Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Đang chờ phương án xét tuyển

Không giới hạn hồ sơ xét tuyển hay nói cách khác là không còn quy định cứng NV2, NV3 là một trong những thay đổi lớn nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Thế nhưng đến thời điểm này, việc dùng phương án xét tuyển nào để thay thế vẫn còn bỏ ngỏ.

1 1012
  Tải tài liệu

Bộ GD-ĐT chủ trương thí sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển không giới hạn đến các trường khác nhau và các trường sẽ xét tuyển nhiều lần mà không bị hạn định về thời gian mỗi đợt xét tuyển. Để thực hiện chủ trương này, lãnh đạo bộ khẳng định sẽ cho phép thí sinh photo phiếu điểm gửi đến các trường để đăng ký. Thế nhưng một chuyên viên của bộ lại cho rằng thí sinh chỉ được cầm giấy báo điểm gốc đến đăng ký xét tuyển. Trong khi các trường ĐH và thí sinh đang thấp thỏm không biết rốt cuộc phương án của bộ là gì.

Rối rắm hơn?

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc sử dụng phiếu điểm photo để xét tuyển không giới hạn sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường. “Bản thân thí sinh cũng gặp bất lợi trong định hướng chọn lựa. Sẽ có nhiều em nghĩ thoải mái nguyện vọng nên photo hàng loạt phiếu báo điểm gửi cho các trường xét tuyển mà không cân nhắc, tính toán xem mình nên ưu tiên nguyện vọng nào, cơ hội của ngành học, trường học nào là lớn nhất” - ông Sơn nói.

Sự lựa chọn thiếu định hướng với tâm lý “tận dụng tối đa” nguyện vọng sẽ khiến số lượng đăng ký xét tuyển “ảo” ở các trường dự báo tăng đột biến. Nhiều cán bộ phụ trách đào tạo than việc mất kiểm soát hồ sơ ảo có thể khiến công tác tuyển sinh rối hơn hẳn các năm trước.

“Nếu hồ sơ ảo trong vòng đăng ký dự thi còn sàng lọc được bằng kỳ thi tuyển, chứ “ảo”... lặng lẽ nằm trong hồ sơ xét tuyển thì không cách nào “gỡ” được. Đến khi gọi nhập học rồi mới ngớ ra một loạt “ảo”, trúng tuyển nhưng lại chọn học trường khác, trường liệu có xoay kịp? Trong tình huống đó lại cập rập gọi bổ sung hay liều gọi vượt 15-20% chỉ tiêu từ trước để đến lúc đó trừ hao là vừa?”- lãnh đạo một trường ĐH phân trần.

Bà Trần Hoàng Diễm Ngọc - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thăng Long - khẳng định nếu bộ quy định thí sinh được photo phiếu báo điểm để đăng ký nguyện vọng chắc chắn sẽ làm công tác tuyển sinh của trường phải kéo dài hơn so với năm trước, số đợt xét tuyển bất đắc dĩ phải tăng theo - điều mà trường không hề mong muốn. Như mọi năm, Trường ĐH Thăng Long chỉ xét tuyển đến nguyện vọng 2, không xét tuyển nguyện vọng 3, nhưng nếu thí sinh đăng ký xét tuyển đủ điểm trúng tuyển nhưng không học, chắc chắn trường phải bổ sung nhiều đợt tuyển tiếp sau để gọi đủ.

Bà Ngọc phân tích: “Có thể bộ cho phép xét tuyển đến tháng 12, nhưng thực tế trường chỉ cần tuyển đến tháng 9-10 là hoàn thành công tác tuyển sinh. Việc kéo dài thời gian tuyển sinh không chỉ làm khổ nhà trường mà còn khiến sinh viên chịu thiệt. Việc sắp xếp lớp học, kể cả học theo tín chỉ, cũng sẽ vấp phải nhiều khó khăn”.

Cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của một số trường tỏ ra ủng hộ phương án dùng bản gốc phiếu điểm để đăng ký xét tuyển. “Dùng bản gốc để đăng ký xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh có thể rút lại để đăng ký xét tuyển vào trường khác. Cách làm này sẽ kiểm soát được thực tế số lượng thí sinh đăng ký dự thi” - trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ở phía Nam đề nghị. Tuy nhiên cách làm này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, là hạn chế quyền lợi của thí sinh.

Nên đăng ký qua mạng

Trong khi đó, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết thực tế việc sử dụng phiếu báo kết quả thi để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng như thế nào trong mùa tuyển sinh 2012 đến thời điểm này bộ vẫn chưa quyết được.

Trước sự dùng dằng của bộ trong việc cho phép thí sinh sử dụng phiếu photo hay buộc phải nộp phiếu báo điểm gốc, nhiều trường đề nghị “tiểu tiết” này bộ nên “cởi trói” để các trường chủ động xét tuyển, phù hợp với nhu cầu tuyển chọn của từng trường. Sử dụng giấy photo có thể tạo thuận lợi cho các trường thiếu nguồn tuyển, nhưng lại gây phiền hà cho những trường lâu nay kết thúc việc xét tuyển rất nhanh chóng.

Nhiều trường vốn ổn định về nguồn tuyển, việc xét tuyển lâu nay không dây dưa, kéo dài chắc chắn vẫn muốn thí sinh phải nộp phiếu báo điểm gốc để sớm chốt danh sách trúng tuyển. Mỗi trường sẽ chủ động thông báo yêu cầu nộp phiếu báo kết quả thi phù hợp với nhu cầu tuyển của mình.

Một số chuyên gia tuyển sinh lại cho rằng trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, việc loay hoay với quy định bản gốc hay bản photo có vẻ vừa làm khó cho các trường lại vừa làm khó cho thí sinh. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn mở thêm hướng cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển qua mạng.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn đề nghị một giải pháp cũng nên được bộ cân nhắc, đó là đưa toàn bộ dữ liệu điểm thi của thí sinh lên một trang web. “Bộ đã có trong tay cơ sở dữ liệu của các trường, tốt nhất tập hợp đưa lên mạng. Thí sinh căn cứ vào số điểm xét tuyển của các trường, chỉ tiêu xét tuyển, số điểm các hồ sơ đã nộp để cân nhắc đăng ký, rút đăng ký phù hợp. Các trường cũng sẽ căn cứ theo đó để tránh “ảo”. Với cơ sở dữ liệu này, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng để tránh “ảo” cho các trường, nhưng các em được thoải mái rút đăng ký nguyện vọng này đăng ký nguyện vọng khác để có cơ hội trúng tuyển cao nhất”.

Có thể làm được

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Thông tin (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc đăng ký xét tuyển qua mạng hoàn toàn có thể làm được về mặt kỹ thuật. “Tuy nhiên, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các trường, vì các năm trước việc tập hợp dữ liệu từ các đơn vị gặp khó khăn do nhiều trường gửi thông tin rất chậm” - ông Ngọc nói.

NGỌC HÀ

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

1 1012
  Tải tài liệu