Cử nhân thất nghiệp: Bộ GD-ĐT nhận một phần trách nhiệm

“Bộ GD-ĐT có phần trách nhiệm khi chất lượng đào tạo chưa tốt, nhiều sinh viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là về tiếng Anh, tin học” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận.

882
  Tải tài liệu

Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời những vấn đề nóng xoay quanh vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo ĐH như hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, có sự phân biệt trường công và tư…

Bất cập về chất lượng giáo dục

Mở đầu phiên chất vấn,đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban pháp Luật phân tích và nêu câu hỏi: “Hiện nay tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm khá phổ biến. Nguyên nhân là do mở trường, mở ngành tràn lan dẫn đến vừa rồi phải đóng cửa, dừng tuyển sinh ở nhiều ngành. Vậy tại sao không mở rộng quy mô đào tạo các trường đào tạo tốt hoặc có giải pháp để các trường ĐH danh tiếng trên thế giới liên kết để mở trường tại Việt Nam nhằm tạo cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục… mà lại phải mở thêm trường?”.

Trả lời thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc cho mở rộng thêm quy mô đào tạo của các trường, trước hết là các trường có chất lượng tốt đã được triển khai trong thời gian vừa qua. Quy mô đào tạo 10 năm trở lại đây quy mô các trường này tăng gấp 2 hoặc hơn 2 lần và cũng tới hạn của nó.

“Chúng tôi cũng có quy định về định mức giáo viên, tỷ lệ sinh viên/giáo viên, quy định về diện tích định mức xây dựng, phòng học, thí nghiệm…Điều kiện để đảm bảo chất lượng cho SV. Ở tất cả những trường có uy tín và nói chung các trường ĐH của chúng ta hiện nay cũng tới giới hạn điều kiện đảm bảo chất lượng. Như vậy, ngoài việc tạo điều kiện cho các trường tốt, trường có truyền thống tham gia tích cực cung cấp nguôn nhân lực lao động chất lượng cao cho đất nước thì phải mở thêm trường. Việc mở thêm các trường còn liên quan đến các lý do khác như quốc phòng an ninh, đảm bảo các chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta mở nhưng không phải là tràn lan” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luân nói.

Cũng theo Bộ trưởng Luận thì vừa qua có một số trường không đảm bảo chất lượng nên Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh việc này trong quá trình thanh, kiểm tra. Việc làm này không chỉ tiến hành với các trường mới thành lập mà ngay cả những trường có truyền thống lâu đời. Những chuyên ngành/lĩnh vực nào trường không đảm bảo chất lượng đều phải dừng tuyển sinh lại để củng cố lực lượng, đây là chuyện bình thường.

Liên quan đến việc đưa các ĐH danh tiếng ở nước ngoài vào liên kết mở trường ở Việt Nam, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định: “Chúng ta có chủ trường khuyến khích mở các trường ĐH nước ngoài ở VN. Chính phủ không chỉ có chủ trường mà đã có quyết định đầu tư xây dựng ĐH Việt Đức, ĐH Khoa học Công nghệ (Việt Pháp), hai trường này đã đi vào hoạt động. Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo để các trường chủ động liên kết với ĐH nước ngoài có chất lượng đảm bảo để mở các chương trình đào tạo tiên tiến. Hiện nay cả nước có gần 40 chương trình đào tạo tiên tiến”.

Chưa đồng tình hoàn toàn với cách giải thích của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh: “Tôi muốn đề cập vấn đến việc các trường ĐH danh tiếng vào Việt Nam mở trường”.

Chốt lại vấn đề của câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho hay: Chúng ta đã phát tín hiệu rất mạnh qua những lần lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước làm việc với nguyên thủ các nước có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa nhận được tín hiệu. Qua tìm hiểu thì được biết, các trường ĐH danh tiếng không bao giờ mở cơ sở ở nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, vấn đề đào tạo ĐH và sau ĐH hiện nay còn tràn lan, có hiện tượng học để hợp thức hóa văn bằng. Vậy Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào? Thẳng thắn thừa nhận, Bộ trưởng Luận chia sẻ, đúng là loại hình đào tạo hiện nay phong phú nhưng nó tính phức tạp của nó. Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp như yêu cầu phải đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở tại cơ sở trường, giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN ở các trường ĐH và tiến tới là bỏ… Với việc Luật Giáo dục ĐH ra đời thì Bộ sẽ có hướng dẫn là sẽ thôi đào tạo tiến sỹ hệ vừa học vừa làm.

“Hiện nay chúng ta có tình trạng nhiều tiến sỹ nhưng lại thiếu nhà khoa học” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải việc thôi đào tạo tiến sỹ hệ vừa học vừa làm.

Không có sự phân biệt đối xử giữa trường công và tư

Liên quan đến việc chỉ tiêu tuyển sinh trường công ngày càng tăng khiến các trường tư gặp nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng Bộ GD-ĐT không tạo điều kiện phát triển cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ngang bằng với các trường công lập nó thể hiện qua việc xử phạt, trường không tuyển sinh được, không được ưu đãi về thuế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập về vấn đề một số trường đại học dân lập không tuyển sinh được, một số trường bị Bộ “xử lý” trong vấn đề tuyển sinh.

“Chúng tôi đã làm việc với các thành viên trong Hiệp hội và giải thích, không có việc Bộ trù dập các trường đại học dân lập. Những trường ngoài công lập cũng như công lập mà không đảm chất lượng đều xử lý như nhau”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Bộ trưởng Luận cũng cho rằng, cần phải xử lý nghiêm các trường không đảm bảo chất lượng, mất đoàn kết, tranh giành quyền lợi, mất môi trường sư phạm, không còn là gương sáng trước học sinh, xã hội. Còn những trường đại học dân lập chuẩn mực thì Bộ rất hoan nghênh.

Về vấn đề thuế, Bộ trưởng Luận thừa nhận là hiện tại có nhiều bất cấp do các quy định. Để tạo điều kiện tốt hơn cho các trường đại học dân lập, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bỏ quy định phải bảo đảm diện tích xây dựng bình quân 55 m2 cho mỗi sinh viên mới được nhận ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết việc cấp đất sạch cho các trường khó thực hiện do ngân sách không đủ để cân đối.

“Về vấn đề giao chỉ tiêu cho các trường thì hiện nay Bộ GD-ĐT đã giao cơ chế theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH. Giám đốc, Hiệu trưởng các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu của mình dựa trên định mức kỹ thuật do Bộ GD-ĐT ban hành. Bộ chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra, đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý” - Bộ trưởng Luận giải thích về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay.

Sinh viên không có việc làm: Bộ GD-ĐT nhận một phần trách nhiệm

Vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) chất vấn về các giải pháp bảo đảm việc làm, làm việc đúng ngành nghề được đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Đặc biệt là đối với khối ngành sư phạm. Đại biểu cũng đặt ra vấn đề: tình trạng này có phải chăng các trường đang thương mại hóa giáo dục? Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Lê Thị Nga - phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội quan tâm.

Bộtrưởng Phạm Vũ Luận đồng tình với ý kiến của các đại biểu về thực trạng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chưa tìm được việc làm, làm việc trái ngành. Đây là một thực tế diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực đào tạo.

Theo Bộ trưởng Luận thì nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do công tác đào tạo và nhu cầu, khả năng sử dụng nguồn nhân lực còn có khoảng cách. Vấn đề quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đất nước và của từng ngành nghề chưa được chú ý trong nhiều năm qua.

“Bộ GD-ĐT có phần trách nhiệm khi chất lượng đào tạo chưa tốt, nhiều sinh viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là về tiếng Anh, tin học; chưa gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học với doanh nghiệp, thị trường lao động; quy mô, khả năng đào tạo của các nhà trường chưa được tính toán kỹ lưỡng” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhận một phần trách nhiệm.

Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho hay, sẽ tính toán quy mô, chất lượng đào tạo của các trường, tổ chức hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực của các ngành nghề. Trên thực tế, Bộ đã chỉ đạo dừng mở mới các cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo về tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Bên cạnh đó, Bộ cũng bước đầu định hướng, thu hút học sinh, sinh viên vào một số ngành nghề mà một số địa phương đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực.

Nguyễn Hùng

Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết liên quan

882
  Tải tài liệu