Thi tốt nghiệp THPT: Cần nắm vững các dạng kiến thức

Kiến thức của học sinh bị “hổng”

Ôn tập khoanh vùng, không bao quát

Giúp học sinh nắm kiến thức theo sơ đồ

1329
  Tải tài liệu

Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối tháng 3 thì không khí “mùa ôn thi” lại nóng lên. Và năm nào cũng vậy, có rất nhiều em học sinh hay chính thầy cô giáo dạy các em phải “dở khóc dở cười” vì sự “bấm quẻ” đoán dạng, đoán bài sẽ có trong đề thi…

Kiến thức của học sinh bị “hổng”


Qua nhiều câu chuyện thực tế khi kết quả chấm thi được công bố, có nhiều em học sinh đã thi hỏng vì chỉ thiếu một vài điểm ở môn này, môn nọ. Cái thiếu đó không chỉ do lỗi các em không học bài, không ôn bài kĩ mà tôi cho rằng có cả lỗi của thầy cô giáo đã cung cấp kiến thức chưa đầy đủ cho các em trong một năm học tập. Chỉ đợi đến khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, ngoài 3 môn toán, văn, tiếng Anh cùng với ba môn khác thì lúc này “nước đến chân mới nhảy”, nhất là những môn không được chú trọng nhiều, chẳng hạn môn lịch sử, địa lí. Bởi vì bản chất các môn học này luôn khô cứng, giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm, phải nỗ lực và tâm huyết lắm mới có thể giúp các em nắm kiến thức một cách sâu sắc, thấu đáo.

Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn, bởi một điều thực tế: Đời sống của giáo viên dạy bộ môn này còn quá bấp bênh, họ không thể sống đủ bằng đồng lương trong thời bão giá như hiện nay, vì vậy sự nhiệt huyết của họ cũng phần nào giảm sút. Khi được công bố môn thi thì lúc đó cả thầy và trò bắt đầu chạy nước rút. Tất cả đều được họp bàn khẩn trương, lên kế hoạch, sưu tầm, khoanh vùng… và đủ các kiểu để bắt đầu cuộc chạy đua ôn tập cho học sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp. Và như vậy, kiến thức của HS bị “hổng” khá nhiều trong một năm học, chỉ đến khi biết là có thi thì mới bắt đầu nhồi nhét để ôn tập.


Ôn tập khoanh vùng, không bao quát


Có những trường hợp cũng rất nực cười, giáo viên ngồi soạn đề thi thử và bắt đầu đoán xem các dạng kiến thức nào sẽ ra, và thế là gom lại một số bài “tủ” để học sinh học thuộc lòng, kể cả môn ngữ văn với những bài bình thơ, bình văn xuôi dài đằng đẵng, cứ yêu cầu học sinh học và học để vào lớp trả bài. Giáo viên đã không chú trọng đến kiến thức bao hàm của các em mà chỉ tập trung khoanh vùng vào những bài “tủ” có khả năng ra đề nhiều nhất.


Đơn cử như môn ngữ văn, với những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, những bài lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30 tháng 4… thì được chú trọng hơn cả và học sinh cứ thế mà “nhai đi, nhai lại” những kiểu, những dạng bài này. Vô hình trung, giáo viên đã khoanh vùng kiến thức, đã không cung cấp đầy đủ cho các em mà chỉ lựa chọn bài để học sinh nắm. Làm như vậy, giáo viên đã đẩy các em đến gần với “vực thẳm” hơn, vì các em cũng không biết phải ôn thế nào, ôn ra sao mà chỉ biết nghe theo lời hướng dẫn, sự khoanh vùng của thầy cô.


Giúp học sinh nắm kiến thức theo sơ đồ


Mỗi môn học, mỗi dạng bài tập đều có những cách để giúp các em học sinh hệ thống hóa lại kiến thức theo sơ đồ, theo chủ điểm chính hay theo những dạng bài tương đồng với nhau để có sự ôn tập đều và bao quát hơn. Qua đó, các em sẽ có những so sánh, đối chiếu để rút ra sự khác nhau cơ bản của kiến thức được cung cấp. Không nên áp dụng kiểu học vẹt, mà giáo viên cần giúp cho các em nắm vững kiến thức theo dạng sơ đồ mạng để nhớ ý chính, từ ý chính nhớ đến các chi tiết liên quan tới nội dung. Có như vậy, các em mới yên tâm để bước vào kì thi một cách tự tin, chắc chắn mà không phải lo sợ thiếu điểm hay không làm được nếu đề thi không trúng “tủ”!

Thầy cô giáo là người chịu trách nhiệm cung cấp kiến thức, hướng dẫn để học sinh bước vào các kì thi quan trọng của một quá trình học tập. Vì vậy, phương châm quan trọng nhất theo tôi chính là việc giáo viên cần “ôn đủ, ôn sâu và ôn chắc kiến thức nền tảng” để các em có sự khái quát kiến thức, sau đó có cơ hội đào sâu, tìm hiểu nhiều hơn với những tài liệu được cung cấp trên thị trường. Các em phải nắm kiến thức nền tảng vững mới có hy vọng đạt kết quả cao trong kì thi và sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Không nhất thiết phải thuộc làu làu từng câu, từng từ mà cần nắm được ý chính, nắm được nội dung “sườn” của từng bài. Từ đó, các em sẽ diễn đạt, triển khai theo cách mà các em được hướng dẫn.


Có như vậy, các em không còn phải lo âu khi mùa thi đến, giáo viên cũng cảm thấy nhẹ lòng bởi không có HS nào bị “tủ” đè, không có những HS thi “hỏng” khi kiến thức của các em bị “hổng” trong quá trình tiếp nhận.

Trần Minh Duy

Nguồn: giaoduc.edu.vn

Bài viết liên quan

1329
  Tải tài liệu