Đại học không được đào tạo trung cấp: Sẽ có nhiều cách lách

Dù là chủ trương đúng nhưng việc từ năm 2012 Bộ GD-ĐT không cho phép các ĐH, học viện, trường ĐH đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp khiến nhiều trường ĐH lúng túng. Chưa kể quy định này cũng còn những kẽ hở.

445
  Tải tài liệu

Có thể nói, quyết định này của Bộ làm cho hàng trăm trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) vui mừng khôn xiết vì theo họ, lâu nay bức tranh tuyển sinh u ám một phần là vì các “anh hai ĐH” đã giành hết thí sinh. Ngay cả lãnh đạo của các trường ĐH có đào tạo lượng học sinh TC rất lớn cũng ủng hộ chủ trương này.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Cách đây 2 năm, trường chúng tôi cũng đã có định hướng là trong vòng 3, 4 năm tới sẽ bỏ hẳn bậc TC để tập trung đào tạo chuyên sâu bậc ĐH”.

Được biết, năm 2011 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển 5.000 chỉ tiêu bậc học này và hiện số học sinh đang theo học khoảng 10.000. Số lượng giáo viên có trình độ ĐH hiện đang phục vụ cho đào tạo TC là 500.

Trong khi đó, một số trường ĐH vừa được nâng cấp từ trường CĐ lên cũng hoang mang không kém. Tiền thân những trường này là TC, CĐ nên chỉ tiêu chính vẫn chủ yếu tập trung vào các bậc học thấp hơn. Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2011 cũng tuyển tới gần 3.000 chỉ tiêu bậc TC, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tuyển 1.450 chỉ tiêu… 

Băn khoăn những ngành đặc thù

Hằng năm, Trường ĐH Y Dược TP.HCM tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu bậc TC nên việc không tiếp tục tuyển sinh bậc học này nữa có vẻ không ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường. Thế nhưng, PGS-TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo, trăn trở: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này, tuy nhiên hiện nay có những ngành rất hiếm trường TCCN đào tạo hoặc để có khả năng đào tạo chất lượng thì không nhiều, chẳng hạn vật lý trị liệu, phục hình răng, gây mê hồi sức. Chúng tôi có khả năng đào tạo chất lượng mà lại không được đào tạo thì cũng là điều đáng tiếc”.

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho rằng: “Về lĩnh vực tài nguyên môi trường thì ngoài trường chúng tôi không có trường nào đào tạo bậc TC các ngành như trắc địa, bản đồ trong khi nhu cầu nhân lực bậc TC của những ngành này rất lớn. Các ngành như quản lý đất đai, địa chính cũng chỉ có trường chúng tôi đào tạo bậc TC hệ vừa làm vừa học dành cho cán bộ từ các địa phương”. 

Thạc sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho rằng, Bộ nên cắt bỏ hoàn toàn chỉ tiêu TC ở các ngành quá phổ biến và có nhiều trường TCCN đã đào tạo. Đối với những ngành hiếm, đặc thù thì nên tiếp tục giao chỉ tiêu cho các trường ĐH. Muốn như vậy, Bộ sẽ phải thành lập một hội đồng để xem xét và thẩm định các yêu cầu trên.

Tìm cách lách

Thạc sĩ Huỳnh Chức dự đoán: “Trước tình hình này, chỉ còn cách thành lập một trường TC bên cạnh trường ĐH”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cũng nhận định: “Nhiều trường có khả năng sẽ thành lập trường TC để duy trì hoạt động đào tạo ở bậc học này đồng thời giải quyết việc làm cho lượng giáo viên đang giảng dạy và tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị”. Như vậy, thay vì đào tạo TC trong trường ĐH như bấy lâu nay, mỗi trường ĐH sẽ chuyển sang thành lập thêm một trường TC thì diễn biến lại có thể phức tạp theo một chiều hướng khác. Đó là chưa kể, các trường sẽ “chữa cháy” bằng cách xin giấy phép đào tạo nghề từ Bộ LĐ-TB-XH. Không đào tạo TCCN nhưng lại tiếp tục đào tạo TC nghề, như vậy chủ trương của Bộ GD-ĐT đề ra sẽ bị vô hiệu hóa một cách không thể bắt bẻ.

Đối với các cơ sở đào tạo nhiều trình độ thì ưu tiên xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao nhất, sau đó xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho trình độ đào tạo thấp hơn cho đến hết số chỉ tiêu đã xác định. Các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN. (Theo khoản 2, điều 6 Thông tư số 57 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 2.12.2011)

Mỹ Quyên

Nguồn: thanhnien.com.vn

 

Bài viết liên quan

445
  Tải tài liệu