Trường tư hết thời ăn xổi... - Kỳ 2: Những ngôi trường “ba không”

Tuyển sinh khó khăn, nhiều trường thường kêu ca do chính sách tuyển sinh thắt chặt, do người học ngày càng khó tính hơn, yêu cầu cao hơn.

787
  Tải tài liệu

Số lượng trường tư tăng và phát triển đến chóng mặt. Phụ huynh, thí sinh có nhiều cơ hội chọn trường. Ở bậc phổ thông, phần lớn trường tư đều có tổ chức nội trú, bán trú. Chuyện ăn, ngủ ở từng trường cũng được phụ huynh soi xét kỹ hơn trước.

Trường nhiều, người học ít

Hiệu trưởng một trường tư thục ở Q.Tân Bình, TP.HCM kể: nhiều phụ huynh tham quan trường lần thứ ba, vào tận bếp kiểm tra khâu nấu ăn, sau khi cả gia đình đến căngtin trường ăn thử bữa ăn HS rồi mới quyết định mua hồ sơ. Nhiều HS chuyển trường chỉ vì bữa ăn không vừa miệng. Trong khi đó, có HS từng học ở trường N (một trường nổi tiếng với tỉ lệ đậu tốt nghiệp và ĐH cao ngất) lại nhất quyết xin chuyển trường vì lý do... chỗ tắm rửa ở trường đó sơ sài quá, em này không chấp nhận chuyện phải tắm tập thể.

Ông Lê Văn Linh, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình, phân tích: “Hiện nay nhu cầu phụ huynh rất đa dạng, có người đặt nặng chất lượng học tập, có người chuộng cơ sở vật chất, có người chỉ tìm hiểu chất lượng ăn uống, sinh hoạt trước khi gửi con vào trường tư. Họ đòi hỏi rất cao trước khi chấp nhận chi mức học phí năm bảy mươi triệu đồng/năm cho con mình. Đó là lý do các trường nhỏ, không đầu tư phát triển cơ sở vật chất, không có nét đặc thù sẽ bị phụ huynh từ chối”.

Vì vậy, để “sống sót” đã khó, các trường tư còn phải chống chọi với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các trường bạn trong hoàn cảnh trường nhiều, người học ít. Thêm hay bớt một người học là chuyện mà trường phải đau đầu bởi liên quan trực tiếp đến nguồn thu giúp trường... cầm cự. Như phép toán của ông Nguyễn Đình Độ - phó hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân (Tân Phú, TP.HCM): “Một trường có hai cơ sở, tiền thuê mướn mặt bằng mỗi tháng đã hơn 200 triệu đồng, lương giáo viên, cán bộ khoảng 100 triệu đồng, tiền ăn (khoảng 100.000 đồng/HS/ngày), sinh hoạt phí, phí bảo trì, điện nước... cũng khoảng 200 triệu đồng nữa. Như vậy nếu trường chỉ có khoảng 100 HS với mức thu 5-5,5 triệu đồng/tháng phải chật vật lắm mới duy trì được. Tuyển sinh không được, chủ trường phải bán nhà, bán đất để bù lỗ nếu không muốn trường đóng cửa”.

Kết cục của “ba không”

Trong hoàn cảnh đó, những trường ọp ẹp, thiếu thốn trăm bề khó lòng thu hút người học. Thế nên, Trường THCS - THPT tư thục Khai Trí (Q.5, TP.HCM) không có sân, không có phòng bộ môn lý, hóa, sinh, không đủ cơ sở vật chất đảm bảo giảng dạy các môn thể thao, nhạc, họa, nghề phổ thông, các hoạt động ngoài giờ lên lớp... bị đình chỉ là điều dễ hiểu.

Tính đến ngày Sở GD-ĐT TP.HCM thanh tra (ngày 11-9), 10/15 nhân viên trường đã nộp đơn nghỉ việc (trong đó có cả hiệu trưởng nhà trường). Trong số 33 giáo viên đang giảng dạy tại trường chỉ có bảy giáo viên cơ hữu, hai giáo viên thỉnh giảng không đúng chuyên môn... Chẳng những thế, từ ngày thành lập đến nay trường này hoạt động trên mặt bằng được cho mượn.

Không chỉ trường phổ thông, từ năm 1998-2008 hàng chục trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thành lập. Tuy nhiên rất nhiều trường được phê duyệt thành lập khi thực chất là những trường “ba không”: không cơ sở vật chất, không giảng viên, không chương trình đào tạo. Đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với hàng loạt trường ĐH, CĐ. Trường chưa bị đình chỉ thì cũng đang lay lắt qua ngày.

Điển hình là tình trạng của Trường ĐH Phan Châu Trinh mà chúng tôi đã đề cập. Ra đời từ năm 2006 với tham vọng của ban sáng lập trường là “xây dựng thành một ĐH tư thục “hoa tiêu” hoạt động theo mô hình chất lượng cao...” nhưng đến nay vẫn đang khốn đốn do thiếu đủ thứ.

Ngay từ đầu, trường được UBND thị xã Hội An (nay là TP Hội An, Quảng Nam) cho mượn khu đất (diện tích 4,5ha) để đặt văn phòng ban sáng lập trường. Khu đất được cấp có diện tích hơn 40ha để xây trường thì đến nay vẫn chưa được triển khai, dự án còn trên giấy. Cơ sở hiện tại của trường trước đây là Trường Quân chính (Tỉnh đội Quảng Nam cũ) với mấy khu nhà cấp bốn cũ kỹ, trường phải cải tạo lại và xây dựng chắp vá.

Bi đát hơn, Trường ĐH Văn Hiến sau 15 năm hoạt động đến nay vẫn chưa sở hữu được tấc đất nào. Tất cả cơ sở hiện nay của trường đều phải thuê mướn khá ọp ẹp, nằm rải rác các quận ở TP.HCM. Khu đất ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) mà trường được UBND TP.HCM quy hoạch cũng vướng chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều năm nay chưa giải quyết được.

Trường ĐH Hùng Vương đến thời điểm này đã xây dựng xong cơ sở riêng trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) ba năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng do chưa nghiệm thu. Khu đất hơn 26ha được UBND TP.HCM quy hoạch cho xây trường tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) cũng còn trên giấy. Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2008, trong khi mới có dự án xây dựng trường ở huyện Củ Chi, nhưng đến nay vẫn phải thuê mướn các cơ sở chật chội làm chỗ dạy.

Nội bộ xào xáo

Mâu thuẫn giữa nhà đầu tư, hội đồng quản trị và ban giám hiệu là điều thường thấy ở những trường đã và đang suy yếu. Những mâu thuẫn này xảy ra thường xuyên do va chạm giữa quan điểm và lợi ích cũng khiến nhiều trường tư suy sụp.

Thầy N. - hiệu trưởng một trường tư thục tại Q.10, TP.HCM - lý giải: “Hiệu trưởng hoàn toàn bị động khi HĐQT không quan tâm gì đến quan điểm giáo dục mà chỉ chăm chăm tính toán kinh tế sao cho sinh lời nhanh nhất. Nhiều hiệu trưởng không góp vốn, được xem là “người làm thuê”, hầu như họ không có quyền gì...”. Theo thầy N., có ít nhất ba người bạn của ông tại các trường tư lân cận phải bỏ trường mà đi vì không tìm được tiếng nói chung với HĐQT.

Tại Trường ĐH Hùng Vương, mâu thuẫn diễn ra triền miên, chưa hết đợt này đã đến đợt khác. Hiện lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng, chủ tịch HĐQT) đã được UBND TP.HCM trả lại quyền điều hành trường sau sáu tháng đình chỉ chức vụ do mâu thuẫn gay gắt giữa đôi bên, nhưng nay tình trạng mâu thuẫn dần trở lại. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay vẫn là giữa hiệu trưởng, tập thể cán bộ giảng viên cơ hữu nhà trường với nhà đầu tư. Thật ra chính mâu thuẫn này đã đẩy nhà trường đến hoàn cảnh hiện nay và đến nay vẫn không giải quyết được.

PHÚC ĐIỀN - LƯU TRANG - TRẦN HUỲNH

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

787
  Tải tài liệu