Tự chủ tuyển sinh: Tận dụng cơ hội mới
Quyền tự chủ giúp các cơ sở giáo dục đại học chủ động xác định những phương thức đa dạng, từ đó tuyển được người học phù hợp.
Phong phú phương thức xét tuyển
Thực hiện Luật Giáo dục ĐH và bảo đảm đổi mới thi, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng; giảm áp lực, tốn kém với thí sinh, gia đình và xã hội, dự kiến phương án tuyển sinh năm 2021 của các cơ sở giáo dục ĐH được đưa ra với nhiều phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi tốt nghiệp THPT; Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin từ PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, dự kiến năm 2021, với chỉ tiêu khoảng 7.000, nhà trường vẫn giữ 3 phương thức như năm 2020: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (xét tuyển riêng). Một số điểm mới là năm 2021, trường dự kiến mở thêm 5 ngành/chương trình; xét tuyển bằng IETLS với các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá tư duy (năm 2020 là xét kết hợp bài tư duy với một số môn trong kỳ thi THPT).
Theo ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên (SV), cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), năm 2021, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuyển sinh chung cùng các trường thành viên theo quy định của ĐH Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động phân bổ nguồn lực cho ngành đào tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non; hay các ngành đào tạo giáo viên (GV) đáp ứng Chương trình GDPT mới (Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý; Công nghệ hay Tin học, Công nghệ Tiểu học); các ngành đào tạo cử nhân khoa học có khối ngành đào tạo về du lịch, môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hay báo chí. Trường cũng tuyển thẳng, xét học bạ với HS giỏi lớp 12 cho các ngành sư phạm. Với phương thức xét học bạ, dự kiến bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ tháng 4/2021, nhập học ngay sau khi thí sinh có kết quả tốt nghiệp THPT. Điều này giúp thí sinh có được tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhiều học bổng hấp dẫn được dành cho tân SV có kết quả đầu vào cao.
“Năm 2021 cũng là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm. Với nhiều điều kiện thuận lợi, chúng tôi tin sẽ có một năm tuyển sinh thành công, với nhiều tân SV giỏi lựa chọn vào trường”, ThS Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Những chuyển động tích cực
Năm 2021, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh 15 ngành, trong đó có 10 ngành đào tạo GV, 5 ngành thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục. Đáng chú ý, các chương trình đào tạo GV dạy môn tích hợp như Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Về hình thức tuyển sinh, với tư cách là trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục cũng dành một tỷ lệ nhất định để tuyển sinh từ kỳ thi “đánh giá năng lực HS phổ thông” do ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức. Bên cạnh đó, trường sẽ tiếp tục sử dụng kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT, IELTS, TOEFL...
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết: Năm nay có một số chính sách mới như Nghị định 116/NĐ-CP về hỗ trợ tài chính và sinh hoạt phí cho SV các ngành sư phạm. Chính sách này thay đổi căn bản vấn đề tài chính cho các em. Trong quyền tự chủ của mình, nhà trường chủ động làm việc với các tỉnh, thành để nắm bắt nhu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch tuyển sinh và quảng bá kịp thời. “Chính sách này rất nhân văn. Nhưng, quá trình thực hiện các tỉnh, thành cũng đang chờ đợi thêm hướng dẫn của cơ quan quản lý”, GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ.
Theo nhận định của ThS Nguyễn Vinh San, những thay đổi của Luật Giáo dục ĐH, Quy chế tuyển sinh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH cũng như chính HS trong chọn ngành, trường. Trường ĐH có quyền chủ động gần như hoàn toàn trong hoạt động tuyển sinh (đương nhiên vẫn phải tuân thủ về năng lực đào tạo, trách nhiệm giải trình xã hội). Các ngành đào tạo mới phù hợp với nhu cầu xã hội được mở nhanh chóng, kịp thời; phương thức tuyển sinh đa dạng phù hợp với mọi đối tượng; thời điểm tuyển sinh cũng linh hoạt.
Tuy nhiên, đi cùng với tự chủ, các trường ĐH cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với yêu cầu mới. Tính cạnh tranh tăng lên, trường ĐH phải hết sức nhạy bén và quản lý tốt sự thay đổi nếu không muốn bị rơi vào ma trận tuyển sinh (có quá nhiều ngành đào tạo không tuyển sinh đủ lớp, nhiều tổ hợp và cách thức xét tuyển, hay xác định nhiều đợt tuyển sinh dẫn đến bố trí đào tạo không thuận lợi cho người học…).
Về cơ bản, các trường ĐH đang tận dụng tốt cơ hội mới khi ngày càng được trao nhiều quyền tự chủ trong tuyển sinh. Riêng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tận dụng tốt những ưu điểm của tự chủ tuyển sinh, với minh chứng là số lượng tuyển sinh liên tục nằm trong tốp 3 các trường sư phạm toàn quốc và ngày càng có nhiều HS giỏi lựa chọn theo học. - ThS Nguyễn Vinh San |
Hiếu Nguyễn
giaoducthoidai.vn – 09/02/2021
Bài viết liên quan
- Tuyển sinh năm 2021: Thí sinh sẽ có thêm cơ hội điều chỉnh nguyện vọng?
- Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, TP.HCM cơ bản giữ ổn định như năm 2020
- Bộ Công an điều chỉnh quy định trong Đề án thí điểm kết hợp tuyển chọn và tuyển sinh
- Nhiều quy định mới trong thi tốt nghiệp THPT 2021
- Bộ Giáo dục dự kiến sửa đổi quy trình ra đề thi Tốt nghiệp THPT