Vừa làm, vừa học: Vừa... chơi!

Khi nào các trường còn coi hệ vừa làm, vừa học là “nồi cơm” thì khi đó hệ đào tạo này không bao giờ có chất lượng

842
  Tải tài liệu

Ngày 20-12, đại diện của nhiều trường ĐH đã tham gia hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH) do Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức.

Ông Phan Duy Quang, Trưởng Phòng Đào tạo không chính quy của Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết trường  xây được tòa nhà tại quận 4 có phần đóng góp không nhỏ từ khoản thu của hệ VLVH. Nói điều này để thấy hệ VLVH nếu tuyển sinh được thì nguồn thu là rất lớn.

ThS Phạm Thị Tâm, giảng viên Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng ý thức, trách nhiệm của giảng viên tham gia dạy hệ VLVH là rất đáng lưu ý trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo. Một số giảng viên khi đi dạy hệ này rất ít chú trọng truyền đạt kiến thức mà quan tâm đến hoạt động cá nhân khác như gợi ý cho sinh viên “đi thực tế”. Trên danh nghĩa, hoạt động này vẫn đủ số tiết nhưng thực tình là lớp mời giảng viên đi chơi, thưởng ngoạn... mà chẳng ai quản lý được. Thực tế đã có tình trạng các giảng viên nữ khi giảng dạy ở hệ này thì được lớp dẫn đi gội đầu, mua sắm, tặng quà; giảng viên nam được mời ăn nhậu, massage... Sau những công đoạn ấy, giảng viên được vui chơi thoải mái, học trò thì mừng vì thầy cô chắc không nỡ đánh rớt.

ThS Phạm Thị Tâm còn cho biết đã từng nghe những lời rỉ tai nhau như lớp này toàn cán bộ nên đi dạy là phụ, tạo quan hệ là chính, biết đâu trong tương lai còn nhờ vả họ nhiều. Vả lại, làm gắt gao thì chẳng ai theo học và cơ sở đào tạo sẽ không mời  giảng nữa.

Ông Phan Duy Quang cho rằng nếu các trường cứ chăm bẵm làm sao tuyển được nhiều sinh viên để thu được nhiều tiền thì không bao giờ hệ VLVH có chất lượng. Bà Tâm khẳng định nguyên nhân sâu xa là sự suy thoái đạo đức của cả người học lẫn người dạy, cùng với đó là sự buông lỏng quản lý. Đồng tình, ông Nguyễn Cao Đạt, Hiệu phó Trường ĐH Cửu Long, cho rằng chất lượng hệ VLVH thấp thì trách nhiệm chính thuộc về nhà quản lý, tức là hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải quan tâm và có trách nhiệm đến việc tổ chức đào tạo.

Là người trực tiếp quản lý hệ VLVH, bà Phạm Thị Hạ Nguyên, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng đào tạo hệ này là đúng vì đáp ứng nhu cầu của người học, nhiều người đi học với thái độ rất nghiêm túc. Tuy nhiên, chính quan điểm coi trọng đào tạo chính quy, coi nhẹ hệ VLVH đã đưa đến kết quả như hôm nay.

Tự dạy, tự ra đề, tự chấm

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng hệ đào tạo VLVH học theo kiểu cuốn chiếu nên kết thúc môn học là tổ chức thi luôn. Ở nhiều trường, thầy cô giáo là người dạy đồng thời ra đề thi rồi tự chấm. Điều này thuận lợi cho nhà quản lý và giảng viên lẫn người học nhưng cũng vì thế mà chất lượng vô cùng kém.

Ở những trường có quy chế giáo viên cứ việc dạy còn chấm bài là do người khác thực hiện thì hạn chế được nhiều tiêu cực.

HUY LÂN

Nguồn: nld.com.vn

 

Bài viết liên quan

842
  Tải tài liệu