Các trường sư phạm kiến nghị khẩn cấp tới Thủ tướng

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam vừa có kiến nghị, trong đó có nhiều kiến nghị khẩn cấp, lên Thủ tướng liên quan tới việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. 

846
  Tải tài liệu

Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở sư phạm trên qui mô toàn quốc, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam xin đề xuất một số kiến nghị, kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng như sau:

 Trước mắt, giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐHSP địa phương, các trường /khoa CĐSP địa phương.

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường); Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.

Bộ GD&ĐT quy định các chuẩn của chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Việc  nâng chuẩn trình độ của giáo viên phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.

Về lâu dài, các cơ sở sư phạm nên từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương /cao đẳng cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động và  huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở GDĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn.

Đối với  Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần  xây dựng chiến lược & quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên; Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐHSP/ĐH giáo dục trọng điểm.

Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học,tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường THPT trên phạm vi toàn quốc.

Ủy ban ND tỉnh/TP trực thuộc TW quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, TH và THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, TH và THCS trong địa phương. Các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển hoặc đào tạo chồng chéo.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, quy hoạch các trường CĐSP địa phương trong khi thực hiện các Nghị quyết 39-NQ/TW (khóa XI) và Nghị quyết 18-NQ/TW (khóa XII);

Đồng thời, chỉ đạo các Sở GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường CĐSP tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ; Chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ (VTEP, Cục Nhà giáo và Cán bộ QLGD, Vụ Đại học,…) chọn cử giảng viên các trường CĐSP địa phương tham gia tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cốt cán.

Sinh viên sư phạm thất nghiệp do quy mô tuyển sinh lớn

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của giáo dục đất nước, cùng với các trường sư phạm trung ương, hệ thống các trường sư phạm địa phương đã hình thành từ nhiều thập kỷ qua và liên tục được mở rộng.

Cho tới những năm gần đây, tham gia vào việc đào tạo giáo viên cho giáo dục mầm non và phổ thông đã có: 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa cao đẳng sư phạm và 3 trường trung cấp sư phạm; với quy mô tuyển sinh hàng năm là vào khoảng 23.000 sinh viên đại học sư phạm chính qui và khoảng 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính qui.

Với qui mô như vậy, trong nhiều năm qua có tình trạng nhu cầu các giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm, dẫn tới hậu quả số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng lên liên tục.

Do đó, ngành giáo dục hiện đang phải triển khai nhiều biện pháp nhằm sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, trước hết là các trường sư phạm địa phương, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo sinh và bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống trường sư phạm.

Cùng với chủ trương “đại học hóa” đội ngũ giáo viên phổ thông, đang có xu hướng tập trung giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm.

Hiệp hội cho rằng đây là những chủ trương đúng nhưng cần có bước đi thích hợp. Với quan điểm như vậy, ngày 17/12/2018 Hiệp hội đã gửi Công văn Số 110/HH-NC&PTCS tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị “…trong khi chưa phê duyệt mạng lưới, xin Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền”.

Quy hoạch mới cần lưu ý 3 điểm quan trọng

Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng khi khi xây dựng quy hoạch mới cho hệ thống các trường sư phạm cần lưu ý 3 điểm:

Thứ nhất, Hệ thống trường sư phạm đã trải qua nhiều bước thăng trầm do các biến động về nhu cầu giáo viên: có lúc tăng đột biến về quy mô (dẫn tới việc ra đời ồ ạt nhiều trường sư phạm mới) nhưng cũng có lúc bão hòa, thậm chí tụt giảm như hiện nay, dẫn tới ý định vội vàng muốn giải thể hàng loạt trường sư phạm.

Tương tự, kinh nghiệm thế giới, đặc biệt ở các quốc gia mà phần đông giáo viên phục vụ trong khu vực công theo chế độ viên chức, thường có sự biến động trong nhu cầu giáo viên theo qui luật lượn sóng. Từ đó dẫn tới khuynh hướng phải duy trì sự tồn tại ổn định của các đơn vị đào tạo giáo viên (cho dù tồn tại độc lập hoặc nằm trong một cơ sở đào tạo đại học đa lĩnh vực).

Thứ hai, Trình độ chuẩn của đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông đã nhiều lần được điều chỉnh theo hướng tăng dần có lộ trình, chứ không phải chịu điều chỉnh đột ngột.

Thứ ba, Đã từng có sự phân tầng, phân cấp quản lý và phân công trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường sư phạm: các đại học sư phạm chịu trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên THPT, các trường CĐ và TC sư phạm chịu trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở, tiểu học và mầm non theo yêu cầu của địa phương.

 Đây là một kinh nghiệm rất quan trọng cần được các nhà quản lý vĩ mô lưu tâm để giữ ổn định cho hệ thống trường sư phạm.

Nhật Hồng
dantri.com.vn – 04/05/2019

Bài viết liên quan

846
  Tải tài liệu