Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012: Nhiều điểm mới đang chờ quyết

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012: Nhiều điểm mới đang chờ quyết

940
  Tải tài liệu

Theo tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, năm nay bộ không tổ chức một hội nghị bàn riêng về vấn đề tuyển sinh mà sẽ tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngay trong những ngày tới.

Vấn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ là một nội dung quan trọng nằm trong khuôn khổ hội nghị này. Nhiều vấn đề dự kiến làm nóng không khí hội nghị.

Thêm khối A1

Xuất phát từ đề xuất của Bộ Thông tin - truyền thông cần thêm khối thi gồm các môn toán, vật lý, ngoại ngữ để tuyển sinh cho ngành công nghệ thông tin, năm 2012 Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung khối A1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết tuyển sinh khối A1 sẽ được bàn kỹ và quyết định tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Trong đó sẽ thảo luận về nhiều vấn đề: Bổ sung khối A1 có cần thiết không? Thí sinh dự thi khối A1 sẽ thi đợt 1 cả ba môn, trong đó đề ngoại ngữ được ra riêng cho khối thi này hay thí sinh có thể thi hai môn toán, lý khối A và thi thêm môn ngoại ngữ (khối D, đợt 2)? Việc sử dụng kết quả chung của khối A1 để xét tuyển thế nào? Thứ trưởng Ga nói môn ngoại ngữ của khối A1 là tiếng Anh. Theo đó, những thí sinh có năng lực ở các môn ngoại ngữ khác sẽ không có cơ hội dự thi khối này khi bộ chính thức quyết định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trước hội nghị, một lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục bày tỏ quan điểm chỉ nên tăng cơ hội cho thí sinh, không nên tăng khối thi. Nếu tăng khối thi sẽ có nhiều phức tạp. Tăng cơ hội có nghĩa thí sinh ngoài thi khối A (cơ hội 1) sẽ có thêm cơ hội 2 xét tuyển theo ba môn toán, lý, tiếng Anh (đề thi khối D). Và vấn đề nên bàn ở đây chỉ là cho phép thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh theo toán, lý, tiếng Anh chỉ cần thi khối A đủ ba môn và thi thêm môn ngoại ngữ ở khối D (đợt 2) hay bắt buộc phải thi cả ba môn khối D đợt 2.

Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước thềm hội nghị vẫn là “thêm khối A1” cùng đợt thi với khối A và môn tiếng Anh của khối này phải có đề riêng, không trùng với khối D thi sau đó.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều trường ĐH, CĐ khá dè dặt với khối A1 do chưa thống nhất được những yếu tố kỹ thuật cần thiết trong việc xét tuyển khi bổ sung khối này. Hoài nghi tuyển khối A1 không thu hút được thí sinh cũng là nỗi lo phổ biến của nhiều trường, đang cần được bàn thảo và giải thích tại hội nghị này.

Không khống chế số đợt xét tuyển

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sẽ không còn ba đợt tuyển sinh theo các nguyện vọng (NV) 1, 2, 3 như trước đây. Thay vào đó, các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển nhiều đợt khác nhau cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thời gian tuyển sinh kéo dài đến hết ngày 31-12.

Điểm đáng lưu tâm đối với thí sinh là các trường không bắt buộc phải ấn định điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Như vậy, các trường có thể xây dựng một điểm chuẩn duy nhất áp dụng cho tất cả các đợt xét tuyển. Về phía thí sinh, quy định trên có lợi hơn trước, nhưng đối với các trường đây cũng là vấn đề sẽ gây tranh cãi.

Nhiều trường ủng hộ quy định trên vì tránh được những rắc rối về mặt kỹ thuật, không bị khống chế nguồn tuyển do thời gian quy định ngắn, điểm chuẩn NV2, NV3 không thấp hơn điểm chuẩn NV1... Nhưng ý kiến trái chiều lại bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng quy định mới sẽ làm gia tăng thí sinh ảo.

Trong khi đó, nhiều thí sinh khấp khởi cho rằng việc không giới hạn nguyện vọng thì thí sinh dự thi và trúng tuyển NV1 rồi vẫn có thể đổi ý, muốn xét tuyển và nhập học ở các trường khác cũng không muộn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định việc gia tăng nguyện vọng không thể làm xáo trộn việc xét tuyển NV1 tại các trường: “Nếu thí sinh trúng tuyển NV1 đương nhiên sẽ chờ để trường gọi nhập học. Chỉ khi thí sinh không đủ điểm đậu NV1, trường tổ chức thi mới phát phiếu chứng nhận kết quả thi để thí sinh photo thành nhiều bản, đăng ký xét tuyển ở tất cả các trường khác mà điểm thi của thí sinh bằng hoặc hơn điểm xét tuyển NV2 của các trường đó”.

Với phương án mới cho phép thí sinh sử dụng bản sao giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển, thí sinh sẽ được nộp đơn vào nhiều trường, nhiều lần, gia tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn đơn vị đào tạo. Theo cách này, chỉ đến khi thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi gốc, có đóng dấu đỏ của đơn vị tổ chức thi, các trường mới xác định đó là sinh viên của mình.

Vẫn phải chờ điểm sàn

Khi bàn về những điểm đổi mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Bộ GD-ĐT đã đặt ra cải tiến cho phép các trường tuyển sinh ngay đối với những thí sinh đạt từ 16 điểm trở lên mà không cần chờ điểm sàn chung xét tuyển. Giải thích về dự kiến này, một lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng từ khi bộ xây dựng điểm sàn xét tuyển, chưa năm nào điểm sàn của các khối vượt quá 16 điểm. Vì vậy, nên để các trường tuyển sinh luôn với những thí sinh từ 16 điểm trở lên để rút ngắn thời gian tuyển sinh.

Tuy nhiên, khi trao đổi về phương án này, ông Bùi Văn Ga nói: “Sau khi bàn bạc, bộ quyết định chưa đưa ra quy định này trong năm 2012 để tránh gây căng thẳng cho thí sinh. Thực tế, từ khi các trường công bố kết quả thi đến khi bộ quyết định điểm sàn cũng chỉ có vài ngày. Do đó, nếu xét tuyển trước hay sau khi có điểm sàn cũng không gây ảnh hưởng lớn đến thời gian xét tuyển các trường”.

Sẽ không in cuốn Những điều cần biết...

Sẽ không in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 - đây là một trong những việc sẽ được bàn và thống nhất tại hội nghị hiệu trưởng. Trước đó, trong dự kiến những vấn đề về tuyển sinh sẽ được điều chỉnh, Bộ GD-ĐT sẽ không in và làm đầu mối phát hàng cuốn “cẩm nang tuyển sinh” trên. Việc thông tin về tuyển sinh, các trường sẽ chủ động thực hiện và được Bộ GD-ĐT cập nhật trên trang web của bộ.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không ủng hộ việc này, chủ yếu là các sở GD-ĐT. Theo một chuyên viên Vụ Giáo dục đại học, bộ phận biên soạn cuốn cẩm nang này vẫn thực hiện việc chuẩn bị dữ liệu theo tiến độ như mọi năm.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

940
  Tải tài liệu