Sẽ không trường nào dám tự chủ tuyển sinh?

Sẽ không trường nào dám tự chủ tuyển sinh?

596
  Tải tài liệu

Năm 2012, Bộ GDĐT chính thức cho phép các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu chủ động đề xuất phương án tuyển sinh với yêu cầu chung là: Không để tái diễn luyện thi; tổ chức tuyển sinh nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra giám sát.

Kế hoạch này có đi vào thực tiễn hay không, cũng như các khâu cần bổ sung như thế nào sẽ được quyết định sau hội nghị thi và tuyển sinh dự kiến diễn ra vào tháng 1.2012.

“Trọng điểm” cũng không thi riêng

Lãnh đạo một số trường đại học trọng điểm tỏ ra khá dè dặt trước “quyền tự chủ” này. Lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường dự kiến sẽ không thay đổi phương án tuyển sinh trong năm 2012. Ông Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết: “Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay ổn định về khối thi ở hệ chính quy và tăng cường chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến”.

Khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM - khẳng định: Đến thời điểm hiện nay, Bộ GDĐT chưa hề có một văn bản chính thức nào đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp hoặc thực hiện thí điểm gì. Trong khi thực tế, nếu thay đổi thì sẽ phải có rất nhiều chuyện để chuẩn bị. Và ông Nghĩa cũng cho rằng: Ở tầm vĩ mô, trong lĩnh vực giáo dục không nên thay đổi liên tục mỗi năm một chút..., mà  phải dựa trên những điều sát thực nhất để đưa ra những chiến lược dài lâu, tầm nhìn xa. 

Có phương án cũng chờ

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN Nguyễn Cảnh Lương cho rằng, phương thức 3 chung vẫn cần thiết cho hệ thống ĐH Việt Nam nói chung. Tuy nhiên những trường muốn tập trung nâng cao đầu vào thì nên có phương thức riêng. Ông Lương cho biết, Trường ĐH Bách khoa HN đã xem xét một số phương thức tuyển sinh. Thứ nhất là tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi 3 chung.

Cách này bất cập ở chỗ số lượng thí sinh có thể rất lớn, song khó xác định được có bao nhiêu sinh viên sẽ chọn ĐH Bách khoa HN, bao nhiêu em sẽ tham gia thi 3 chung tiếp và đi trường khác. Còn nếu tổ chức thi riêng đồng thời với 3 chung, thí sinh sẽ rất khó quyết định bởi nếu không trúng tuyển thì sẽ không thể tham gia thi 3 chung vào các trường khác được nữa.

Nhà trường cũng đang xem xét phương thức xét tuyển qua hồ sơ. Tuy nhiên, cách này cũng bất cập nếu như không tiến hành đồng bộ với các trường khác. Theo ông Lương, hiện nay nhà trường vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh hợp lý thay thế phương thức 3 chung.

ĐH Quốc gia Hà Nội thì mới thông tin về phương án tuyển sinh mới được nhà trường chuẩn bị từ hơn một năm nay. Phương án của trường là áp dụng phương thức tuyển sinh đánh giá theo năng lực như kỳ thi SAT cho thí sinh thi tuyển sinh ĐH, thi GMAT, GRE cho thí sinh muốn lấy bằng thạc sĩ đang được hệ thống giáo dục nhiều nước, nhất là Mỹ áp dụng.

Theo cách này, cứ hai tháng tổ chức thi một lần. Như vậy nếu thí sinh trượt đợt này thì 2 tháng sau có thể thi lại. Điểm tối ưu của phương án này là thí sinh có thể thi được quanh năm, không bị sức ép nếu lần đầu thi không đạt. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia HN - trở ngại cho việc áp dụng phương thức thi mới chính là đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự thi vào trường.

Mỗi năm có khoảng 40.000 thí sinh đăng ký thi vào ĐH Quốc gia HN, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thành viên chưa tới 5.500. Như vậy, số thí sinh không trúng tuyển vào ĐH Quốc gia HN có được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH khác hay không là bài toán mà nhà trường không thể tự giải quyết được.

Theo Bộ GDĐT thì đến nay vẫn chưa có trường ĐH nào đăng ký tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ bộ ngày 14.12, với phương án các trường tự tổ chức thi riêng thí sinh sẽ không có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cùng khối thi, thì có thể khá chắc chắn rằng sẽ khó có thể có trường đủ “dũng cảm” để đứng ra thi riêng vào thời điểm này.    

T.Uyên – N.Anh

Nguồn: laodong.com.vn

Bài viết liên quan

596
  Tải tài liệu