Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Điểm chuẩn nhiều trường sẽ tăng
Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Điểm chuẩn nhiều trường sẽ tăng
Tính đến hôm nay, nhiều trường ĐH lớn trên cả nước đã hoàn tất việc chấm thi, nhập điểm để thống kê và chuẩn bị công bố kết quả điểm thi. Theo đánh giá chung từ các hội đồng tuyển sinh, số thí sinh đạt điểm cao không nhiều nhưng ngược lại lượng thí sinh đạt mức điểm từ điểm sàn trở lên lại nhiều. Nhiều khả năng điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) vào nhiều trường ĐH năm 2011 sẽ có thay đổi
Trường tốp trên tăng điểm chuẩn
Năm nay, lượng thí sinh có điểm thi tuyệt đối ở các khối đều giảm mạnh so với mọi năm. Tuy nhiên, số thí sinh đạt từ mức điểm chuẩn ở nhiều trường lại khá nhiều. Với kết quả này, nhiều trường tốp trên và tốp giữa đều có chung nhận định: Điểm chuẩn sẽ có sự thay đổi.
Nếu như những mùa tuyển sinh trước, Trường ĐH Ngoại thương thường có nhiều điểm 10 và thủ khoa 30 điểm nhưng năm nay vắng bóng thủ khoa 30 điểm. Trường ĐH Ngoại thương - Cơ sở 2 TPHCM công bố điểm thi của 2.300 thí sinh. 2 thủ khoa khối A chỉ đạt 28,5 điểm. Cao điểm nhất khối D1 chỉ đạt 25,5 điểm và khối D6 chỉ duy nhất 1 thí sinh đạt 21,5 điểm. Nếu tính theo điểm chuẩn năm 2010 (khối A: 24 điểm, khối D1: 22 điểm) thì khối A có 251/790 thí sinh dự thi đạt từ 24 đến 28,5 điểm, khối D1 có 992/1.495 thí sinh dự thi đạt 22 điểm. Trong khi đó, chỉ tiêu năm 2011 của trường là 850. Như vậy nhiều khả năng điểm chuẩn năm nay của trường sẽ thay đổi theo hướng tăng so với năm 2010.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vừa hoàn tất công tác chấm thi và điểm 10 ít hơn mọi năm. ThS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Điểm thi tuyệt đối năm nay khá hiếm. Ngược lại, lượng bài thi từ 6-7 điểm mỗi môn khá nhiều. Với kết quả này, trường dự kiến điểm chuẩn vào một số ngành sẽ có điều chỉnh so với năm 2010”. Trong khi đó, với lượng hồ sơ giảm cùng với kết quả điểm thi thấp, Trường ĐH Kinh tế TPHCM dự kiến điểm chuẩn có thể bằng hoặc giảm hơn từ 0,5 – 1 điểm so với năm 2010 (19 điểm).
Với việc chấm hơn 50% lượng bài thi tự luận, hai trường có lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất cả nước là Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng đưa ra nhận định điểm thi năm nay thấp. Tuy nhiên, với hồ sơ đăng ký dự thi tăng, đặc biệt là Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhiều ngành như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học có điểm chuẩn sẽ tăng so với năm 2010.
Trong khi đó, các trường ĐH thành viên Quốc gia TPHCM và nhiều trường khác như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Tài chính Marketing và nhiều trường tại khu vực phía Bắc cũng đưa ra nhận định điểm chuẩn vào các trường sẽ có nhiều điều chỉnh so với năm trước.
Trường địa phương thiếu nguồn
Trong khi các trường đại học tốp giữa hay các trường ngoài công lập (những trường “hốt” thí sinh rớt nguyện vọng (NV) 1) tại các TP lớn an tâm khi thông tin về kết quả điểm thi năm nay không quá thấp như dự báo thì các trường đại học địa phương vẫn lo ngay ngáy vì đối mặt với nguy cơ không có nguồn tuyển. Trong đó, Trường ĐH Quảng Nam và Trường ĐH Tiền Giang lại là 2 trường đối diện với nỗi lo thiếu nguồn tuyển khá nhiều vì kết quả điểm thi quá thấp và dành khoảng 70-80% cho xét tuyển NV2.
Trường ĐH Quảng Nam có 4.959 thí sinh dự thi nhưng kết quả điểm thi chỉ có 399 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 11 - 21 điểm, 3.989 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn dưới 10 điểm. Như vậy, nếu lấy bằng mức điểm sàn ĐH năm 2010 (khối A, D: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm), chỉ có 217 thí sinh trúng tuyển (chưa tính điểm ưu tiên) so với tổng chỉ tiêu hệ ĐH năm 2011 của trường là 700.
Trước thực tế này, TS Lê Duy Phát, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường sẽ dành hơn 50% chỉ tiểu để xét tuyển NV2. Tuy nhiên, với mặt bằng điểm thi năm nay thấp nhiều khả năng việc xét tuyển NV2 sẽ rất chông gai”.
Niềm vui của Trường ĐH Tiền Giang năm nay là có thủ khoa khối A đạt đến 27 điểm. Tuy nhiên, kết quả điểm thi của trường cũng cực kỳ thấp. Nếu tính bằng điểm sàn năm 2010, khối A chỉ có 105/2.725 thí sinh đạt 13 điểm, khối C có 12/253 thí sinh đạt 14 điểm. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2011 của trường lên đến 740. Như vậy, muốn đủ chỉ tiêu đào tạo, trường phải dành đến 2/3 hy vọng vào việc xét tuyển NV2.
Theo ThS Huỳnh Tấn Lợi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, duy nhất chỉ có ngành sư phạm giáo dục tiểu học đủ người học. Những ngành còn lại đều phải chờ điểm sàn của Bộ GD-ĐT và xét tuyển NV2.
Phân tích về những cái khó của trường địa phương, TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cho biết: Đa phần các em chọn thi trường ĐH tỉnh nhà là biết lượng sức mình. Tuy nhiên, với kết quả điểm thi thấp không chỉ riêng ĐH An Giang mà nhiều trường ĐH địa phương khác phải trông chờ vào điểm sàn. Và cái vòng luẩn quẩn này khiến các trường đại học địa phương phải vào cuộc cạnh tranh không cân sức vì nguồn thí sinh ở tỉnh nhà gần như cạn kiệt sau NV1.
Thanh Hùng
22/07/2011 – sggp.org.vn