Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020: Thí sinh sắp xếp nguyện vọng hợp lý để tránh trượt oan
01/09/2020 Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm, phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều trường đại học đã dự kiến điểm chuẩn và công bố điểm sàn xét tuyển.
Nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển khá thấp
Hội đồng tuyển sinh Học viện Ngân hàng cho biết, vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn xét tuyển) và điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT và chứng chỉ Ngoại ngữ. Cụ thể, điểm xét tuyển chung là 19,0 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2020 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng). Thí sinh có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có một trong các chứng chỉ Ngoại ngữ: IELTS (academic) đạt từ 6.0 trở lên; TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên; TOEIC 4 kỹ năng từ 665 điểm trở lên; Chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 trở lên.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển chương trình đào tạo chất lượng cao là 18,00 điểm. Chương trình liên kết quốc tế là 16,50 điểm. Điểm xét tuyển được tính theo thang điểm của trường, trong đó điểm xét tuyển chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/TT-BGDĐT: Điểm môn Tiếng Anh đạt từ 4.0/10.0 trở lên và nhân hệ số 2. Chương trình liên kết quốc tế (mã xét tuyển QHE80): Điểm môn Tiếng Anh đạt từ 6.5/10.0 trở lên và nhân hệ số 2. Nhà trường lưu ý, điểm sàn xét tuyển bao gồm tổng điểm các môn thi theo tổ hợp xét tuyển tính hệ số 1, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực.
Năm 2020, tại Trường ĐH Ngoại thương, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp môn Toán - Lý, Toán - Hóa, Toán - Văn), đối với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18 điểm; các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17 điểm. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn là 23 điểm đối với tất cả các chương trình giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội, cơ sở 2 - TPHCM và mức 18 điểm đối với các chương trình giảng dạy tại cơ sở Quảng Ninh.
Trường Đại học Hà Nội thông báo điểm sàn xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2020 là tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 từ 16 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số). Năm nay, trường tuyển 2.600 chỉ tiêu, tăng thêm 150 chỉ tiêu cho 3 chương trình đào tạo mới.
Cẩn trọng trong thay đổi nguyện vọng
Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh năm nay, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có độ phân hóa tốt, điểm trung bình một số môn thi được cải thiện, giúp các trường ĐH sử dụng kết quả thi thuận lợi tuyển sinh. Với phổ điểm thi năm nay, điểm chuẩn vào một số ngành, một số trường tốp đầu dự kiến sẽ tăng nhẹ. Thí sinh cần cân nhắc thận trọng trước khi điều chỉnh nguyện vọng, những kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy, ngay đợt đầu tiên, đa số các trường tốp đầu, tốp giữa với những ngành học hấp dẫn đã tuyển đủ chỉ tiêu.
"Để tăng cơ hội trúng tuyển ngành yêu thích trong đợt 1, việc có thêm nhiều nguyện vọng không quan trọng bằng biết cách sắp xếp thứ tự hợp lý trên cơ sở đối chiếu điểm thi với điểm chuẩn các năm gần nhất của ngành, trường mà thí sinh muốn vào. Cách lựa chọn phù hợp đó là sắp sếp thứ tự ưu tiên đầu tiên cho ngành, trường yêu thích, sau đó là thêm 3 - 4 nguyện vọng tiếp theo cho các ngành thấp hơn hoặc gần ngành mình yêu thích. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các năm chứ không nên căn cứ vào điểm sàn xét tuyển, đây chỉ là điểm để nhận xét tuyển", TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020, các thí sinh không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, phổ điểm ở các môn thi, tổ hợp môn xét tuyển tăng so với năm trước, đây cũng là tín hiệu vui, gia tăng cơ hội trúng tuyển của các thi sinh. Tuy nhiên, điểm thi tăng cũng kéo theo điểm chuẩn các trường đại học dự kiến ở nhiều trường, đặc biệt là các trường tốp đầu, nhóm giữa sẽ tăng từ 1-3 điểm so với năm 2019. Nếu không thận trọng, thí sinh điểm cao vẫn có thể bị trượt. Bên cạnh đó, điểm sàn xét tuyển các trường đưa ra thấp, chủ yếu là thu hút thí sinh, đây là điểm nhận hồ sơ chứ không phải là điểm trúng tuyển.
Liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả hai đợt, Bộ GDĐT điều chỉnh lùi tối đa 7 ngày so với lịch đã công bố đối với đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, Bộ sẽ xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2. So với dự kiến ban đầu, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 1 sẽ lùi xuống 6 ngày.
Theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT, thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng vào đại học, cao đẳng sẽ thực hiện sau khi các Sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2. Trong đó thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19-25/9/2020) và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19 - 27/9/2020). |
Quang Anh
giadinh.net.vn – 01/09/2020
Bài viết liên quan
- Đại học quốc gia TPHCM công bố kết quả thi đánh giá năng lực 2020
- Hơn 26.000 thí sinh 11 tỉnh, thành làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2
- Nhiều trường ĐH đã xác định ngưỡng điểm sàn xét tuyển
- 53.000 thí sinh thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM
- Bộ GD&ĐT lùi thời gian công bố điểm chuẩn đại học năm 2020