Học xong không được cấp bằng
Học xong không được cấp bằng
Luật dạy nghề ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-6-2007. Từ đó, hệ công nhân kỹ thuật (CNKT) sau nhiều năm tồn tại chính thức bị khai tử. Nhiều học sinh tốt nghiệp hệ đào tạo này bị vướng do phôi bằng tốt nghiệp không còn được Tổng cục Dạy nghề cung cấp.
Đ.T.D., học sinh khóa 77 (tuyển sinh năm 2007) ngành hướng dẫn viên Trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn (nay là Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn), tốt nghiệp từ tháng 7-2010. Tuy nhiên, mãi đến tháng 4-2011 D. mới được trường cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, có giá trị trong sáu tháng mà chưa được cấp bằng tốt nghiệp.
Hết phôi bằng tốt nghiệp
“Gia đình tôi vay 16 triệu đồng cho tôi đi học, đến nay vẫn chưa trả được. Nếu không được cấp bằng, sau thời gian học tập tốn kém, tôi chỉ có giấy chứng nhận tạm thời trong sáu tháng. Hết hạn tạm thời này, tương lai của tôi sẽ như thế nào?” - D. lo lắng. Dù được trường hỗ trợ về thủ tục để được Phòng lữ hành Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM cấp thẻ hướng dẫn nội địa nhưng D. băn khoăn: “Sau này khi không còn sự hỗ trợ của trường, thẻ hướng dẫn nội địa hết hạn, phòng lữ hành có tiếp tục cấp thẻ cho tôi hay không?”.
Trường hợp của D. không phải là cá biệt. Hơn 100 học sinh hệ CNKT hai khóa 77 và 78 của Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng nhà trường - cho biết đây là khóa CNKT cuối cùng trước khi trường tuyển sinh trung cấp nghề theo Luật dạy nghề. Tổng cộng có bốn lớp với trên 100 học sinh tốt nghiệp nhưng chưa có phôi bằng để cấp và phải cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Trong khi đó, vẫn còn nhiều học sinh hệ này đang tiếp tục “trả nợ” để được tốt nghiệp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng không có phôi bằng để cấp cho học sinh nghề hệ CNKT diễn ra ở nhiều trường khác như CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt, Việt Giao... Ông Trần Tấn Dũng - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết những học sinh tốt nghiệp đúng hạn trường có đủ phôi bằng, nhưng đối với các trường hợp tốt nghiệp trễ hạn, trường phải liên hệ với Phòng dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) để mua lại phôi từ các trường khác cấp cho học sinh. Một số trường hợp không có đủ phôi, trường cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp thay cho bằng tốt nghiệp.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Xuân cho biết trường đã liên hệ Phòng dạy nghề để xin phôi từ các trường khác và sẽ lần lượt cấp cho học sinh. “Ai đi học cũng muốn có bằng để đi làm nên bức xúc của học sinh là chính đáng. Trường đã cố gắng hỗ trợ các em trong các thủ tục giấy tờ để có thể được cấp thẻ hành nghề, đi làm. Tuy nhiên trường cũng động viên các em nên học chuyển đổi để được cấp bằng trung cấp nghề, con đường học liên thông sau này sẽ thuận lợi hơn” - bà Xuân nói.
Phải học chuyển đổi
Hiện các trường vẫn đang ráo riết “truy lùng” phôi bằng để cấp bằng tốt nghiệp theo kiểu cuốn chiếu cho học sinh. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đã động viên và tổ chức các lớp học chuyển đổi, liên thông để cấp bằng trung cấp nghề. Tuy nhiên, thời gian đào tạo của các khóa chuyển đổi này ở các trường lại rất khác nhau.
Tháng 5-2011, Trường trung cấp nghề du lịch Khôi Việt đã cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cho các học sinh khóa liên thông đầu tiên từ CNKT lên trung cấp nghề. Ông Hà Kim Vọng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết khóa liên thông kéo dài trong ba tháng và có gần 30 học sinh theo học. Tại Trường trung cấp nghề Việt Giao, số học sinh CNKT tốt nghiệp trễ hạn cũng không được cấp bằng tốt nghiệp do thiếu phôi và phải học chuyển đổi để được cấp bằng trung cấp nghề.
Một cán bộ phòng đào tạo trường này cho biết khóa học kéo dài từ 5-7 tháng tùy ngành học. Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn cũng có cách làm tương tự. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Xuân cho biết với khóa chuyển đổi để lấy bằng trung cấp nghề, học sinh sẽ có điều kiện học liên thông lên CĐ nghề và ĐH. Chương trình chuyển đổi sẽ chuyên sâu hơn và thiết kế phù hợp với người đã đi làm, thời gian đào tạo sáu tháng.
Tuy vậy, nhiều học sinh cho rằng việc sắp xếp để đi học cũng khó khăn do vướng công việc, kinh phí. Một học sinh đặt vấn đề: “Theo hướng dẫn của trường, để được cấp bằng tốt nghiệp, học sinh phải học bổ sung một khóa nữa để được cấp bằng trung cấp nghề. Tuy nhiên tôi hiện đã đi làm, việc đăng ký đi học rất khó bởi khoản vay đi học giờ phải lo trả”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hiệp - trưởng Phòng dạy nghề - cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thống kê số lượng học sinh CNKT chưa được nhận bằng của các trường nên chưa có thống kê cụ thể. Với các trường đã có danh sách gửi sở, sở sẽ liên hệ các trường để chuyển lại số phôi còn dư. Trong trường hợp số lượng lớn, sở sẽ gửi công văn xin ý kiến Tổng cục Dạy nghề cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp có giá trị như bằng tốt nghiệp.
Bỏ qua thời kỳ “quá độ” Phó hiệu trưởng một trường CĐ nghề nhấn mạnh đây là sự bất cập trong quá trình triển khai Luật dạy nghề. Đến trước khi luật được ban hành, các trường vẫn tiếp tục tuyển sinh theo quy định cũ. Khi luật ban hành, chúng ta đã ngay lập tức “xóa sổ” hệ CNKT mà không có thời gian “quá độ”, đảm bảo cho các học sinh hệ này có đầy đủ quyền lợi cần thiết. Cả trung cấp nghề hiện nay và CNKT trước đây hầu hết đều đào tạo trong thời gian hai năm nhưng hệ CNKT trước đây có xếp bậc rõ ràng (3/7), thuận tiện hơn cho học sinh khi đi xin việc cũng như cho người sử dụng lao động khi tuyển dụng, xếp bậc lương. Hệ trung cấp nghề hiện nay không xếp bậc nên người đi xin việc khó hơn mà người tuyển dụng cũng khó đánh giá. |
MINH GIẢNG
07/06/2011 – tuoitre.vn