Giảm đăng ký đại học, tăng chọn trường nghề

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến kế hoạch dạy học và thi cử liên tục bị điều chỉnh. Bên cạnh những học sinh đang sốt ruột theo sự thay đổi lịch thi và đăng ký đại học 2020, vẫn có nhiều em tỏ ra khá thoải mái.

1071
  Tải tài liệu

Duy Cường, học sinh lớp 12, ngụ quận Tân Phú (TPHCM) cho biết: “Em vẫn tự học theo hướng dẫn, đặt mục tiêu tốt nghiệp THPT. Do không đăng ký dự thi đại học nên em không quá căng thẳng. Học nghề cũng tốt, khung trình độ quốc gia cho phép liên thông các bậc học, loại hình. Sau này nếu muốn, em vẫn có thể tốt nghiệp đại học”.

Những học sinh có xu hướng không chọn đăng ký dự thi vào các trường đại học như Duy Cường ngày càng nhiều. Năm 2019, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó có tới 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không thi đại học, chiếm 27,8%. Con số này năm 2018 là 25.7% và 2017 là 25%.

Giảm chọn vào đại học, thí sinh hướng đến kênh đăng ký học nghề và tỷ lệ chọn kênh này đang tăng lên rõ rệt, nhiều nhất là hệ trung cấp nghề. Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp là hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. Chỉ mới hết tháng 8/2019, nhiều trường nghề vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Hàn (Phú Quốc - Kiên Giang) cho biết, có nhiều em thi ĐH được 21 điểm nhưng vẫn từ chối học ĐH và có cả những học viên đã tốt nghiệp ĐH đăng ký học nghề tại trường; Trường CĐ nghề Việt Đức cũng tiếp nhận hàng chục bộ hồ sơ qua mỗi kỳ thi quốc gia của những em đạt ba môn trên 18 điểm, trong đó có những em có số điểm từ 20 - 24,5 điểm.

Xu hướng giảm đăng ký vào đại học, tăng chọn trường nghề là tín hiệu đáng mừng cho thấy người học ngày càng có những lựa chọn phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của bản thân, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xu hướng này cũng là kết quả của việc các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, sự ra đời của khung trình độ quốc gia, đặc biệt là chuyển biến tốt của công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông.

Bên cạnh những biểu hiện tích cực, xu hướng thí sinh giảm chọn đại học, tăng chọn trường nghề cũng đồng thời là lời cảnh báo cho các đại học về chất lượng đào tạo. Thực tế không thể phủ nhận vai trò của trường đại học bởi từ trước đến nay, hàng triệu triệu sinh viên vào đời thành công từ kênh đào tạo này. Tuy nhiên, cũng không thể không thừa nhận, chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng đã góp phần dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp sau tốt nghiệp ở bậc học này còn cao. 

Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ đại học trở lên cao gấp 3,2 - 3,9 lần tỷ lệ thất nghiệp ở 3 nhóm lao động có trình độ thấp hơn. Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên có xu hướng giảm so 2017 nhưng vẫn chiếm 2,57% (135,8 nghìn người). Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến học sinh chuyển hướng lựa chọn nghề nghiệp.

Số lượng người đi học đại học ở tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác, chỉ khoảng 28,3%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan, Malaysia là 43% hay 48%. Số lượng thấp trong lúc bằng cấp được đào tạo chưa đáp ứng thị trường có nguy cơ dẫn đến lao động nước ta không những không cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, mà còn mất cả thị trường trong nước khi phải đối phó với dòng lao động “chảy ngược”. Nếu không muốn bị đào thải trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt và người học ngày càng thông minh hơn, trường đại học cần nỗ lực tự chuyển biến để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Nguồn: giaoducthoidai.vn – 01/04/2020

Bài viết liên quan

1071
  Tải tài liệu