Bất ổn trong tuyển sinh - Bài 1: Trọng lượng khinh chất
Bất ổn trong tuyển sinh - Bài 1: Trọng lượng khinh chất
Hệ quả của việc liên tục tăng chỉ tiêu, nâng cấp – mở trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ), mở ngành ồ ạt... trong nhiều năm liền đang khiến giáo dục đại học (GDĐH) đang trong cảnh chất lượng không giống ai. Cả nước gần như đã được lấp đầy các trường ĐH-CĐ (chỉ có tỉnh Đắk Nông chưa có trường ĐH-CĐ) nhưng thực tế nguồn nhân lực vẫn thiếu và yếu. Và điều đáng lo ngại hiện nay là việc ĐH hóa vẫn cứ tiếp diễn bất chấp các điều kiện trọng yếu để đảm bảo chất lượng đào tạo vẫn chưa đạt chuẩn. |
Liên tục trong 10 năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh tăng 10% mỗi năm nhưng nhiều trường, nhiều ngành có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước lại thiếu người học. Hệ lụy này phải chăng do GDĐH Việt Nam mãi chạy đua nâng cấp, mở trường, mở ngành, tăng chỉ tiêu mà lãng quên… chất lượng?
Chạy đua tăng chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 dù chưa khép lại nhưng đang đứng trước một thực tế đáng báo động vì hàng loạt ngành ở các trường ĐH tuyên bố ngưng đào tạo. Đáng nói hơn, danh sách những ngành đóng cửa tăng đột biến nếu tính từ năm 2009 đến nay. Trong đó, những ngành mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương như kỹ thuật cơ khí, nông lâm, chế biến thủy hải sản qua nhiều năm lay lắt cũng đã được “khai tử”. Vậy nguyên nhân do đâu?
Nhìn lại những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều chuyên gia bỗng giật mình khi ngành nghề đào tạo mọc lên như nấm. Nếu như mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 cả nước có hơn 4.300 ngành học thì năm 2010 con số này đã nhảy lên hơn 4.500 ngành học. Và hiện nay số ngành học trên cả nước đã hơn 5.000 ngành.
Mặt khác, đối với những trường ĐH mới được thành lập hay nâng cấp từ CĐ lên, tốc độ mở ngành còn ồ ạt hơn nhiều. Đơn cử như năm 2010 Trường ĐH Thủ Dầu Một (nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm Bình Dương) xét tuyển 600 chỉ tiêu cho 6 ngành, tuy nhiên, sang năm 2011 trường đã nhảy vọt lên đến 12 ngành với 1.200 chỉ tiêu và năm nay trường được tăng chỉ tiêu lên thành 2.100…
Các trường ĐH vùng và ĐH Quốc gia cũng tăng chỉ tiêu tuyển sinh. ĐH Đà Nẵng tăng 830 chỉ tiêu, ĐH Thái Nguyên tăng 880 chỉ tiêu, ĐH Cần Thơ tăng 700 chỉ tiêu.
Nếu xét tổng chỉ tiêu của cả nước, năm 2012 tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ khoảng 576.000 (tăng khoảng 28.000 chỉ tiêu so với năm 2011). Như vậy, mức tăng chỉ tiêu trong năm 2012 có giảm so với những mùa tuyển sinh gần nhưng thực tế vẫn tiếp tục chạy theo số lượng.
Với phong trào phát triển trường ĐH đa ngành, nhiều cơ sở đào tạo vừa được nâng cấp lên ĐH đã ôm đồm một loạt ngành nghề từ khoa học, kỹ thuật đến khoa học xã hội... Và như thế quy mô đào tạo các trường được phình to qua mỗi mùa tuyển sinh bất chấp việc đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng… vẫn không khá hơn.
Làn sóng “lên đời” ĐH
Để có chỉ tiêu thì ắt phải mở thêm ngành, chuyên ngành đào tạo. Và muốn có nhiều ngành, nhiều chỉ tiêu thì không còn cách nào khác ngoài việc tìm cách mau chóng nâng cấp trường. Và cứ thế, phong trào từ trường trung cấp lên đời thành trường CĐ, rồi vài năm sau hóa thành ĐH... hiện đang diễn ra ồ ạt trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Thực tế cho thấy, xu hướng “lên đời” ĐH diễn ra từ 10 năm qua và hiện vẫn đang tiếp diễn. Không chỉ các trường CĐ sư phạm mà các trường CĐ tư thục, dân lập cũng đua nhau nâng cấp lên ĐH. Từ năm 2006 đến nay rất nhiều trường CĐ sư phạm các tỉnh, TP như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Phú Yên, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh... cũng liên tục được “lên đời” thành trường ĐH.
Bên cạnh đó, hàng loạt trường CĐ thuộc các bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ GTVT… cũng được nâng cấp thành ĐH Hóa chất, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Tài chính Kế toán, ĐH Công nghệ. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 7 trường ĐH mới được thành lập và nâng cấp từ trường CĐ lên.
Kết quả giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo với giáo dục ĐH mới đây cho thấy cả nước đã có 409 trường ĐH, CĐ. Trong đó, có 307 trường mới được thành lập hoặc nâng cấp trong 10 năm qua. Với số trường mới này, có 62 tỉnh có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ. Trong số 307 trường ĐH, CĐ mới, có 245 được nâng cấp từ bậc thấp hơn; 8 trường được nâng cấp từ khoa thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng, chỉ có 32 trường mới được xây dựng.
Có thể nói, ngoài vấn đề lấy tiếng, được hưởng ngân sách đầu tư, chế độ tiền lương… thì mục tiêu mà các tỉnh muốn hướng đến khi có trường ĐH chính là giải quyết vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Hàng trăm trường ĐH ra đời một cách chóng vánh và kết quả giống như “đẻ non”. Phần lớn các trường được nâng cấp từ bậc trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH thì thường gặp khó khăn rất lớn về đội ngũ giảng viên. Và để đối phó với cấp quản lý, nhiều trường đã dùng nhiều chiêu như mượn danh những giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đứng tên vào danh sách giảng viên cơ hữu của trường.
Và kết quả, các trường ĐH bị “đẻ non” sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo không được cải thiện hơn khi còn là trường CĐ mà thậm chí chất lượng đào tạo còn đi xuống.
Báo động
Việc “đẻ non” đã gây ra tình trạng trường không ra trường và sản phẩm đầu ra chắc chắn sẽ trong tình trạng không giống ai. Cuối năm 2011, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã “dũng cảm” nói thật với dư luận khi công bố kết luận thanh tra 24 trường về việc cam kết thành lập trường giai đoạn từ năm 1998 đến nay theo Nghị quyết 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết luận đã thật sự gây sốc khi hầu hết các trường đều chưa thực hiện đúng cam kết và Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 trường và 12 ngành của 4 trường trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.
Thật kinh ngạc khi các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết các trường đều không đạt, thậm chí nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, có trường chưa định hình được hướng phát triển (Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường kiểm tra, có đến 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có 3 trường số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như Trường ĐH Nguyễn Trãi, Hà Nội: 55 giảng viên; Trường ĐH Văn Hiến, TPHCM: 52 giảng viên; Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Hà Nội: 59 giảng viên.
Đáng nói hơn, có đến 6 trường có trên 50 sinh viên/giảng viên, 2 trường trên 80 sinh viên/giảng viên (Trường ĐH Văn Hiến: 95,1 sinh viên/giảng viên, Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM: 84,5 sinh viên/giảng viên). Nếu tính cả số sinh viên hệ vừa làm vừa học, học sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
Càng khó hiểu hơn nữa khi thanh tra lại phát hiện có đến 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ chuyên ngành và thạc sĩ. Cá biệt, có ngành chưa có giảng viên cơ hữu nhưng vẫn được bộ duyệt mở ngành và tuyển sinh... Rõ ràng, trong một thời gian rất dài việc mở trường, nâng cấp, mở ngành bị buông lỏng một cách khó hiểu. Như vậy, những trường còn lại mà bộ chưa kiểm tra liệu có cùng chung cách báo cáo láo... để được mở ngành, cấp chỉ tiêu?
Thực tế cho thấy, nếu đã quan niệm sứ mệnh GDĐH là tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận tri thức thì phải chấp nhận thỏa hiệp giữa chất lượng với tính đại chúng. Về tốc độ tăng trưởng sinh viên, hiện nay Việt Nam đạt 13% là không cao so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia (luôn trên 15%).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu cứ mãi chạy theo cái danh ĐH, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo thì ắt hẳn nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đối diện với thực tế “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.
Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 1998 đến 2009 có 312 trường ĐH, CĐ thành lập, nghĩa là trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ… Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo không theo kịp. |
Thanh Hùng
Nguồn: sggp.org.vn