“Thả cửa” cho các trường đại học sử dụng giảng viên thỉnh giảng?

Xem xét, nghiên cứu bỏ quy định tỉ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên (GV/SV) để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh là vấn đề được nhiều trường quan tâm và đề xuất tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị báo cáo việc triển khai Nghị quyết 77 của Chính phủ về việc thí điểm tự chủ tổ chức sáng 18.3.

762
  Tải tài liệu

Giáo dục đang tự làm khó mình

Trong đề xuất kiến nghị của các trường gửi đến hội nghị đã nêu lên bất cập trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số GV/SV. Các trường cho rằng nếu áp dụng máy móc theo quy định này, nhiều đơn vị không thể mở ngành, xác định chỉ tiêu vì không có đủ số giảng viên và đúng chuyên ngành của giảng viên cơ hữu theo các trình độ quy định là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ...

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ nhận được nhiều thắc mắc từ lãnh đạo các trường đại học về những bất cập trong quy định này của Bộ GDĐT. “Trong khi đó, các trường đại học quốc tế tại Việt Nam thiếu giảng viên cơ hữu vẫn mời giảng viên ở nước ngoài theo chế độ thỉnh giảng vào để dạy, tại sao họ “lách” được mà chúng ta lại làm khó cho các trường trong nước?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Cùng suy nghĩ trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho rằng, những quản lý của Bộ GDĐT hiện nay nó có nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Từ thực tế các trường trực thuộc Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh tin rằng, hiệu trưởng các trường tự chủ khác đều không đồng tình quy định này của bộ. Điều quan trọng là chất lượng đầu ra và xã hội thẩm định. Việc có nhận thỉnh giảng đó không là do các trường, hãy tạo ra cơ chế để các trường phát triển và tiệm cận quốc tế.

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, nước ta hiện nay quản lý giáo viên thỉnh giảng rất khó, mà có thực tế “1 người thỉnh giảng cả 10 trường”. Nếu “thả cửa” cho các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng với số lượng lớn thì sẽ dẫn đến tình trạng các trường ồ ạt tuyển giảng viên để mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định. Lúc đó, Bộ GDĐT khó có thể quản lý được chất lượng đào tạo của các trường khi các trường chạy theo lợi nhuận mà không giữ hình ảnh bằng chất lượng.

Cần quy định chỉ tiêu tuyển sinh

Ông Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước bác bỏ quan điểm của Bộ GDĐT: “Bản thân chúng ta có quy định biên chế là cứng nhắc. Trong Hội đồng chức danh nhà nước có quy định cả cơ hữu và thỉnh giảng. Các trường ĐH cũng phải cho các thầy tính cả phần cứng và mềm. Những người giỏi thì họ đi khắp nơi giảng dạy đó thôi. Theo tôi, nên áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo viên thỉnh giảng”.

Với kinh nghiệm tổ chức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm: Bộ GDĐT nên bỏ quản lý theo kiểu kiểm đếm cụ thể, nặng về hành chính, thay vào đó tăng cường giám sát chất lượng đầu ra.

Lắng nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thủ tướng tiếp tục chất vấn Bộ GDĐT về việc bộ bất lực trong quản lý giảng viên thỉnh giảng. Theo ông Đam, ở nước ngoài cũng có phân biệt giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng nhưng không phân biệt tỉ lệ. Họ cũng có giáo viên thỉnh giảng tại sao họ không quản mà mình lại quản? Việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng không vướng luật, không vướng nghị định mà chỉ vướng ở bộ? “Các đồng chí hãy nghĩ xem có cách dùng công thức nào, thay vì quản lý cái này ta quản lý bằng cái khác mà vẫn đảm bảo chất lượng được không, nếu đảm bảo được chất lượng thì ta làm” - Phó Thủ tướng nói.

Giải quyết những lo âu của Bộ GDĐT về tăng chỉ tiêu tuyển sinh, 13 trường tự chủ đều đồng ý cam kết trong vòng 3 năm tới sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo quá 10%, thậm chí nhiều trường khẳng định không tăng.

“Nếu 13 trường tự chủ này đều cam kết không tăng chỉ tiêu thì Bộ GDĐT cần tháo gỡ về quy định giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng” - ông Đam chỉ đạo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nếu các trường cam kết không tăng và công khai chỉ tiêu cố định, nếu tăng cũng phải theo lộ trình hợp lý thì bộ hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích các trường mời nhiều giảng viên thỉnh giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị cần áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý danh sách các giảng viên thỉnh giảng và giao Bộ GDĐT sớm có quy định cụ thể.

Nguyễn Huyên (laodong.com.vn – 19/03/2016)

Bài viết liên quan

762
  Tải tài liệu