IT vẫn chiếm hàng đầu về tuyển dụng
Nhiều chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, công ty “săn đầu người” và các trung tâm giới thiệu việc làm đều đưa ra nhận định: việc làm ngành công nghệ thông tin (IT) và chăm sóc sức khỏe thời gian tới vẫn chiếm hàng đầu trong tuyển dụng.
Tác động từ trào lưu công nghệ
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết: “Trong năm 2018 và những năm tới, dự đoán các ngành IT, sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, ngân hàng - tài chính - bảo hiểm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn. Đặc biệt là ngành IT. Các trào lưu công nghệ trên thế giới sẽ có những tác động đến thị trường IT tại VN. Đó là lý do ngành này luôn đứng đầu về nhu cầu nhân lực”.
Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng bộ phận tư vấn nhân sự của Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Harvey Nash VN, cũng cho rằng các lĩnh vực IT, chăm sóc sức khỏe, sản xuất, dịch vụ… vẫn luôn chiếm vị trí hàng đầu trong xu hướng tuyển dụng.
Ông Luân đặc biệt lưu ý: “Cuộc cách mạng 4.0 trong tương lai khiến nhiều ngành nghề sử dụng robot thay thế con người. Lao động ngành IT luôn không lo bị thay thế, vì thế trong tương lai, số lượng việc làm vẫn luôn ổn định, thậm chí tăng cao. Đặc biệt khi khu vực ASEAN trở thành thị trường lao động duy nhất, thì lượng việc làm càng lớn”.
Sinh viên IT sẽ mau chóng có việc
Ông Hoàng Ngọc Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Atomic Vietnam, nhận định: “Nhân sự về ngành IT sẽ tập trung vào các mảng viết phần mềm, website, đặc biệt là viết ứng dụng (app) trên điện thoại sẽ nóng, bởi với nhu cầu mỗi doanh nghiệp đều phải có app của mình, thay vì đều phải có website như trước.
Sự “nghiêng ngả” của những doanh nghiệp truyền thống lớn như Vinasun trước “cậu bé” Uber mới lớn chính là dấu hiệu cho thấy tất cả doanh nghiệp truyền thống đều phải mau chóng thích nghi và ứng dụng được công nghệ, thậm chí thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh chỉ vì sự xuất hiện của công nghệ”.
Ông Long cho biết thêm, nhân sự khoa học máy tính, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (học máy, hệ thống thông minh, xử lý ngôn ngữ...) được dự đoán sẽ là “ngôi sao” khi làn sóng 4.0 tràn tới. Còn ông Nguyễn Văn Đức, giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tin học ở Q.Tân Phú, TP.HCM, cho rằng: “Nhân sự ngành đồ họa 3D cũng sẽ rất “hút hàng” với làn sóng của máy in 3D và máy scan 3D. Nhân sự các mảng này không những thiếu do nhu cầu trong nước, mà còn được các doanh nghiệp nước ngoài săn đón, đẩy mặt bằng lương chung lên rất cao. Các sinh viên ra trường có trình độ thực sự, năng lực tốt sẽ mau chóng có việc”.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cảnh báo: “Cuộc cách mạng ồ ạt về công nghệ 4.0 kèm theo đó là sự xuất hiện của các máy móc và kỹ thuật mới sẽ thay thế rất nhiều công việc thủ công, khiến một bộ phận lớn nhân công trong nhiều ngành không còn giữ được việc làm. Chẳng hạn, nhân công may mặc sẽ được thay thế dần bằng các loại máy móc robot. Nhiều công nhân ngành thủ công mỹ nghệ cũng sẽ mất việc khi sự xâm chiếm của máy scan 3D và máy in 3D - có thể copy bất cứ vật thể nào và tạo ra bản sao nhanh chóng”.
Góc chuyên gia: Làm thế nào để thích ứng thị trường lao động ? Hiện nay, thị trường lao động hoàn toàn mở với các xu hướng việc làm như sau: Các cơ quan - doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, xuất khẩu lao động, di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế, quốc gia và khởi nghiệp (tự tạo việc làm). Muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, người lao động, sinh viên - học viên sau khi tốt nghiệp nên chuẩn bị hành trang, xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt mong muốn thành công về nghề nghiệp, việc làm phải cần một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Nên nhớ bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp. Muốn vậy, bạn trẻ cần phải nhận thức, tìm hiểu sâu về nghề nghiệp của mình. Ngoài việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường, các bạn nên tự trang bị kiến thức xã hội, năng lực thực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Muốn làm việc tốt cũng cần có kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Ngoài ra, cần có năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ, có hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động. Trần Anh Tuấn Mỹ Quyên (ghi) |
Mỹ Quyên - Lê Thanh
Nguồn: thanhnien.vn – 19/09/2017