Cân nhắc chọn ngành
Ngân hàng bão hòa
Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ đã hết hấp dẫn
Tỉnh táo trong chọn nghề
Đậu nhưng vẫn... chán
Nhiều ngành nghề được xem là thời thượng đang giảm nhiệt. Đó chính là lý do thí sinh nên cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi ở mùa tuyển sinh sắp tới.
Ngân hàng bão hòa
Giữa tháng 11 vừa qua, Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến - đã công bố thông số nhân lực trực tuyến quý 3/2010. Theo đó, các ngành Xây dựng dân dụng, Kế toán - Kiểm toán, Ngân hàng, Điện - Điện tử, Cơ khí là 5 ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất. So với quý trước, nhu cầu nhân lực tăng ở các ngành Điện - Điện tử 25%, Xây dựng dân dụng 20%, Cơ khí 12%.
Trong khi đó, nhu cầu của ngành Ngân hàng giảm 14%. Dù vậy, hiện nay nhân lực cung cấp cho ngành Ngân hàng lại đang đứng đầu, tiếp theo là Kế toán - Kiểm toán. Nghĩa là trong khi nhu cầu của các ngân hàng, doanh nghiệp ngành Kế toán - Kiểm toán đang chững lại hoặc giảm xuống thì số lượng sinh viên ra trường có nhu cầu tìm việc ở 2 ngành này lại ngày càng tăng.
Vietnamworks dự báo các nhóm ngành khối kinh tế, ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm nữa. Lúc ấy, ngành này sẽ cần nhân lực chất lượng cao là chính.
Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ đã hết hấp dẫn
Theo số liệu thống kê của tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Phó trưởng ban ĐH và Sau ĐH năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước, có đến 360 nơi đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 mở ngành Kế toán, 297 có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), 269 đào tạo ngành Ngoại ngữ, 193 có ngành Tài chính - Ngân hàng… Trong đó, nhiều trường có ngành CNTT và Ngoại ngữ đang phải cố gắng duy trì đào tạo, thậm chí nhiều chuyên ngành Ngoại ngữ buộc phải đóng cửa vì không đủ thí sinh.
Kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ có 2 trường có điểm chuẩn vào ngành CNTT tăng là ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội - tăng 1 điểm) và ĐH CNTT (ĐHQG TP.HCM - tăng 0,5 điểm). Hai trường có điểm chuẩn bằng năm ngoái là ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông Hà Nội. Còn lại hầu hết các trường đều giảm điểm chuẩn từ 0,5 đến vài điểm so với các năm trước như: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở TP.HCM). Hơn nữa, khá nhiều trường buộc phải tuyển nguyện vọng 2 ngành CNTT mới mong đủ chỉ tiêu.
Riêng khối ngành Ngoại ngữ, ngoại trừ tiếng Anh vẫn có thí sinh lựa chọn, những ngành khác như tiếng Trung, tiếng Nhật… đều khó tuyển sinh. Tại các trường như ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Văn Hiến… năm nào cũng không tuyển đủ chỉ tiêu các ngành này và buộc phải chuyển sinh viên qua ngành khác.
Tỉnh táo trong chọn nghề
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, nhu cầu nhân lực ngành Ngân hàng, Tài chính... đang chững lại là tất yếu. Ngoài việc Chính phủ đang siết chặt điều kiện thành lập các ngân hàng mới, Bộ Tài chính cũng vừa ra quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 6.4.2010 của Chính phủ, trong đó khẳng định sẽ tăng cường kiểm soát thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản… nhằm bảo đảm cho các thị trường này hoạt động lành mạnh, ổn định.
Vì vậy, sự sụt giảm về nhu cầu nhân lực ngành Ngân hàng vừa qua đã khiến nhiều người nghĩ đến tình trạng của ngành Chứng khoán trước đó. Kỳ tuyển sinh năm 2006, Chứng khoán là ngành cực kỳ nóng nhưng đến năm 2009, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này giảm rõ rệt. Theo thông số của Vietnamwork vào năm 2009, nhu cầu tuyển nhân sự ngành Chứng khoán giảm 63%.
Th.S Trần Đình Lý - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), nhận định: “Cân nhắc để chọn cho mình một ngành nghề phù hợp sẽ tạo nền tảng cho thành công trong tương lai. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình định hướng hay chọn nghề của các thí sinh như: điều kiện sức khỏe, năng lực bản thân, tố chất, năng khiếu, gia đình bạn bè, nhu cầu xã hội... Đừng bao giờ chọn nghề nghiệp cho mình nhằm mục đích để làm hài lòng ai đó hoặc đáp ứng một vấn đề nào đó mang tính chất ngắn hạn.
Các trăn trở của TS thường là: Ngành nào đang hấp dẫn, ngành nào đang hái ra tiền và ngành nào bảo đảm ra trường không thất nghiệp? Và cứ thế đổ xô đăng ký. Nghề nghiệp lâu dài của con người không gắn liền với “nóng”. Điều căn cơ khi chọn ngành phải xuất phát từ tố chất, thậm chí một số ngành nghề đặc biệt còn đòi hỏi năng khiếu”.
Th.S Trần Minh Đức - chuyên gia tuyển sinh - cũng cho biết: “Thực tế cho thấy, nếu thí sinh bị cuốn hút vào ngành “nóng” có thể rơi vào 3 trường hợp. Đầu tiên, sau 4 năm ra trường, ngành này chưa chắc còn “nóng” như vậy nữa. Thứ hai, chưa chắc những ngành hấp dẫn lại phù hợp với sở thích, năng lực… của thí sinh. Thứ ba, ngành càng đông người theo học thì khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động càng gay gắt và khốc liệt”.
Đăng Nguyên (thanhnien.com.vn – 22/11/2010)
Đậu nhưng vẫn... chán T. vốn là người mơ mộng, thích đọc thơ, truyện và hay suy tư bay bổng, thế nhưng do ba mẹ của T. muốn con sau này kiếm được nhiều tiền nên một mực yêu cầu con thi ngành Tài chính - ngân hàng. Dĩ nhiên, T. không đủ điểm đậu NV1 nhưng cũng đậu NV2 vào ngành này của một trường ĐH dân lập. Hằng ngày lên giảng đường với những giáo trình khô cứng và những con số đau đầu, T. không chịu nổi. Tính đến nay, T. đã bỏ học khá nhiều, những buổi chịu ở lại lớp thì cũng ngồi thơ thẩn chứ không tập trung gì. “Bảo mình đọc thuộc 100 bài thơ thì dễ chứ bắt nhớ 1 dãy số chắc nằm ngoài khả năng” - T. cười buồn. Năm 2010, cả nước có hơn 100.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2. Có nghĩa khoảng chừng đó SV không học đúng ngành mà mình yêu thích. Chưa kể đến số lượng SV đậu NV1 vào những ngành mình thích nhưng không phù hợp với khả năng, hoặc do chạy theo trào lưu, do không am hiểu về ngành mình đã chọn lựa... (Mỹ Quyên) |