Đào tạo nghề: Hơn 80% HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm

Phân bố nghề chưa đều

Xử phạt nghiêm cán bộ làm sai

663
  Tải tài liệu

Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2012, cả nước có 1.328 cơ sở dạy nghề và trên 1.000 cơ sở giáo dục, đào tạo khác có tham gia hoạt động dạy nghề. Tổng số tuyển sinh học nghề trong năm (tính đến 15/12) là 1.493.379 người, đạt 78,6% kế hoạch.

Phân bố nghề chưa đều

Trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề, có 84.381 người theo học cao đẳng (đạt 83% so với đăng ký), trung cấp 128.831 người (giảm 9% so với năm 2011), sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 1.280.167 người (giảm 17,52% so với năm 2011). Cũng theo thống kê, có khoảng 17.000 người đi học được vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh - sinh viên (HSSV); có 201.000 người thuộc diện gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật...

Trong công tác tuyển sinh cao đẳng nghề, khu vực Đồng bằng sông Hồng tuyển sinh được 32.683 người (chiếm 38,7%); Trung du và miền núi phía Bắc tuyển sinh 4.860 người (5,7%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 15.964 người (18,9%); Đông Nam Bộ 23.083 người (27,3%); Đồng bằng sông Cửu Long 6.103 người (7,4%). Trong đó, số lượng HS học liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng là 3.399 người (chiếm 4% tổng số tuyển sinh cao đẳng nghề).

Điều đáng chú ý là số lượng HS đăng ký học nghề phân bố không đồng đều. Theo thống kê, các nghề được nhiều trường tập trung tuyển sinh và đào tạo chiếm tỷ lệ cao gồm điện công nghiệp (141 trường), công nghệ ô tô (105 trường), quản trị mạng máy tính (103 trường), hàn (106 trường), kế toán doanh nghiệp (159 trường)... Trong khi đó, một số nghề đặc thù mà nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu cao lại rất khó tuyển sinh như nghề lái tàu đường sắt, luyện kim màu, khai thác mỏ...

Về tuyển sinh trung cấp nghề, cả nước tuyển được 128.831 người, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 35.606 người (chiếm 27,6%); Trung du và miền núi phía Bắc tuyển 23.836 người (18,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 34.589 người (26,8%); Tây Nguyên 5.589 người (4,3%); Đông Nam Bộ 19.114 người (14,8%) và Đồng bằng sông Cửu Long là 10.907 người (8%).

Cũng giống như bậc cao đẳng, các trường trung cấp nghề tập trung đào tạo một số nghề như điện công nghiệp (143 trường), công nghệ ô tô (98 trường), hàn (123 trường), kế toán doanh nghiệp (105 trường)...

Ở trình độ sơ cấp, năm 2012, các trường tuyển sinh được 913.732 người, trong đó, Đồng bằng sông Hồng tuyển được 226.188 người (chiếm 24,7%); Trung du miền núi phía Bắc 117.397 người (12,8%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 181.101 người (19,8%); Tây Nguyên 37.660 người (4,1%); Đông Nam Bộ 248.556 người (27,2%); Đồng bằng sông Cửu Long 102.830 người (11,4%). Khác với trình độ cao đẳng và trung cấp, ở hệ sơ cấp, các nghề đào tạo rất đa dạng theo nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi cho biết: "Hiện, mạng lưới dạy nghề phát triển khá nhanh và phân bố rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề được tăng cường, đảm bảo đầy đủ thiết bị thực hành cơ bản. Công tác tuyên truyền về dạy nghề cũng được Trung ương và địa phương chú trọng. Đặc biệt, có trên 80% HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề đào tạo và thu nhập ổn định. Mặc dù nền kinh tế thế giới cũng như trong nước tăng trưởng chậm nhưng nhu cầu lao động có tay nghề vẫn cao, do vậy HSSV vẫn có nhiều cơ hội tìm việc làm sau đào tạo".

Tuy nhiên, Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhận, một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của dạy nghề trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, vẫn chưa có cơ chế, chính sách bắt buộc doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Các trường đại học, cao đẳng mở ra nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh tăng, điểm chuẩn hạ thấp..., thu hút phần lớn HSSV vào đại học, cao đẳng. Trong khi đó, đời sống giáo viên dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn nên họ chưa yên tâm gắn bó lâu dài với nghề...

Xử phạt nghiêm cán bộ làm sai

Để công tác tuyển sinh, dạy nghề đạt hiệu quả hơn, Tổng cục Dạy nghề kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới cần có quy định để các trường đại học không tham gia dạy nghề mà tập trung đào tạo trình độ đại học. Các trường THPT cần sớm định hướng nghề nghiệp cho HS trước khi ra trường nhằm đẩy mạnh phân luồng HS. Ngoài ra, để làm tốt công tác dạy nghề, cần thống nhất nguồn lực để tổ chức tuyên truyền, thiết lập mạng lưới tuyển sinh đến cấp huyện. Tiếp tục triển khai một số chính sách của Nhà nước như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho phụ nữ; đồng thời hoàn thiện chính sách giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho HSSV, người lao động.

Tổng cục Dạy nghề cho biết, năm 2013 sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù dành cho các trường dạy nghề như hỗ trợ kinh phí độc hại cho HS trường nghề. Tổng cục cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ dạy nghề theo nhu cầu, không theo số lượng và nên có sự phân luồng HS. Tổng cục sẽ kết hợp nhiều cơ quan chức năng tăng cường giám sát chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sẽ xử phạt mạnh cán bộ làm sai, đóng cửa cơ sở dạy nghề không làm đúng quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Dạy nghề yêu cầu các trường chỉ được tuyển sinh các nghề đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Việc tuyển sinh đào tạo liên thông giữa các cấp trình độ dạy nghề, liên kết đào tạo nghề với cơ sở đào tạo nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các trường cần tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng và đăng ký đào tạo thí điểm một số nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Ngoài việc tổng kết công tác tuyển sinh dạy nghề năm 2012, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự thảo Luật Dạy nghề, theo đó các ý kiến tập trung vào 9 vấn đề chính. Cụ thể, thời gian học trung cấp nghề có hai loại: trung cấp nghề bậc 1 và trung cấp nghề bậc 2 (bậc 1 không cần học văn hóa phổ thông; bậc 2 dành cho người tốt nghiệp THPT và THCS nhưng phải học thêm văn hóa phổ thông); thời gian thực học tối thiểu 300 giờ; khung chương trình; quy định liên kết dạy nghề, bảo đảm huy động mọi nguồn lực của các cơ sở dạy nghề cho hoạt động dạy nghề; quy định giáo viên dạy nghề chỉ còn 2 loại: giáo viên dạy tích hợp (lý thuyết và thực hành) và giáo viên thực hành; quy định doanh nghiệp phải tham gia dạy nghề, trường hợp không tham gia được phải đóng góp khoản kinh phí tương ứng theo quy định; vấn đề kiểm định chương trình dạy nghề và tổ chức kiểm định độc lập; vấn đề cụ thể về nội dung chương trình, hình thức, tổ chức dạy nghề thường xuyên để lấy văn bằng, chứng chỉ ở các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng khác; đánh giá kỹ năng nghề (thực hiện hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia).

Duy Phong

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Bài viết liên quan

663
  Tải tài liệu