Đào tạo đại học, cao đẳng: Khó mở ngành mới

Nhiều trường ĐH địa phương khó khăn trong tuyển sinh do chạy đua mở các ngành được xem là thời thượng mà chưa tính toán đến nhu cầu nhân lực tại địa phương.

801
  Tải tài liệu

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) liên kết với Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng mở ngành ngân hàng, tuyển 70 chỉ tiêu nhưng trường không nhận được hồ sơ nào, cuối cùng không thể mở được ngành học này. Hiện rất nhiều trường ĐH địa phương khó khăn trong tuyển sinh do chạy đua mở các ngành được xem là thời thượng mà chưa tính toán đến nhu cầu nhân lực tại địa phương.

Cần ngành này, mở ngành kia

Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 9 ngành đào tạo bậc ĐH, trong đó các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin..., trường phải tuyển đến nguyện vọng 3 mới tạm đủ. Ông Lê Văn Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định việc tập trung đào tạo những ngành phổ biến quả là bất ổn nhưng để mở một ngành mới cần phải có lộ trình. Theo ông Toàn, hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiếu nguồn lực liên quan đến việc phát triển cảng biển, trong khi sắp tới, hệ thống cảng biển Tân Thành chuẩn bị đưa vào sử dụng dự báo sẽ rất cần nhân lực quản trị vận tải biển, xây dựng công trình thủy, bốc dỡ hàng hóa... Thế nhưng, hiện Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu mới chỉ duy trì được một chuyên ngành liên quan là xây dựng công trình biển. “Muốn mở những ngành về cảng biển theo hướng rộng hơn cần đầu tư rất lớn nhưng trường chưa đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị” - ông Toàn nói.

Tương tự, Trường ĐH Tiền Giang hiện đào tạo 6 ngành bậc ĐH, trong đó có ngành kế toán, quản trị kinh doanh. Năm 2011, 2 ngành này điểm chuẩn chỉ bằng sàn nhưng trường phải tuyển đến nguyện vọng 3. TS Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết trường tuyển sinh ngành kế toán còn 150 chỉ tiêu, quản trị kinh doanh còn 120 chỉ tiêu (các năm trước kế toán 200 và quản trị kinh doanh 180). Theo ông Lực, khu vực Bắc sông Tiền hiện đang thu hút mạnh đầu tư, các khu công nghiệp mở ra khá nhiều, do đó, các ngành về kỹ thuật, công nghệ đang và sẽ có nhu cầu, rất cần mở các mã ngành thuộc các lĩnh vực này, tuy nhiên, việc mở mã ngành đối với trường mới thành lập rất khó vì điều kiện chưa đáp ứng.

TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết có những ngành trường đang đào tạo trùng với nhiều trường khác, việc tuyển sinh tương đối khó khăn nhưng vẫn phải duy trì để đáp ứng đối tượng sinh viên nghèo không đủ điều kiện đi học tại các TP lớn. Khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng trên địa bàn Quảng Ngãi đi vào hoạt động, trường đã nắm bắt được nhu cầu nhân lực địa phương sẽ cần như ngành hóa dầu nhưng trường không thể mở được vì đầu tư thiết bị phục vụ ngành học này rất tốn kém, trường không kham nổi.

Thiếu tầm nhìn xa

TS Phạm Đăng Phước nêu thực tế việc mở ngành đào tạo hiện nay chưa thực sự dựa trên nhu cầu xã hội tại địa phương, hầu hết các trường xin mở ngành học dựa trên những gì mà mình có sẵn (giảng viên, cơ sở vật chất). Ngoài ra, dù biết địa phương cần nhân lực một ngành nào đó nhưng đào tạo một khóa là đủ thì trường cũng không dám mở vì chẳng lẽ sau một khóa đào tạo lại đóng cửa? TS Ngô Tấn Lực nhìn nhận dẫu biết cách mở ngành “dựa trên những gì mình có” ngày càng bất cập nhưng có trường vẫn duy trì cách này vì nếu ngưng đào tạo thì giáo viên, cơ sở vật chất dôi dư mang đi đâu? Theo ông Lực, trong nền kinh tế thị trường, bài toán cung cầu nhân lực qua đào tạo là nan giải. Ông Lực đề nghị cần mở rộng các hình thức đào tạo liên thông, có thể liên thông trái ngành để người học chuyển đổi nghề nghiệp và tự thích ứng với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, những trường ĐH địa phương trực thuộc tỉnh nên để UBND tỉnh cho phép mở mã ngành, Bộ GD-ĐT chỉ nên tiến hành hậu kiểm.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), nhận định việc mở ngành hiện nay còn chạy theo nhu cầu méo mó của thị trường, theo lợi ích trước mắt, theo tâm lý của người học mà thiếu tầm nhìn xa. “Các địa phương cần phải có kế hoạch nhân lực tại địa phương: tập trung phát triển lĩnh vực nào, điều kiện để thực hiện kế hoạch ra sao, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào… Từ đó, các trường ĐH địa phương đón đầu đào tạo, tránh việc đào tạo theo kiểu thặng dư, gây lãng phí như hiện nay” - PGS Tống nói.

Đúng nhu cầu sẽ đắt hàng

Ông Lê Văn Toàn cho biết Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu vài năm gần đây mở ngành hóa dầu, đào tạo theo nhu cầu xã hội đã thu hút được rất đông sinh viên theo học, riêng năm 2011 tuyển được 400 sinh viên 2 hệ ĐH, CĐ. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho biết khác với một số ngành khó tuyển sinh thì ngành công nghiệp thực phẩm, nông học – những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ĐBSCL của Trường ĐH Cửu Long - lại tuyển sinh khá dễ dàng.

Thùy Vinh

25/11/2011 – nld.com.vn

Bài viết liên quan

801
  Tải tài liệu