Thống nhất giáo dục nghề nghiệp, người học được gì?

Lâu nay, sự chồng chéo giữa các chương trình đào tạo bậc CĐ và nghề dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo.

731
  Tải tài liệu

Quy về một mối là cần thiết nhưng quản lý và quy hoạch lại như thế nào để có lợi cho học viên thì còn nhiều ý kiến trái chiều.

Luật Giáo dục quy định hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các cấp học và trình độ đào tạo gồm giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và ĐH. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp bao gồm bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và dạy nghề. Thực tế hiện nay toàn bộ các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó có CĐ và TCCN, đều thuộc Bộ GD-ĐT quản lý.

Chỉ riêng hệ thống dạy nghề (nằm trong giáo dục nghề nghiệp) lại phát triển thành một hệ thống đào tạo nghề riêng, bao gồm các trường TC nghề, CĐ nghề lại trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý. Từ đó, năm 2006, luật Dạy nghề ra đời quy định có 3 trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, TC nghề và CĐ nghề với đầy đủ những quy định về mục tiêu, chương trình đào tạo và tuyển sinh.

Căn cứ vào mục tiêu đào tạo của luật Giáo dục và luật Dạy nghề, trình độ CĐ và CĐ nghề, TCCN và TC nghề không có sự khác nhau. Về chương trình đào tạo, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho biết: “CĐ nghề và TC nghề thì thời lượng thực hành nhiều hơn, chiếm 60 - 70%, còn CĐ và TCCN thực hành chiếm khoảng 40 - 50%”.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, cũng thừa nhận hai chương trình chỉ khác nhau một chút về thực hành, còn nội hàm tương đương nhau. Rất nhiều trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT đào tạo cùng lúc hai chương trình nghề và chuyên nghiệp với nhiều ngành nghề có tên gọi giống nhau.

Ngày 8.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có kết luận về vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra và chương trình đào tạo. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất với các trường nghề và TC nghề hiện nay là sau khi thống nhất làm thế nào để tuyển sinh được và phải đảm bảo tính liên thông.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nêu quan điểm: “Lâu nay TC nghề không tuyển sinh được, TCCN cũng lao đao. Việc sáp nhập lại là hết sức cần thiết để việc tuyển sinh không bị phân tán. Tuy nhiên, sáp nhập như thế nào là cả một quá trình vô cùng phức tạp. Nhà nước sẽ phải quy hoạch lại toàn bộ các trường CĐ và trung cấp. Dù bộ nào quản lý thì chương trình học cũng phải được xây dựng lại cho phù hợp và học xong có thể liên thông lên”.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa cho rằng nếu xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp ở trình độ CĐ còn TC theo hướng thực hành chiếm tỷ lệ nhiều hơn thì vẫn có thể liên thông lên ĐH và sau ĐH theo hướng ứng dụng. “Việc phân luồng vẫn có thể dễ dàng, học sinh nào muốn theo hướng nghiên cứu thì tốt nghiệp THPT xong lên thẳng ĐH, còn ai theo hướng ứng dụng thì có thể học giáo dục chuyên nghiệp ngay sau bậc học THCS rồi liên thông dần lên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần phải xác định được cơ hội việc làm và vị trí xã hội, mức thu nhập... mới thu hút được người học”, tiến sĩ Nghĩa nhận định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, nếu quá trình thống nhất này kéo theo những thay đổi tích cực về cách sử dụng lao động của doanh nghiệp, cách nhìn nhận của xã hội đối với người học nghề thì người học sẽ không còn băn khoăn khi lựa chọn học nghề.

Mỹ Quyên (thanhnien.com.vn)

 

Bài viết liên quan

731
  Tải tài liệu