chót vót như vậy, lúc này vấn đề này lại tiếp tục được đưa ra. Là một trong những chuyên gia đầu ngành về giáo dục, đồng thời lại là hiệu trưởng một trường THPT là Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), với kinh nghiệm cả lý luận và thực tiễn, GS Văn Như Cương cho rằng, việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng vài phần trăm là bình thường, nhưng tăng từ 10% trở lên thì cần xem xét lại.

Cũng theo ông Cương, việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT với quy mô cả nước như hiện nay là không cần thiết. Nhìn ở góc độ chuyên môn, ông Cương cho rằng, học sinh đã phải đạt tiêu chuẩn ở các lớp dưới mới được lên lớp 12.

Trong quá trình học, các em cũng đã phải làm các bài kiểm tra, thi giữa kỳ, hết học kỳ I đến học kỳ II. Vì thế, chỉ cần tổ chức một kỳ thi hết năm giống như các em thi cuối các năm học lớp 10, 11, sau đó trường cấp chứng chỉ, hoặc bằng tốt nghiệp, chứng nhận các em đã học hết lớp 12. Những em học khá sẽ học tiếp lên đại học, em học yếu đi học nghề. Như vậy, Bộ GDĐT sẽ có điều kiện để tập trung vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nên bình thường hóa kỳ thi tốt nghiệp cũng là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Minh Hạc: "Chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp năm thì quá căng thẳng, năm thì lại bị coi là lỏng lẻo. Tôi nghĩ phải bình thường hóa kỳ thi. Cũng không nên nặng quá về đề dễ hay khó. Đề ra ở mức trung bình nên sẽ dễ với học sinh giỏi, nhưng khó với học sinh yếu kém, đó là chuyện đương nhiên. Càng không nên chấm chéo. Chấm chéo phức tạp, tốn kém, vừa cho thấy lãnh đạo đã không tin tưởng giáo viên, vừa cho thấy đạo đức người chấm có vấn đề" - ông Hạc nói.

Hoàng Tuấn

22/06/2011 – danviet.vn

Bài viết liên quan

1243
  Tải tài liệu