Áp lực chọn nghề
Kỳ thi THPT quốc gia với kết quả bài làm ra sao có ý nghĩa quyết định hết sức lớn với những thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều học sinh cuối cấp trung học phổ thông vẫn chưa biết chọn nghề, chọn trường sao cho đúng.
Với không ít bạn trẻ, việc đăng ký xét tuyển vào một trường đại học nào đó chỉ là theo tâm lý chung của bạn bè, chứ hoàn toàn không biết mình thích làm nghề gì nữa. Lại có bạn đưa ra câu trả lời rất đơn giản: “Bố mẹ em quyết định cho em theo học ngành này rồi!?”.
Áp lực chọn nghề đối với học sinh là rất lớn. GS. TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội, đã phải thốt lên: “Trường tôi có thế mạnh về đào tạo các ngành khoa học cơ bản và đưa ra rất nhiều học bổng cho các ngành này. Nhưng thật đáng tiếc trong 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường có tới 800 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành kinh tế. Nhiều khảo sát của các trường đại học và doanh nghiệp cho rằng ước tính có khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học. Điều này gây rất nhiều lãng phí cho bản thân các em, gia đình và cả xã hội”.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các bậc phụ huynh tham gia vào việc chọn ngành, chọn trường cho con em là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, các vị chỉ nên dừng lại ở mức độ tư vấn chứ đừng áp đặt. Chính vì sự áp đặt của các bậc phụ huynh đã khiến không ít bạn trẻ miễn cưỡng theo học ngành học mà mình không thích một thời gian, sau đó thấy nhàm chán, kết quả học tập không tốt. Có bạn học xong chương trình đại học lại đi làm ngành nghề khác mà mình yêu thích. Lại có bạn học giữa chừng bỏ để theo học ngành, trường khác đúng với sở trường và năng lực của mình.
Có ý kiến từ phụ huynh nhờ tư vấn khiến chuyên gia tuyển sinh giật mình vì không phải là tư vấn để con học ngành, trường nào đó cho phù hợp mà là nhờ khuyên giúp làm sao để con thi vào ngành học mà lĩnh vực này là thế mạnh của gia đình. Phụ huynh đó đã quá áp đặt suy nghĩ của mình mà không nghĩ rằng theo học tài chính – ngân hàng mà bạn trẻ đó không thích, tốt nghiệp ra trường chắc cũng khó mà say mê được. Nhưng nếu theo học công nghệ thông tin là ngành bạn đó thích, thì với ham thích học tập và với niềm say mê công việc, rất có thể bạn đó thành công, trở thành một lập trình viên, kỹ sư giỏi.
Lời khuyên của cha mẹ, hãy nên dừng ở mức khuyên nhủ, tư vấn, chứ đừng quá áp đặt để các bạn trẻ thấy áp lực chọn nghề với mình là quá nặng nề. Thực tế, khi đưa ra áp lực chọn nghề cho con, các bậc phụ huynh cũng phải đối mặt với những căng thẳng vì mình và con không tìm được tiếng nói chung.
Vẫn biết, không phải định hướng nào của bố mẹ cũng sai vì hơn ai hết để họ hiểu được năng lực, khả năng của con, nhưng cũng không nên vì thế mà gây áp lực con em quá mức, theo kiểu ép con cái phải thi vào ngành nghề mà các bậc phụ huynh cảm thấy “có triển vọng”. Điều nên làm là để con tiếp cận với ngành nghề mình định hướng, để con tìm hiểu đây có phải là nghề mình thích hay không. Việc định hướng là quyền của cha mẹ, nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, gợi ý còn quyết định vẫn thuộc về con.
Tâm An
giaoducthoidai.vn – 05/07/2019