Cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ: Thêm cơ hội trúng tuyển
Cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ: Thêm cơ hội trúng tuyển
Trước nhiều thắc mắc về những cải tiến trong tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng trong tuyển sinh 2012, ngày 1-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định việc cải tiến không làm xáo trộn bất cứ lựa chọn nào trước đó mà chỉ tăng thêm cơ hội cho thí sinh.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, bộ và các trường vẫn duy trì khối thi truyền thống mà trường đã và đang tuyển sinh. Bên cạnh đó sẽ mở rộng thêm khối thi bằng cách tổ hợp các môn thi của các khối khác nhau để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và các trường có điều kiện chọn thí sinh vào ngành nghề phù hợp.
Chỉ cần thi thêm một môn
Theo đó, những thí sinh thi khối A đợt 1 nếu chọn thêm khối C, D đợt 2 thì sẽ có thêm cơ hội thứ ba vào trường ĐH có tuyển sinh khối thi mới gồm toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ thông qua việc tích hợp điểm môn văn (khối C) hoặc ngoại ngữ (khối D) với điểm môn toán và vật lý (khối A).
Song với nhiều thí sinh chỉ có ý định thi khối A, lại có thêm nguyện vọng được thi vào ngành có tuyển khối thi bổ sung gồm ba môn toán, lý, ngoại ngữ hoặc toán, lý, văn tỏ ra băn khoăn vì không biết sẽ phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn văn của khối C hoặc D theo cách nào.
Ông Ga cho biết ở trường hợp này, thí sinh có thể chỉ cần thi thêm môn văn (khối C) hoặc môn ngoại ngữ (khối D) ở trường có tổ chức thi các khối này để tích hợp điểm vào thành khối thi mới. Tuy nhiên, quyết định chính thức sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14-1-2012.
Dù còn tiếp tục bàn thảo nhưng nhiều trường đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương tổ hợp các môn thi và dự kiến sẽ áp dụng từ tuyển sinh 2012. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, khẳng định trường sẽ tuyển sinh theo khối mới toán, lý, ngoại ngữ cho ngành công nghệ thông tin. PGS Bình cho biết: “Dù tuyển song song khối thi mới và khối A truyền thống, nhưng thí sinh chỉ có thể lựa chọn thi hoặc khối A hoặc khối mới khi đăng ký vào một ngành. Nếu để thí sinh thi khối A rồi thi thêm môn ngoại ngữ lại được xét tuyển hai lần cho cùng một chuyên ngành sẽ rất rắc rối, các em phải xác định rõ ngay từ đầu sẽ thi vào trường bằng ba môn toán, lý, hóa hay toán, lý, ngoại ngữ”.
Chưa thể thi 6 môn Riêng về thông tin bộ có thể tổ chức sáu môn thi trong cùng một đợt thi để học sinh tự chọn môn thi theo yêu cầu của trường muốn thi tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định chắc chắn phương án này không được thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh 2012, cũng như mùa tuyển sinh 2013 sau đó |
Ngoại ngữ “lên ngôi”
PGS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng nhất trí với ý kiến của số đông các trường về việc cải tiến tuyển sinh theo hướng đổi khối thi. Bà Quỳ nói nếu Bộ GD-ĐT cho phép mở rộng thêm các khối thi theo tổ hợp các môn, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ cân nhắc chọn phương án thi môn toán, lý, ngoại ngữ hoặc văn, sử, ngoại ngữ.
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng ngoài các khối thi truyền thống cần thêm tổ hợp các môn thi để làm phong phú thêm sự lựa chọn của thí sinh. “Bên cạnh các khối thi truyền thống, nếu thêm các tổ hợp trường sẽ cân nhắc ở nhóm ngành kinh tế có thêm tổ hợp toán, lý, ngoại ngữ” - ông Hoàn cho biết.
Về phương án xây dựng tổ hợp các môn thi, TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Nếu có sự thay đổi trong tuyển sinh, trường sẽ quan tâm nhiều đến môn ngoại ngữ. Vì trên thực tế, nhu cầu sử dụng ngoại ngữ như một công cụ quan trọng trong việc học các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Có thể môn ngoại ngữ là môn thay thế một môn thi ở một số ngành”.
Theo TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thực tế trước khi có tuyển sinh “3 chung”, trường đã thực hiện tuyển sinh bằng tổ hợp các môn thi ở nhóm ngành kinh tế gồm toán, lý, ngoại ngữ.
Ông Thư cho rằng phương án cải tiến mới mà Bộ GD-ĐT vừa công bố là cách thức mềm dẻo cho thí sinh cũng như nhu cầu tuyển sinh của các trường.
“Thực tế, một số ngành của trường tuyển sinh khối A trong quá trình đào tạo không cần kiến thức môn hóa nhưng thí sinh vẫn phải thi môn này là không cần thiết. Nhà trường cũng sẽ xem xét lại để bỏ môn hóa ở một số ngành, thay vào đó là môn ngoại ngữ hoặc có thể thi thêm môn văn. Theo tôi môn văn thật sự rất cần thiết với rất nhiều ngành học” - TS Thư nói.
TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cũng cho rằng tại trường này có các ngành cần phải tuyển sinh những môn bên ngoài các khối thi truyền thống hiện nay như ngành báo chí thi văn, sử, năng khiếu vẫn tốt hơn thi các môn khối C.
Dè dặt “tuyển sinh riêng” Trong chương trình cải cách tuyển sinh 2012, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ giao quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho các ĐHQG, các trường ĐH vùng, ĐH trọng điểm, tạo điều kiện cho các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, tách khỏi cơ chế “ba chung” lâu nay của bộ. Tuy nhiên, khi được hỏi, phần lớn các trường đều rất dè dặt khi nói đến phương án tuyển sinh riêng. Ông Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết cải tiến của bộ là những thay đổi lớn cho mùa tuyển sinh mới, nhưng đến giờ trường vẫn chưa thể trình được phương án tuyển sinh riêng. Riêng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội đã có những bước đi rất cụ thể để chuẩn bị đưa ra phương án tuyển sinh riêng, có thể được thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh 2012. Hiện tại, trường đã có công văn gửi tới từng khoa xin đóng góp ý kiến trước khi trình một bản đề án hoàn chỉnh lên Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, theo ThS Tạ Quang Lâm - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đến nay nhà trường vẫn chưa có phương án tuyển sinh riêng chính thức nào vì hiện Bộ GD-ĐT chưa có văn bản cụ thể nào về việc này. Năm 2012, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tuyển sinh theo “3 chung” của Bộ GD-ĐT. Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, mong mỏi: “Nhiều trường cùng làm, cùng đưa ra phương án tuyển sinh riêng thì việc công nhận kết quả lẫn nhau sau này giữa các trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh trong quá trình xét tuyển”. |
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
02/12/2011 – tuoitre.vn