Đề toán, lý đều khó

Đề toán, lý đều khó

624
  Tải tài liệu

Hôm qua, 4-7, gần 700.000 thí sinh (TS) cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011.

Đề không sai sót


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết tỉ lệ TS dự thi môn toán (buổi sáng) đạt 76,95%. Buổi chiều thi vật lý, số TS chỉ còn 76,34%. Tại TPHCM, hầu hết các trường đều có trên 80% TS dự thi. Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH Sư phạm TPHCM cùng có 2 TS đi trễ không được vào phòng thi.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đề thi được bảo mật tuyệt đối và nội dung nằm trong chương trình trung học, không có sai sót cả về nội dung và hình thức. Trong ngày thi đầu tiên, cả nước có 60 TS vi phạm quy chế tuyển sinh, bị xử lý kỷ luật (22 TS bị khiển trách, 9 TS bị cảnh cáo và 26 TS bị đình chỉ thi); 3 TS đến muộn không được dự thi.


Hầu hết TS sau hai buổi thi đều cho biết cả đề thi toán và lý đều khó. Ông Trần Quang Phú, Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn – TPHCM, nhận xét: Nhìn tổng quát, đề thi lý quá ít lý thuyết, phần cơ bản chỉ có 22% lý thuyết, phần nâng cao được 3 câu lý thuyết (6%); bài tập vẫn nhiều câu khó và hầu hết nhắm vào phần dao động cơ học, sóng cơ học, điện xoay chiều. Ông Phú cũng cho rằng so với năm 2010, đề lý năm nay khó hơn nên TS khó đạt điểm 9, điểm 10; nếu dành đề cho học sinh giỏi thì khá hay nhưng cũng không đủ thời gian làm bài, chỉ có cách tô bừa đáp án vì không làm kịp.

Dành cho học sinh khá trở lên


Đề toán khối A năm nay tương đối khó hơn các năm trước. Tỉ lệ kiến thức của lớp 12 chiếm 70%, còn lại là kiến thức các lớp 10, 11. Câu 1 là hàm số nhất biến với phần 1 là phần cơ bản mà TS có thể thực hiện dễ dàng. Câu 7a cũng là câu số phức đơn giản nên TS trung bình có thể giải trọn vẹn.


Có 3 câu dành cho TS trung bình khá, gồm: Với phần 2 của câu 1, TS nắm vững hệ số góc k = f’ (x0), định lý Vi-ét và các kỹ năng tính toán chính xác thì mới đạt được kết quả đúng; câu 3 là câu tích phân xác định tương đối phức tạp, TS cần tách làm 2 tích phân, trong đó có một tích phân phải chú ý tới dạng đạo hàm của mẫu và sử dụng công thức quen thuộc du/u; câu 7b là câu số phức, tính toán tương đối phức tạp nhưng biến đổi cũng đơn giản.


Các câu còn lại đều là những câu dành cho TS khá. Cụ thể: Phần 1 của câu 2 là phương trình lượng giác nên TS chỉ cần đưa về cùng một góc, đặt nhân tử chung và điều kiện trong lượng giác là giải được. Phần 2 của câu 2 là hệ phương trình gồm 2 ẩn x, y, TS phải chú ý đến phương trình thứ 2 biết cách nhóm số hạng đưa về dạng tích bằng 0 và nhận thấy nhanh dạng đẳng cấp thuần nhất khi kết hợp hai phương trình lại; câu 4 là hình học không gian thuần túy, TS phải nắm vững tính chất 2 mặt phẳng cùng vuông góc mặt thứ 3 và tính chất giao tuyến song song, công thức tính thể tích có đáy là hình thang vuông; câu 6a.1 là hình giải tích phẳng, TS cần tham số hóa tọa độ điểm M từ diện tích ta có phương trình IM2 = 25 giải ra tham số m; câu 6a.2 là hình giải tích không gian, TS chỉ cần đặt tọa độ M rồi dùng các điều kiện của đề để thiết lập nên hệ phương trình, từ đó xác định các tọa độ của M; câu 6b.1 là hình học giải tích Conic, TS phải ứng dụng bất đẳng thức Côsi để tìm ra lời giải cuối cùng; câu 6b.2 là hình giải tích không gian, TS phải đặt tham số của tọa độ B đơn giản rồi từ điều kiện tam giác OAB đều để tìm ra các tham số đó.


Có một câu dành cho TS xuất sắc, đó là câu 5 tìm giá trị nhỏ nhất của một biểu thức không đối xứng và điều kiện ràng buộc cũng không đối xứng. Đây là một câu cực khó.

Trần Minh Thịnh (Giáo viên Trường -THPT Bùi Thị Xuân – TPHCM)

05/07.2011 – nld.com.vn

Bài viết liên quan

624
  Tải tài liệu