Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012: Rối với quy chế mới
Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi năm nay sẽ nhiều hơn do thay đổi mã ngành và không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ
Ngày 6-3, hơn 500 đại biểu là đại diện các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã tham dự tập huấn chương trình máy tính tuyển sinh do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tổ chức tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Đại diện các trường đã bày tỏ lo lắng về những rắc rối nảy sinh khi áp dụng các quy định mới trong quy chế tuyển sinh 2012 vào thực tế.
Áp lực quá lớn
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho biết quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy năm 2012 sẽ được bộ phát hành và đưa lên mạng ngày 7-3. Tài liệu này cùng với văn bản số 845 về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 sẽ là 2 văn bản chính thống và quan trọng nhất để các trường bám sát và áp dụng.
Tuy nhiên, thay đổi trong quy chế mới lại gây nên nhiều vướng mắc. Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng quy định tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đoạt giải 3 trở lên vào các ngành đúng hoặc gần với môn học sinh đoạt giải, nếu áp dụng vào thực tế sẽ rất khó bởi chưa có tiêu chí cụ thể xác định ngành phù hợp với môn thí sinh đoạt giải. Một đại biểu khác cũng thắc mắc nếu học sinh lớp 11 đoạt giải học sinh giỏi quốc gia thì kết quả có được bảo lưu cho năm sau hay không, quy chế mới chưa nêu rõ.
Ông Khôi cho biết năm nay, quy ước mã ngành trong phiếu đăng ký dự thi sẽ được thiết kế 7 ô. Trong đó, ô đầu tiên là ký hiệu dự thi ĐH (D) hoặc CĐ (C), 6 ô còn lại tương ứng với ngành học. Ngoài việc ghi ký hiệu mã ngành, thí sinh còn phải ghi rõ tên ngành và tên chuyên ngành trong phiếu đăng ký dự thi.
“Tôi dự báo việc điều chỉnh hồ sơ đăng ký dự thi năm nay sẽ rất lớn”- ông Tạ Quang Lâm, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định. Theo ông Lâm, do Bộ GD-ĐT không in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ nên thí sinh phải tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, rất khó nắm chính xác mã ngành, mã trường. Hơn nữa, mã ngành của các năm trước chỉ có 3 số thứ tự mà sai sót đã rất nhiều, huống hồ năm nay có tới 7 số thì sai sót chắc chắn sẽ nhiều hơn, gây áp lực rất lớn cho các trường. Đại diện Trường ĐH Hàng hải cũng thắc mắc hiện các chuyên ngành không có mã ngành thì việc xử lý trên máy tính sẽ như thế nào...
Tuyển thì vướng, không thì sai
Về quy định xét tuyển thẳng thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển), học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng có vướng mắc khi áp dụng. Đại diện Học viện Hậu cần nêu tình huống rất nhiều thí sinh diện này cùng nộp hồ sơ vào một trường và tập trung vào một ngành nào đó thì phải xử lý ra sao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có hạn?
“Nếu tuyển thì trường vướng mà không tuyển thì trường sai quy chế. Do đó, tôi thấy rất băn khoăn. Đã là quy chế thì phải thực hiện nhưng chúng tôi rất cần có văn bản hướng dẫn thêm”- một đại biểu nói và bày tỏ thêm về việc thí sinh được tuyển thẳng theo diện này có phải đóng học phí không?
Phải chuyển mã ngành
Giải đáp thắc mắc từ phía các trường, ông Ngô Kim Khôi cho biết Bộ GD-ĐT sẽ lên danh sách những ngành học gần với ngành thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia để các trường có căn cứ xét tuyển. Nếu học sinh lớp 11 đoạt giải học sinh giỏi quốc gia thì vẫn được bảo lưu kết quả cho năm sau. Đối với quy định thí sinh ở các huyện nghèo được xét tuyển thẳng, ông Khôi cho biết Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể và sẽ cùng với Bộ Tài chính xem xét thí sinh diện này có phải đóng học phí hay không. Tuy nhiên, nhiều khả năng thí sinh vẫn phải đóng học phí vì đây không phải là thí sinh thuộc diện cử tuyển.
Đối với quy định thay đổi mã ngành, ông Khôi cho biết các trường phải chuyển đổi mã ngành, hướng tới việc cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp theo đúng ngành học và thuận lợi cho việc quản lý về mặt Nhà nước. Cũng theo ông Khôi, năm nay điều chỉnh một số quy định trong tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các trường tự chủ, trong đó có tự chủ xét tuyển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường phải gánh trên vai trách nhiệm lớn.
Thùy Vinh
Nguồn: nld.com.vn