Đào tạo nghề mới - cần phù hợp nhu cầu xã hội

Sau 2 giai đoạn dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM gặp khó khăn, đóng cửa, buộc phải chấm dứt hợp đồng hàng ngàn lao động. Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, số đông người thất nghiệp lại không mặn mà, nguyên nhân vì sao?

1171
  Tải tài liệu

Bất cập mức hỗ trợ
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM và 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN, các quận 4, 6, 9, 12, Tân Bình và huyện Củ Chi) thuộc trung tâm, tiếp nhận hàng ngàn lượt NLĐ đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại các quầy nhận hồ sơ, nhân viên tất bật phát hồ sơ và hướng dẫn NLĐ thủ tục đăng ký. Riêng quầy đăng ký học nghề cho lao động thất nghiệp… số người quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. 9 tháng đầu năm 2020, trung tâm tiếp nhận 137.951 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có gần 2.300 người thất nghiệp đăng ký và học nghề. 

Lĩnh trợ cấp thất nghiệp, anh Nguyễn Thanh Nghị (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) tìm đến một số trường dạy lái xe định đăng ký học nghề. Thế nhưng, anh khá thất vọng khi thấy chi phí học lái xe khá cao, khoảng 10 triệu đồng/khóa, trong khi mức hỗ trợ học nghề tối đa chỉ 1 triệu đồng/người/tháng. “Mức hỗ trợ quá thấp, trong khi để theo học cho đến lúc có bằng tôi phải mất rất nhiều chí phí khác. Do vậy, tôi từ bỏ ý định trở thành tài xế”, anh Nghị nói. Cùng tâm tư, chị Vũ Tố Lan (phường 7, Gò Vấp), sau khi mất việc làm tại Công ty cổ phần Giày da Huê Phong, chị cũng được hỗ trợ học nghề theo nhu cầu. Tuy nhiên, giống với anh Nghị, chị cũng từ chối cơ hội học nghề và trở lại công việc cũ ở một cơ sở may gần nhà. 

Ở góc độ đào tạo, các trường nghề của TPHCM có chung nhận định, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM đã đào tạo được gần 340 lao động thất nghiệp/20 chương trình nghề sơ cấp. Nhưng theo TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng nhà trường, số lao động thất nghiệp theo học nghề còn quá ít. Bên cạnh đó, nhiều lao động muốn học những ngành nghề có cơ hội việc làm tốt hơn, ổn định hơn thì gặp khó khăn về tài chính, thời gian… 

Cần dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác

Theo quy định hiện hành, NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì được hỗ trợ học nghề. Mức hỗ trợ này được cụ thể hóa tại Điều 3, Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng/khóa học. 

Ông Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật quận 12 cho rằng, mức hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp như vậy là quá thấp. 

Ông Trần Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, cho rằng, hỗ trợ học nghề là một điểm ưu việt trong chính sách BHTN, rất cần thiết đối với người thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả hơn, Bộ LĐTB-XH cần tham mưu cho Chính phủ nâng mức hỗ trợ học nghề, chi phí đi lại cho người thất nghiệp. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề cần có thêm ngành nghề mới phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch học linh hoạt, phù hợp với thời gian của NLĐ và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí cao. 

Theo ông Tuấn, các ngành chức năng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp để NLĐ dễ tìm việc làm sau khi được đào tạo. Trung tâm dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố. 

“Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 170.000 lượt người và tạo ra gần 79.000 việc làm mới. Hiện Sở LĐTB-XH  đang có nhiều phương án giúp lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp, trong đó phương án tối ưu nhất là tổ chức cho NLĐ được học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Sở cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan tăng cường mở nhiều sàn giao dịch việc làm để giúp nhiều người tìm được việc làm mới phù hợp”,  ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay.

Thay đổi tư duy trong đào tạo nghề

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Tấn Dũng vừa dẫn đầu đoàn công tác làm việc với một số trường nghề trên địa bàn TPHCM liên quan tới công tác dạy và học. 

TS Phạm Lộc Hữu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, cho biết, hàng năm trường tuyển sinh trên 6.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình “đào tạo kép”, có sự đồng hành của gần 1.000 doanh nghiệp, hầu như học sinh ra trường có việc làm ngay với mức lương dao động 7 - 15 triệu đồng/người/tháng. Trường Cao đẳng Nghề TPHCM hiện đang đào tạo 14 ngành nghề, bảo đảm đầu ra cho học viên, sinh viên. Chương trình đào tạo được trường xây dựng 70% thời lượng là thực hành nên ngay khi tốt nghiệp, người học có thể “nhập cuộc” ngay vào môi trường làm việc của doanh nghiệp, không phải đào tạo lại. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý, lao động trong nước phải cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay chính trên sân nhà. Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi tư duy hiện tại về nghề nghiệp. Do đó, các trường cần phải có tầm nhìn xa, chiến lược phát triển cụ thể, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên để bứt phá, trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao của TPHCM. 

Dịp này, Công ty Mitsubishi cũng đã trao tặng 1 ô tô cho Trường Cao đẳng Lý Tự trọng nhằm hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu về công nghệ cho học sinh, sinh viên đang theo học tại trường. 

QUANG HUY

QUANG HUY - KIM HUYỀN
sggp.org.vn – 16/10/2020

Bài viết liên quan

1171
  Tải tài liệu