Vì sao trường đại học đua nhau xét tuyển bằng học bạ?
Mùa tuyển sinh 2020, vì sao xét tuyển bằng học bạ THPT là phương thức chính, chiếm từ 30 - 70% chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học?
Năm 2020 - 2021 là năm học đầu tiên mà trường ĐH Kiến trúc TP. HCM xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, với 50% chỉ tiêu các ngành. Điều kiện và nguyên tắc xét tuyển là theo Quy chế tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD - ĐT. Nhà trường cũng lưu ý, đối với phương thức xét tuyển thẳng và học bạ, trường sẽ nhận hồ sơ dự tuyển từ ngày 26/5 đến hết ngày 10/7. Thời gian công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 sẽ trước ngày 1/8.
Tương tự, trường ĐH Tài chính Marketing quyết định điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng tăng chỉ tiêu xét bằng học bạ THPT. Theo đề án của trường, trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của trường là 4.500 (bậc đại học chính quy), bao gồm các phương thức xét tuyển được áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo đại trà, chương trình đào tạo đặc thù, chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế. Trong đó, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (xét học bạ) tối đa 60% chỉ tiêu.
Năm nay cũng là năm học đầu tiên trường ĐH Nông Lâm TP. HCM thực hiện xét tuyển bằng học bạ THPT, với khoảng 40 - 50% tổng chỉ tiêu. Việc nhà trường thêm phương thức tuyển sinh này nhằm thích ứng với bối cảnh mới, khi Bộ GD - ĐT không còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Trường ĐH Mở TP. HCM dành tới 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT. Hàng loạt các trường đại học ngoài công lập như: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Kinh tế Tài chính, ĐH Văn Hiến… cũng có điều chỉnh về tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ.
Về phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, gần như các trường đều sử dụng 2 phương thức: Xét tổng điểm trung bình lớp 12 của tổ hợp 3 môn từ đủ 18 điểm trở lên và xét tổng điểm của 5 học kỳ liên tiếp (học kỳ I, II lớp 10; học kỳ I, II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.
Theo chuyên gia tuyển sinh Nguyễn Hữu Sinh, việc xét tuyển bằng học bạ THPT là xu thế tất yếu và phù hợp với Luật Giáo dục Đại học về tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, chất lượng giáo dục bậc học phổ thông trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây đã có sự chuyển biến rất rõ nét về chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục toàn diện là nguyên nhân khiến nhà trường chọn phương thức này.
“Về băn khoăn, sẽ có thí sinh trúng tuyển bằng hình thức “làm đẹp học bạ” sẽ bị sàng lọc trong quá trình học đại học. Hiện nay, các trường đại học đều lấy chất lượng đào tạo là vấn đề then chốt, sự tồn tại của trường. Do đó, dù trúng tuyển vào nhưng chưa chắc thí sinh sẽ ra trường được”, ông Sinh nói.
QUẾ SƠN
svvn.tienphong.vn – 26/05/2020
Bài viết liên quan
- Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng từ 15/6
- Tuyển sinh ĐH 2020: Đăng ký nguyện vọng cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT
- Tuyển sinh 2020: Đừng mang tâm lý đăng ký nhiều nguyện vọng để chắc đỗ
- Tuyển sinh 2020: Độ phân hóa đề thi thấp, các trường tìm cách đảm bảo chất lượng
- Hà Nội chính thức công bố chi tiết phương thức, cách tính điểm và lịch thi tuyển sinh vào lớp 10