Nhiều trường báo cáo không trung thực

Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT đang sở hữu một phần mềm và cơ sở dữ liệu đặc biệt, có thể “test” nhanh việc báo cáo không trung thực về đội ngũ giảng viên ở một số trường ĐH.

1200
  Tải tài liệu

Nếu như trước đây hiện tượng một TS, PGS, GS vô tư đứng tên cơ hữu ở nhiều trường là có thật nhưng cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát được, thì nay đã có thể phát hiện rất nhanh chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Phần mềm quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về các trường ĐH, CĐ, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô đào tạo... được chính các cán bộ của Vụ Giáo dục ĐH xây dựng, phát triển. Từ phần mềm và cơ sở dữ liệu này, Bộ GD-ĐT không chỉ nắm trong tay cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về đội ngũ giảng viên các trường ĐH trong cả nước mà còn có thể phát hiện nhanh những trường hợp báo cáo không trung thực khi một giảng viên lại đứng tên cơ hữu ở nhiều trường. Yêu cầu các trường ĐH báo cáo đội ngũ năm 2013 mới chỉ là bước đầu trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên. Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi đến các viện nghiên cứu đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu báo cáo đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu. Sắp tới, việc báo cáo đội ngũ cũng sẽ được thực hiện ở hơn 200 trường CĐ với gần 3.000 ngành đào tạo. Tất cả báo cáo này sẽ giúp Bộ GD-ĐT xây dựng được cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu trong hệ thống giáo dục ĐH.

* Đây không phải lần đầu tiên bộ tiến hành rà soát đội ngũ, nhưng tại sao dữ liệu về đội ngũ vẫn là khoảng trống mà lâu nay bộ rất khó kiểm soát, thưa ông? Thậm chí được biết có trường khi báo cáo mở ngành mới lại tiếp tục lấy lại một phần đội ngũ đã được liệt kê trong báo cáo mở các ngành khác trước đó mà bộ cũng đành “bó tay”...

- Từ năm 2011 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành rà soát đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, rồi ĐH để kiểm soát điều kiện mở ngành và đảm bảo chất lượng trong đào tạo. Tuy nhiên, những lần rà soát việc thực hiện điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, tầm bao quát còn hạn chế vì chỉ kiểm tra được những trường có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Với việc rà soát điều kiện mở ngành đào tạo ĐH thực hiện trong năm 2013, cơ sở dữ liệu mới được tổng hợp một cách toàn diện. Không phủ nhận trước đây bộ khó kiểm soát được báo cáo về đội ngũ giảng viên dù cũng biết có hiện tượng một giảng viên đứng tên cơ hữu ở 2-3 cơ sở đào tạo. Song đến nay những khó khăn trong công tác quản lý đó đã được khắc phục.

* Khả năng kiểm tra rất nhanh sự trùng lắp giảng viên nếu có dường như tiềm ẩn một bất ngờ lớn với chính các trường vì đến thời điểm này không phải trường nào cũng biết bộ đang giữ “bảo bối” này?

- Đúng là nhiều trường ĐH có thể vẫn chưa biết bộ đang có phần mềm và cơ sở dữ liệu này nên còn báo cáo không trung thực. Thời gian qua, trong công văn dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH, bộ đã thông báo cho các trường: “Nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ GD-ĐT để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại”. Khi các trường báo cáo cập nhật việc bổ sung đội ngũ để xem xét cho phép tuyển sinh trở lại, Bộ GD-ĐT phát hiện một số trường hợp trong báo cáo bổ sung có cả những giảng viên đã xuất hiện trong danh sách giảng viên của trường khác. Với những trường hợp này, bộ không chấp nhận báo cáo, không thay đổi quyết định đã dừng tuyển sinh.

* Được biết, cơ sở dữ liệu hiện có của bộ đã liệt kê được đến hơn 9.000 tiến sĩ, nhưng sự trùng lắp cho thấy con số này vẫn còn một lượng “ảo” không nhỏ, thưa ông?

- Tổng hợp cơ sở dữ liệu hiện có của Bộ GD-ĐT thì trong 242 cơ sở ĐH có gần 76.000 giảng viên, trong đó có khoảng 3.900 TSKH, PGS, GS, hơn 9.000 TS, hơn 38.000 thạc sĩ, số còn lại là giảng viên trình độ ĐH. Nhưng như đã nói, trong số này bộ đã phát hiện có những trường hợp giảng viên trùng tên ở nhiều trường ĐH. Như vậy, từ cơ sở dữ liệu này đã lộ ra một số lượng TS, PGS, GS “ảo”. Tuy nhiên, số lượng ảo cụ thể thế nào thì Vụ Giáo dục ĐH đang thống kê để có thể thông báo đến các trường, chấn chỉnh tình trạng này.

* Điều mà dư luận hiện đang rất quan tâm là với cơ sở dữ liệu đã có, liệu bộ có dũng cảm công khai để xã hội cùng giám sát, các trường tự kiểm tra và điều chỉnh?

- Những số liệu này không phải do cơ quan quản lý áp đặt chủ quan, mà là thông tin, số liệu cụ thể do chính các trường báo cáo thì trước hết các trường phải tự chịu trách nhiệm. Đúng là cũng có những ý kiến băn khoăn về việc có nên công khai dữ liệu hay chỉ cần bộ nắm trong tay để quản lý các trường. Nhưng quan điểm của bộ là sẽ công khai dữ liệu này. Nếu cố tình báo cáo sai trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn nếu giảng viên cố tình ký hợp đồng cơ hữu ở nhiều nơi không đúng quy định cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, khẳng định đã có những tín hiệu tích cực sau động thái mạnh mẽ của bộ khi các trường đã có phản xạ báo cáo khi được yêu cầu, nếu có giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, các trường cũng đã tìm người thay thế. Đặc biệt, từ việc kiểm soát của Bộ GD-ĐT về năng lực đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo mà xuất hiện sự dịch chuyển ngược so với quy luật thông thường lâu nay. Theo tiết lộ của chính Bộ GD-ĐT, lâu nay nhiều bộ ngành lấy người giỏi từ các trường ĐH trực thuộc về bộ, nhưng trước yêu cầu gắt gao về đội ngũ giảng viên trình độ cao, một số bộ ngành đã chấp nhận chuyển ngược cán bộ có trình độ sau ĐH được phép ký hợp đồng với trường ĐH.

NGỌC HÀ thực hiện
Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

1200
  Tải tài liệu