Luyện thi đại học cấp tốc: “Treo đầu dê, bán thịt chó”
Quảng cáo hay, lệ phí “khủng”, nhưng...
… chất lượng kém
19/06/2012
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kỳ thi đại học bắt đầu, đây là giai đoạn nước rút nên khá nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh chọn các lò luyện thi đại học làm nơi “gửi vàng”. Tuy nhiên, ngoài một số lò có chất lượng, có không ít nơi thực chất “treo đầu dê…”.
Quảng cáo hay, lệ phí “khủng”, nhưng...
Tại các phố như Tạ Quang Bửu, Chùa Bộc (quận Hai Bà Trưng), Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)... tập trung khá nhiều lò luyện thi cấp tốc. Các lò này đã khai giảng được hơn 1 tuần (từ ngày 6.6), song do nắm bắt được việc các trường đang công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng sĩ tử ngoại tỉnh sẽ kéo lên thành phố ôn thi nên các lò vẫn tung đủ các chiêu quảng cáo để hút sĩ tử.
Trong một con ngõ nằm cạnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng có tới 4 lò luyện thi cấp tốc. Ngay đầu ngõ đã bắt gặp một “bàn tiếp sinh” của trung tâm Bình Du. Tại đây treo hai bảng to đề lịch học kèm quảng cáo: “Trung tâm có đội ngũ giáo viên giỏi, kinh nghiệm lâu năm, nhiệt tình trong giảng dạy”.
Nhân viên túc trực ở đây cũng khẳng định: “Các thầy giỏi nhất của Trường ĐH Sư phạm dạy ở đây cả. Yên tâm đi, hằng năm tỉ lệ đậu đại học khi luyện thi ở trung tâm này là 90% đấy!”.
Để cạnh tranh, các lò khác trong ngõ này cũng tung ra các chiêu quảng cáo khác: “Phòng học thoáng mát, có điều hòa, máy chiếu, ít học sinh...”.
Qua khảo sát thì phí đăng ký ôn cấp tốc tại các trung tâm này khá cao. Nếu tại các trung tâm Bình Du (ngõ 175 Xuân Thủy), trung tâm luyện thi đại học Số 1 và Số 17 (ngõ 336 Nguyễn Trãi), trung tâm N5 (ngõ 30 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng)... giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/ca/1,5h đã được gọi là mềm thì tại nhiều lò luyện cấp tốc khác có giá tới 50.000 đồng/ca (trung tâm Đức Phúc ở Xuân Thủy, Cầu Giấy).nThậm chí có nơi còn thu tới 60.000 – 70.000đồng/ca, với giải thích là “tiền nào, của ấy”.
Như vậy, để theo học đủ một khóa cấp tốc (3 môn) tại một lò luyện chất lượng trung bình thì mỗi sĩ tử phải bỏ ra gần 2 triệu đồng.
… chất lượng kém
Sáng 13.6, PV có mặt tại phòng ôn cấp tốc môn hình học của trung tâm luyện thi N5. 8h mới vào học nhưng từ 7h30 sĩ tử đã kéo đến chật căn phòng rộng khoảng 60m2. Hưng - quê ở Phủ Lý, Hà Nam - cho biết: “Đến sớm một tí còn hơn tí nữa không có chỗ mà ngồi”.
Để tiết kiệm diện tích, các bàn ghế ở đây được thiết kế siêu mini: Bàn chỉ rộng 20cm, dài 1m nhưng có tới 2 -3 người ngồi. Lớp với hơn 120 người học nhưng chỉ có 8 quạt trần chạy, còn 2 chiếc điều hòa không khí không hoạt động.
Hơn 8h10, giáo viên mới đến và dạy liền một mạch, chủ yếu là ra đề và tự giải.
Đến 9h20 thầy giáo cho học sinh nghỉ. Như vậy ca học 1h30 phút đã bị “ăn bớt” tới 20 phút. Trong khi đó ở bên ngoài, một người đàn ông dùng loa liên tục hối thúc học sinh ra thật nhanh để trả phòng cho ca học môn đại số.
Tại trung tâm Số 17 (ngõ 336 Nguyễn Trãi), hai ca liên tục của môn sử (từ 7h30 đến 10h30) các học sinh ôn luyện tại đây không có thời gian nghỉ bởi giáo viên chỉ làm nhiệm vụ đọc để học sinh chép. Do quá mệt và nhàm chán nên chỉ sau 30 phút, một số sĩ tử bắt đầu gục đầu xuống bàn ngủ.
Còn tại trung tâm Bình Du (ngõ 175 Xuân Thủy), phòng “luyện cấp tốc” nhếch nhách như nhà kho. Bờ tường bong tróc, dưới nền la liệt rác... Phía cuối là nơi chứa bàn ghế gãy, xe máy cũ. Dù nhiệt độ trong phòng khá cao nhưng chỉ có 4 quạt trần chạy lờ đờ, 2 chiếc bị hỏng. Học sinh ở đây phải dồn vào những nơi có quạt để ngồi, số còn lại thi nhau dùng vở để quạt.
Các học sinh ôn thi tại đây còn cho biết, ở các tầng trên còn nóng hơn bởi có thể “đếm được cánh quạt trần khi đang quay”. Việc ôn luyện tại lò luyện này cũng khá hời hợt, giáo viên giao đề cho học sinh làm rồi ra ngoài, mặc kệ học sinh chạy lung tung trao đổi bài.
Không ít sĩ tử trót đóng một khoản tiền lớn để khi vào ôn trong các lò luyện cấp tốc rồi mới nhận ra sự thật không như những gì họ quảng cáo. Kết quả là vừa mất tiền, vừa mất một khoảng thời gian vô cùng quý báu vào những lò luyện cấp tốc kém chất lượng. Chính việc cấp giấy phép tràn lan và buông lỏng quản lý đang tạo điều kiện cho nhiều trung tâm luyện thi thực hiện nhiều “chiêu trò” chỉ để nhằm “móc túi” sĩ tử mà không cần quan tâm đến đạo đức nghề giáo.
Về việc một số lò luyện thi quảng cáo có những thầy cô là giảng viên dạy giỏi từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, PV Báo Lao Động đã đến văn phòng các khoa Ngoại ngữ, Hóa, Văn, Sử của ĐH Sư phạm Hà Nội để kiểm chứng và nhận được kết quả hết sức bất ngờ: Hầu hết các khoa đều khẳng định khoa mình không có giảng viên nào tên như trong quảng cáo của các trung tâm.
Cụ thể: Khoa Tiếng Anh không có giảng viên nào tên là Nguyễn Kim Tuyến như quảng cáo của trung tâm luyện thi Đức Phúc; khoa Hóa không có thạc sĩ Vũ Dũng như quảng cáo của trung tâm luyện thi Số 01. Còn tại khoa Sử có giảng viên tên là Hương nhưng cô này chưa hề đi dạy tại lò luyện thi đại học nào, song vẫn bị đưa tên vào danh sách giáo viên luyện cấp tốc ở trung tâm Số 17...
Chí Công – Phan Dương
laodong.com.vn