Bỏ thi THPT quốc gia năm nay: Lo học sinh đổ xô về thành phố dự tuyển đại học?
Bên cạnh nhóm giáo viên ủng hộ phương án huỷ thi THPT quốc gia năm nay, cũng có nhiều giáo viên cho rằng, nếu huỷ thi lúc này sẽ gây xáo trộn lớn. Các trường ĐH tuyển sinh riêng, học sinh lại phải đổ xô về thành phố dự thi như trước.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, về lâu dài thầy ủng hộ phương án huỷ bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì kỳ thi 2 mục tiêu thì mục tiêu thứ nhất xét tốt nghiệp với tỉ lệ đỗ hơn 90% là không cần thiết; mục tiêu thứ 2 nên để các trường gánh vác và tự chủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh, này thầy mong muốn học sinh quay lại trường học sớm để được thi. Việc không thi THPT quốc gia sẽ rất tai hại vì nhiều lý do.
Đầu tiên, thí sinh, nhà trường và các địa phương sẽ bị động vì việc bỏ thi chưa nằm trong bất cứ kế hoạch nào, chưa có sự chuẩn bị gì. Chưa có quy chế, chưa hình dung ra các tiêu chí, hình thức xét như: ai xét, xét như thế nào trong khi học sinh lớp 12 đang ở cuối năm học. Thẩm quyền quyết định vượt tầm của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, huỷ thi học sinh rất bị động và thiếu công bằng vì các em đã sớm lựa chọn học theo khối ngành, tổ hợp môn thi. Dù dịch bệnh, các em nghỉ học lâu dài, việc học trực tuyến, truyền hình nơi học tốt, nơi chỉ “xem tivi” cho có thậm chí có nơi còn chưa học.
Vì thế, chỉ có Bộ GD&ĐT mới hiểu rõ nội tình và có đề thi hợp lý, công bằng nhất cho học sinh năm nay. “Điều này, Bộ cũng đã thể hiện rõ trong phần tinh giản chương trình, qua đề thi minh hoạ, trong đó các câu hỏi khó chủ yếu tập trung học kỳ I, các câu hỏi cơ bản dồn cho học kỳ II”, thầy Tùng nói.
Còn nếu bỏ thi, giao cho các trường ĐH tuyển sinh, khi đó mỗi trường một phương án “trăm hoa đua nở” học sinh càng áp lực. Khi đó, dồn thế khó về cho học sinh bởi các em sẽ lại phải đổ dồn về các TP lớn để thi cử, chịu gánh nặng chi phí, áp lực hơn rất nhiều.
Hiện nay, các trường lớn như Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân công bố có phương án tuyển sinh riêng tuy nhiên đây là những trường mạnh, có tiềm lực để gấp rút thực hiện các khâu trong thời gian ngắn. Còn các trường khác không nói ra cũng biết, họ không mong muốn, khó khăn khi phải tổ chức riêng vì tốn kém, phải chịu trách nhiệm
Ngoài ra, từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã đặt mục tiêu giữ ổn định kỳ thi năm nay như mọi năm, tránh sự xáo trộn. Dịch bệnh diễn ra, các em nghỉ học đã có nhiều xáo trộn, nếu thay đổi kỳ thi sẽ gây xáo trộn lớn trong tâm lý học sinh.
Nên học gì thi nấy
Thầy Lương Ngọc Huy, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho rằng, học sinh lớp 12 hiện có 2 luồng ý kiến. Trong đó, nhóm học sinh có học lực trung bình, yếu muốn bỏ thi, chỉ xét tốt nghiệp cho đơn giản, nhẹ nhàng nhưng nhóm học sinh khá, giỏi có mục tiêu phấn đấu vào các trường ĐH top trên mong muốn kỳ thi diễn ra.
Thầy Huy cũng nêu ý kiến, tuy dịch bệnh kéo dài nhưng học sinh cũng đã học trên truyền hình, trực tuyến và tự học. Vì thế, ở thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn nên tiếp tục tổ chức thi. Nếu các em quay lại trường học muộn, Bộ có thể tiếp tục lùi thời gian thi vào cuối tháng 8, thậm chí đầu tháng 9 và lùi thời gian khai giảng năm học mới.
Nếu có thay đổi nào về kỳ thi THPT quốc gia nhất thiết phải thông báo sớm 1 năm, để học sinh có kể hoạch. “Thời điểm này bỏ thi các em sẽ áp lực hơn vì các trường ĐH, học viện thi tuyển mỗi trường sẽ có một phương án riêng. Chưa kể, thời điểm này chưa quyết định cũng sẽ khiến các trường cập rập, không có thời gian suy tính kế hoạch tuyển sinh thấu đáo”, thầy Huy nói.
Cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cũng đồng tình với quan điểm huỷ bỏ kỳ thi năm nay thời điểm này là gấp gáp, thiệt thòi cho học sinh. Chỉ có những em không có nhu cầu thi vào ĐH mới mong muốn bỏ thi tuy nhiên mục tiêu thứ nhất của kỳ thi đa số học sinh đều đạt được nên không cần tính đến.
Vì vậy, cô mong học sinh được sớm quay lại trường học, Bộ quyết tâm tổ chức kỳ thi chung để không gây thêm bất kỳ xáo trộn nào đối với học sinh lớp 12 năm nay. Còn đề thi, trên tinh thần, học gì thi nấy, học đến đâu thi đến đó trên thực tế các em đã học hết một phần học kỳ II, một phần học trực tuyến nên có thể đảm bảo để tham gia kỳ thi quốc gia với mức độ đề thi giảm nhẹ so với năm trước.
Tuy nhiên, cũng có một số giáo viên cho rằng, một số quốc gia khác trên thế giới đã huỷ bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì dịch bệnh. Vì thế, Bộ tính đến “kịch bản” huỷ thi để tránh bị động, thậm chí, dịch bệnh nghiêm trọng, học sinh năm nay phải chấp nhận phương án huỷ thi.
Hôm qua, 14/4, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ 2 phương án cụ thể: Nếu học sinh đi học trở lại trước ngày 15/6 sẽ tổ chức thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8; Ngược lại trong trường hợp bất khả kháng, Bộ sẽ không tổ chức kỳ thi này mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.
HÀ LINH
tienphong.vn – 15/04/2020
Bài viết liên quan
- Covid-19: Không thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất
- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói gì về thi THPT quốc gia?
- Trình phương án không thi THPT quốc gia
- Thông tin mới nhất về việc bỏ hay không kỳ thi THPT Quốc gia từ đại diện Bộ GD-ĐT
- Đại học Kinh tế quốc dân lên phương án dự kiến tổ chức thi riêng