Cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng

Cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng

1015
  Tải tài liệu

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng đang cùng lúc phải giải quyết hai vấn đề: trường tư phát triển ồ ạt nhưng “ế ẩm”, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu và nguồn lực ngân sách cho trường công hạn hẹp, lại dàn trải, khiến hiệu quả đầu tư thấp. Ở cả khu vực tư và công, đang có những giải pháp để cơ cấu lại. TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng TS. Giáp Văn Dương, người đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến giáo dục về bài toán này.

TBKTSG: Trước thực tế nhiều trường đại học, cao đẳng khó tuyển sinh, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cho biết bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường (chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín...), ông bình luận gì về đề bài và phương án “cơ cấu lại” này?

- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nếu thống kê các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, điều hành, chắc hẳn nước ta đứng hàng đầu thế giới về sự quan tâm đến vấn đề chiến lược, tầm nhìn, quy hoạch, kế hoạch.

Thống kê tần số xuất hiện những từ này trong các hội nghị, hội thảo và trên báo chí, chắc hẳn không mấy nước có thể sánh nổi Việt Nam. Nhưng trên thực tế thì từ thị trường bất động sản cho đến sân bay, bến cảng, nhà máy bia, dịch vụ thẩm mỹ... cái gì cũng tự phát, bung nở đến mức nguy cấp rồi mới bàn chuyện tái cơ cấu, nôm na là sắp xếp lại, co gọn lại. Giáo dục đại học cũng nằm trong tình trạng chung đó.

Đề bài chỉ là “giải nguy” việc “tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ”. Nhưng thu hút học sinh vào đại học không thể bằng biện pháp hạ giá, khuyến mãi như bất động sản hay các biện pháp ép buộc như bắt uống bia của tỉnh nhà, buộc phải đến dịch vụ thẩm mỹ của sếp...

Con đường giải nguy đúng đắn nhất đối với bất cứ lĩnh vực nào cũng là nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với giáo dục đại học thì đó là con đường duy nhất. Việc giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín cũng chỉ giúp được các trường đang bị người học từ chối nếu nó gắn liền với mục tiêu cải thiện điều kiện đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

- Ông Giáp Văn Dương: Có sinh thì có diệt. Trường thành lập ra nếu hoạt động không hiệu quả thì phải giải thể, hoặc sáp nhập với trường khác. Quan trọng là với các sinh viên, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quá trình cơ cấu lại này, Bộ GDĐT sẽ có chính sách gì để đảm bảo quyền lợi cho họ. Việc cho phép sinh viên được chuyển sang trường khác để học cũng là giải pháp nên tính đến.

TBKTSG: Sau một thời gian dài độc quyền giáo dục đại học (công), những năm vừa qua, rất nhiều trường đại học, cao đẳng tư được cấp phép thành lập. Rồi từ năm 2014, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế cấp phép thành lập mới. Thật ra, việc mở rộng cửa đối với đại học, cao đẳng tư có phải là nguyên nhân của vấn đề nói trên? Nếu không thì nguyên nhân gốc rễ nằm ở đâu?

- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nói cho đúng, việc mở trường dễ dãi, bất kể điều kiện đào tạo có đáp ứng được yêu cầu đào tạo hay không, việc tăng số lượng sinh viên bất kể nhu cầu của thị trường lao động và việc chạy theo lợi nhuận đơn thuần bất kể chất lượng mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế ẩm” của nhiều trường hiện nay. Nếu so với lĩnh vực giáo dục phổ thông thì các trường đại học ngoài công lập kém hấp dẫn hơn các trường phổ thông tư thục nhiều. Các nhà đầu tư giáo dục đại học nên tìm hiểu kỹ xem vì sao như vậy.

- Ông Giáp văn Dương: Sự mở rộng của các đại học tư trong thời gian qua là hiện tượng gây nhiều suy ngẫm. Số lượng các trường tăng quá nhanh trong thời gian ngắn không hẳn là do nhu cầu của xã hội. Ẩn sau việc ra đời ồ ạt các trường này là vấn đề kinh tế. Dường như, nhiều nhà đầu tư đã coi việc mở trường đại học tư như một cách tiếp cận đến các chính sách ưu đãi đất đai cho giáo dục. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư mở trường đại học nhưng lại không nhắm đến việc làm giáo dục, mà mục đích chính là để làm... bất động sản. Khi khủng hoảng xảy ra, bất động sản mất giá, các trường này cũng khựng lại. Nhiều trường chỉ còn là bản vẽ 3D để trưng ra tuyển sinh, còn thực tế thì thuê mướn, chắp vá mặt bằng. Kinh tế khó khăn lại càng làm cho việc đầu tư vào cơ sở vật chất của các trường này bị giảm sút, dẫn đến trường không ra trường.

Đội ngũ giảng viên cũng vậy, vay mượn khắp nơi, khiến chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Những điều này kết hợp với nhau làm cho việc tuyển sinh của trường tư đã khó lại càng thêm khó. Việc giải thể hoặc sáp nhập các trường đang trong tình trạng “chết lâm sàng” vì thế là không tránh khỏi.

TBKTSG: Không chỉ với đại học, cao đẳng tư, tại cuộc họp ngày 22-10 mới đây, Bộ GDĐT cũng chủ trương “hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập”. Trước đó, theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, các trường đại học, cao đẳng công cũng là đối tượng sẽ được thí điểm cổ phần hóa. Theo ông, đây có phải là lối thoát cho đại học công?

- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Bây giờ mới đặt ra chủ trương hạn chế là muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Trước hết, bởi vì Nhà nước không có đủ tiền để chạy theo sự phát triển số lượng cơ sở đào tạo. Tiền ít mà số trường, số sinh viên nhiều thì chẳng khác gì chỉ có 1 ki lô gam gạo mà nấu cho mấy chục người ăn. Nấu như vậy chỉ có thể nấu được cháo loãng. Giải pháp đúng nhất bây giờ là chuyển cơ chế vận hành các trường đại học, cao đẳng công lập thành cơ chế tự chủ toàn diện. Còn cổ phần hóa thì không nên, vì trường đại học, cao đẳng vận hành theo kiểu công ty khó có thể thành trường có chất lượng được.   

- Ông Giáp Văn Dương: Vừa rồi, bên cạnh việc lạm phát trường tư, thì cũng xảy ra tình trạng nâng cấp ồ ạt các trường cao đẳng công lên đại học công. Nhiều trường trước đó vài năm chỉ là trường trung cấp, sau vài năm lên cao đẳng, cũng được nâng cấp thành đại học. Nhìn vào cơ sở vật chất thì thấy không khác bao nhiêu. Đội ngũ cũng gần như vậy. Chỉ có cái tên là thay đổi. Đây là điều đáng lo hơn đáng mừng. Khi đội ngũ giảng viên không đủ sức gánh vác công việc của một trường đại học, thì thà cứ để trường trung cấp hay cao đẳng lại tốt hơn nhiều. Chưa kể, trường trung cấp hay cao đẳng cũng cần thiết như đại học. Vậy cớ gì cứ phải chạy lên đại học bằng mọi cách?

Tôi cho rằng, trong việc nâng cấp một trường cao đẳng lên đại học thì quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất có tương xứng hay không. Nếu đội ngũ giảng viên không đảm bảo thì nhất định không làm. Rồi sẽ lại rơi vào khó khăn, không tuyển sinh được, dù đã mang danh đại học. Mà nếu có tuyển sinh được thì chất lượng đào tạo cũng không đảm bảo.

Việc cổ phần hóa trường công cũng là một giải pháp cần xét đến, như một lối thoát, nhất là khi ngân sách khó khăn như hiện giờ. Quan sát cá nhân của tôi cho thấy, cùng một việc như nhau thì thường khu vực tư vận hành sẽ hiệu quả hơn. Vậy việc nào khu vực tư làm được, thì hãy chuyển cho khu vực này đảm nhiệm. Nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân không làm. Chưa kể, việc cổ phần hóa này cũng sẽ làm cho khối đại học tư mạnh lên, chứ như hiện giờ, đại học tư dù ra đời đã hơn hai chục năm mà vẫn chưa lớn được. Tỷ trọng sinh viên trong các đại học tư vẫn còn quá nhỏ, so với mặt bằng chung của quốc tế.

TBKTSG: Đặt câu chuyện đại học công, tư như vậy trong tổng thể các vấn đề của giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay, không chỉ ở đầu vào (khó hay dễ tuyển sinh) mà còn ở đầu ra (chất lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội), lời giải có nằm ở chỗ số lượng ít - nhiều, tính chất công - tư ? Chúng ta nên làm gì trong lúc này?

- Ông Giáp Văn Dương:  Lời giải theo tôi không nằm ở chỗ vào - ra hay ít - nhiều, mà ở chỗ phải làm sao đảm bảo được chất lượng đào tạo. Không mở thêm trường, không nâng cấp thành đại học, nếu thấy đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất chưa sẵn sàng, chất lượng đào tạo không được đảm bảo. Tạo ra nhiều trường đại học kém, đào tạo ra nhân lực có chất lượng kém, sinh viên ra trường không có việc làm, thì không chỉ có hại cho chính trường đó, mà còn có hại chung cho toàn xã hội.

- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần kiên quyết dừng ngay việc mở trường mới, nâng cấp các trường từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học. Chỉ cho phép mở trường nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một trường đại học, cao đẳng hiện đại. Các tỉnh cần thay đổi tư duy “tự túc tự cấp”, không chạy theo mục tiêu “sắm sửa” đủ bộ sân bay, bến cảng, nhà máy bia, trường đại học, viện nghiên cứu... Các trường phải cải thiện điều kiện đào tạo, cập nhật nội dung, thay đổi phương thức đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo. Tốt nhất là mời các tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo có uy tín trong khu vực giúp kiểm định chất lượng cho đến khi trong nước có những tổ chức có kinh nghiệm, uy tín về lĩnh vực này.

Mỹ Lệ (thesaigontimes.vn)

Bài viết liên quan

1015
  Tải tài liệu