Mở nhóm ngành sức khỏe tràn lan, chất lượng đào tạo có đảm bảo?
Năm 2021, hàng loạt trường đại học (ĐH) ngoài công lập đã lên kế hoạch mở các ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực sức khỏe.
Mặc dù đây là lĩnh vực đặc thù, điều kiện mở ngành được siết chặt so với các khối ngành khác, song nhìn vào vào bức tranh tuyển sinh khối ngành sức khỏe đang “nở rộ” tại nhiều trường ngoài công lập, dư luận không khỏi lo lắng, băn khoăn về chất lượng đào tạo bác sĩ trong thời gian tới.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở tới 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu và quản lý bệnh viện. Trường ĐH Hoa Sen cũng thông báo dự kiến mở 4 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe là răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh và quản lý bệnh viện.
Bên cạnh ngành dược học, Trường ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến tuyển sinh thêm ngành kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng. Cũng trong năm nay, Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở thêm 2 ngành mới ở khối sức khỏe là y đa khoa, y học cổ truyền. Trường này đang đào tạo 4 ngành sức khỏe là răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học và kỹ thuật xét nghiệm y học…
Nếu được thông qua, số lượng trường đại học ngoài công lập tham gia đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ lên đến cả chục trường. Trước đó, nhiều đại học ngoài công lập trên cả nước cũng đã đào tạo nhóm ngành này như: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tây Đô… Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của một số cơ sở vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để mở nhóm ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định trong Thông tư số 22/20217/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ những quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành.
Tất cả hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục ĐH đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cũng đã quy định Bộ GD&ĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế…
Tuy vậy, với việc các trường ngoài công lập “đua nhau” mở các mã ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng về chất lượng đào tạo. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nêu quan điểm: Y - dược là ngành đào tạo đặc biệt, nắm trong tay sinh mạng của con người nên cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo.
Theo ông, cần hết sức cân nhắc, không nên mở ngành đào tạo sức khỏe tràn lan, bởi nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo thì hệ quả đối với hệ thống y tế là rất lớn và kéo dài. “Đối với đào tạo sinh viên y khoa, khâu thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong khi hệ thống bệnh viện hiện nay hầu như không tăng lên nhưng số lượng sinh viên cần thực hành lại tăng thêm thì làm sao giải quyết được bài toán giữa số lượng và chất lượng?” - GS Phạm Tất Dong băn khoăn.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định "các loại hình cơ sở giáo dục ĐH bình đẳng trước pháp luật".
Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Tất cả hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, hằng năm đều thường xuyên thanh - kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, bảo đảm chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo. Với những ngành không bảo đảm điều kiện bảo đảm chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Từ phía Bộ Y tế, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, cũng khuyến cáo, các trường khi đã mở mã ngành cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo bởi thời gian tới Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu ra theo năng lực và cấp chứng chỉ nghề quốc gia. Nếu không đạt điều kiện, chuẩn đào tạo thì không cấp chứng chỉ hành nghề dù sinh viên đã tốt nghiệp.
Cũng theo ông Tác, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đang cho kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường có mở ngành y, đồng thời sẽ kiến nghị Bộ GD&ĐT về việc xem xét điều kiện mở mã ngành khối sức khỏe.
Huyền Thanh
cand.com.vn – 23/01/2021
Bài viết liên quan
- Công bố 157 đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và trong nước
- 8 trường đại học phía Nam được cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc
- Bộ GD-ĐT nói gì việc các trường tư thục đua nhau mở ngành y?
- Chỉ tuyển người có học lực khá vào diện cử tuyển đại học
- Chương trình quốc tế chưa hút sinh viên như mong đợi