Ngành "khát" việc, người học hiếm hoi

Nhiều ngành nghề như y tế công cộng, dịch vụ xã hội, khoa học tự nhiên, thủy sản hay môi trường... đang cần nhân lực nhưng lại rất khó tuyển sinh

834
  Tải tài liệu

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết xã hội đang rất cần nguồn nhân lực của các ngành nêu trên để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên trên thực tế những ngành này lại khó tuyển sinh.

Điểm chuẩn thấp vẫn không tuyển được

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, 5 nhóm ngành có kết quả tuyển sinh - nhập học thấp (từ 41,43% - 65,28%) trong mùa tuyển sinh năm 2020 là: Khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường. Năm 2019, những ngành này có tỉ lệ tuyển sinh, nhập học từ 34,58% - 45,28%.

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), thừa nhận các ngành toán, cơ, khoa học trái đất như địa chất, kỹ thuật địa chất, khí tượng, thủy văn, hải dương học tuyển sinh rất khó khăn.

PGS-TS Đoàn Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Công tác xã hội Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho hay sinh viên học ngành này có nhiều cơ hội việc làm và có thể đảm nhận các vị trí như cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; có thể là chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, hoặc cán bộ hoạch định chính sách xã hội; chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành lao động - thương binh và xã hội từ trung ương đến địa phương... Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này khá khiêm tốn.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết nhiều năm qua, trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành công nghệ chế biến thủy sản và ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, 2 ngành này chỉ tiêu không nhiều. Khoảng 7 năm về trước, điểm trúng tuyển của 2 ngành này trên điểm sàn khoảng 5 - 7 điểm nhưng gần đây lại khó tuyển. Chỉ tiêu của từng ngành là 60 nhưng thực tế chỉ tuyển được gần 50 sinh viên/ngành và trường phải lấy điểm thấp thì mới đủ số lượng để đào tạo, thường thì điểm trúng tuyển hằng năm rơi vào mức từ sàn đến 2 điểm. Chẳng hạn như ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, điểm chuẩn năm 2020 chỉ 17 điểm (2019 là 16,5), ngành công nghệ chế biến thủy sản là 15 điểm (năm 2019 và 2020).

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), chất lượng thí sinh cũng có sự phân hóa cao (khoảng 30% - 40%); một số ngành tuyển đủ chỉ tiêu với điểm chuẩn rất cao thì có những ngành điểm chuẩn chỉ hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào một ít, đặc biệt các ngành địa chất, hải dương học… rất khó tuyển sinh.

Thiếu hấp dẫn

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin truyền thông Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho biết trong những năm gần đây, học sinh chỉ quan tâm những nhóm ngành kinh tế - tài chính, báo chí - truyền thông, các ngành ngôn ngữ, công nghệ thông tin và một số ngành công nghệ... Năm 2020 khi thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ chọn bài thi khoa học tự nhiên khá thấp so với bài thi khoa học xã hội, đây cũng là điểm mấu chốt trong việc đăng ký ít nguyện vọng vào nhóm ngành như: Khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường. Do có thể trúng tuyển nhiều phương thức nên học sinh có thể chọn ngành khác để học…

Theo thạc sĩ Phùng Quán, công tác hướng nghiệp của các trường đào tạo các nhóm ngành trên chưa được tốt và do thí sinh kén chọn hoặc đào tạo các ngành này chưa đủ hấp dẫn. Để thu hút học sinh vào học, các trường ĐH nên tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề, cơ hội việc làm cho học sinh, đồng thời cũng có những chính sách đặc biệt cho các ngành nghề này như học phí, học bổng. Nhà nước và các doanh nghiệp đồng hành với các trường trong việc tạo điều kiện cho những học sinh khá, giỏi vào học ở trường.

PGS Vũ Hoàng Linh cho rằng để khắc phục tình trạng này cần đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn. Tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng, xây dựng các chương trình học bổng riêng. "Trong những năm gần đây, trường đã mở thêm ngành đào tạo mới, mang tính liên ngành có sức hấp dẫn cao: Khoa học dữ liệu (toán tin), kỹ thuật điện tử và tin học (vật lý), khoa học và công nghệ thực phẩm (hóa - sinh), quản lý đô thị và bất động sản (địa lý), công nghệ giám sát tài nguyên môi trường… Những ngành này đã tuyển sinh rất tốt vì đều mang tính ứng dụng, không phải là khoa học cơ bản thuần túy nữa..." - PGS Vũ Hoàng Linh cho biết. 

Không nên chạy theo ngành "hot"

PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là nghiên cứu thị trường lao động, trong đó cần dự báo 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp. Bởi nếu không dựa trên cơ sở này, sau khi ra trường, các em khó xin được việc đúng chuyên ngành hoặc phải làm trái ngành. Vì thế, thí sinh phải nghiên cứu kỹ, không nên chạy theo những ngành được cho là "hot" vì có thể 4 - 5 năm sau, ngành này sẽ bão hòa. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt với mức thu nhập cao.

Yến Anh - Huy Lân
nld.com.vn – 09/04/2021

 

Bài viết liên quan

834
  Tải tài liệu