Lượng sức chọn nghề

Lượng sức chọn nghề

621
  Tải tài liệu

Người VN có truyền thống hiếu học, xưa nay chúng ta vẫn nói như thế. Có lẽ do tính hiếu học ăn sâu vào nếp nghĩ nên hầu hết mọi gia đình chỉ muốn con học cao chứ không học thấp, phải vào đại học để thành ông cử rồi lên đến ông nghè, ra làm quan làm thầy chứ không làm thợ.

Không chỉ đối với người thành thị khá giả, con cái vùng quê nghèo cũng quyết tâm thi đậu vào đại học. Rất nhiều học sinh không đủ khả năng nhưng vẫn luyện thi năm này qua năm khác, chí ít cũng vào một trường đại học dân lập. Các bậc phụ huynh kỳ vọng sau khi tốt nghiệp, con mình sẽ có công việc tốt.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy, sinh viên ra trường mỗi năm hàng vạn nhưng tỉ lệ tìm được việc làm rất thấp. Các doanh nghiệp, nhà máy thiếu thợ nhưng xã hội lại đào tạo ra quá nhiều thầy. Sự mất cân đối giữa cung và cầu tạo ra thặng dư các ông cử. Có nhiều nhà tuyển dụng còn lên tiếng cho rằng các cô cậu đó nửa thợ, nửa thầy nên không biết xếp vào đâu.

Trong khi các trường đại học liên tục ra đời và thu hút đông sinh viên thì các trường nghề vắng hoe. Trường nghề lại đơn điệu không đủ sức hấp dẫn học viên cho nên hệ thống này ngày càng giảm về chất lượng cũng như số lượng. Các xí nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ thiếu thợ giỏi đi đăng ký tuyển dụng khắp nơi nhưng không có người đáp ứng.

Đơn cử như thợ cơ khí, thợ máy, điện công nghiệp, kỹ thuật viên máy tính, thợ nấu ăn, bồi bàn chuyên nghiệp phục vụ nhà hàng khách sạn. Các nhà máy sản xuất thiếu thợ giỏi về kỹ thuật máy móc, điện, điện tử nhưng người nộp đơn lại toàn các ông cử nói chuyện lý thuyết, không biết vặn con ốc ngược xuôi. Thật khó lòng cho cả đôi bên.

Có một điều chắc chắn là xã hội đang cần rất nhiều thợ lành nghề thuộc nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ. Các bậc phụ huynh, giới trẻ hãy tự lượng sức về năng lực tài chính cũng như tài học để quyết định cho tương lai của mình. Không nhất thiết phải vào đại học, hãy cứ tự tin chọn cho mình một nghề phù hợp và học tử tế.

Khi có tay nghề giỏi thì sẽ có thu nhập ổn định, cuộc sống hạnh phúc. Ông cha dạy cho con cháu phải đỗ đạt để làm quan làm thầy, nhưng cũng dạy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" là vì lẽ đó.

Lê Chân Nhân (Lao Động)

Bài viết liên quan

621
  Tải tài liệu