Tuyển sinh sau đại học ở nhiều trường tụt dốc

Các năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh sau đại học (thạc sĩ - Th.S, tiến sĩ - TS) tại nhiều trường đại học lớn ở TPHCM sụt giảm đáng báo động.

884
  Tải tài liệu

Sự bất hợp lý này có phải vì chất lượng đào tạo của nhiều trường có vấn đề, hay thực tế đang bùng nổ đào tạo sau đại học và sự dễ dãi trong thi tuyển? 

Nhiều chỉ tiêu, ít người học 

Đào tạo sau đại học của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) có quy mô lớn nhất nhì cả nước. Về số lượng, ĐHQG TPHCM đang đào tạo 105 ngành Th.S và 79 ngành TS với 14/23 lĩnh vực. Thống kê đến ngày 1-1-2017, quy mô đào tạo sau ĐH của ĐHQG TPHCM là 1.108 nghiên cứu sinh và 7.152 học viên cao học. 

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi sau đại học giảm mạnh. Từ hơn 10.000 thí sinh của năm 2012, đến năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh đăng ký dự thi (chỉ tiêu là 3.683).

So sánh giữa thí sinh đăng ký với chỉ tiêu ở từng trường lại càng thấy rõ hơn sự đáng báo động này. Trường ĐH Bách khoa: năm 2012 có 57 thí sinh đăng ký so với 50 chỉ tiêu TS (nay chỉ còn 14/90); Th.S từ 3.464 thí sinh đăng ký so với 1.550 chỉ tiêu ở năm 2012, nay chỉ còn 592/1.363.  

Chỉ tiêu đào tạo Th.S, TS của các trường, viện thành viên ĐHQG TPHCM có sự đi xuống rõ rệt, trong đó rõ nhất là đào tạo Th.S. Năm 2012, tổng chỉ tiêu Th.S là 3.550, đến năm 2017 chỉ còn 3.320 (giảm 9,35%). Nếu so sánh giữa chỉ tiêu với trúng tuyển thực tế ở một số trường thì còn đáng lo hơn rất nhiều.

Mặc dù năm 2017 chưa có số liệu trúng tuyển đợt 2 nhưng dẫn chứng số liệu năm 2016 cho thấy, ở trình độ TS, từ năm 2013 trở đi không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu: năm 2014 là 227 thí sinh trúng tuyển/270 chỉ tiêu; 2015 là 239/300; 2016 là 263/338. Trình độ Th.S lại càng lao dốc nhiều hơn: năm 2014 có 2.997/3.211, năm 2016 là 2.375/3.262.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2013, trường này có  8.000 thí sinh đăng ký dự thi Th.S thì đến năm 2018 chỉ còn 1.400. Cùng với đó, điểm chuẩn cũng giảm mạnh: năm 2013, ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh tế với 16 điểm/2 môn, đến năm 2017 và 2018 điểm chuẩn còn 10 điểm/2 môn thi.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có số lượng thí sinh đăng ký dự thi Th.S cũng giảm mạnh. Những năm trước đây có đến 3.000 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu 500, thì vài năm gần đây, chỉ tiêu giảm còn khoảng 200 và thí sinh dự thi cũng chỉ có 400. Các trường ĐH khác như Giao thông Vận tải TPHCM, Luật TPHCM, Công nghiệp, Tài chính Marketing TPHCM... cũng cùng chung thực trạng.  

Phải làm theo thế giới 

Theo đánh giá của Ban Sau đại học (ĐHQG TPHCM), vài năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh sau ĐH, nhất  là trình độ Th.S, có xu hướng giảm mạnh. Ngoài quy chế tuyển sinh còn nhiều bất cập, có một thực tế là sự cạnh tranh gay gắt của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Do đó việc nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh sau ĐH theo xu thế chung của thế giới được ĐHQG TPHCM và các trường thành viên coi là khâu tất yếu.  

Và một trong những hướng đi đột phá và tiên phong của ĐHQG TPHCM là ban hành quy chế tuyển sinh liên thông ĐH lên thạc sĩ, áp dụng từ ngày 1-7-2019. Theo đó, sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đạt điểm trung bình từ 7.0 trở lên (tính theo thang điểm 10) sẽ được đăng ký học 50% số tín chỉ chương trình đào tạo Th.S.

Song song đó, ĐHQG TPHCM cũng mở rộng đối tượng tuyển sinh và tăng tỷ lệ xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp ĐH các chương trình chất lượng cao, chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế hoặc khu vực (có điểm tốt nghiệp trung bình tích lũy từ 7/10), người tốt nghiệp chương trình tiên tiến (có điểm trung bình tích lũy từ 7,5/10), tốt nghiệp chính quy, văn bằng 2 loại giỏi (điểm trung bình tích lũy 8/10).

Đại diện một trường ĐH lớn tại TPHCM cho rằng, hiện đang có sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và đào tạo sau ĐH. Rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi ở các trường lớn thi 3 - 5 lần không đậu, nhưng sau đó đăng ký thi vào các trường tư thục hay những trường mới được đào tạo sau ĐH lại đậu ngay.

Điều này cho thấy, tuyển sinh sau ĐH hiện ở nhiều trường quá dễ dãi, trong khi những trường lớn, trường uy tín thì khá “chặt” từ đầu vào lẫn đầu ra. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhìn nhận phương án của ĐHQG TPHCM là phù hợp với xu hướng của thế giới.

“Chúng ta nên tạo điều kiện cho sinh viên giỏi có nguyện vọng bắt đầu học Th.S ngay ở bậc ĐH, phương thức đào tạo tích hợp cử nhân - Th.S đã được triển khai hầu hết trên thế giới. Mô hình này cho phép người học rút ngắn thời gian hoàn tất chương trình bậc ĐH và Th.S còn 5 năm, so với cách truyền thống là 5,5 - 6 năm. Đây được xem là hướng đột phá, thu hút học viên cho chương trình sau ĐH”, PGS-TS Hồ Thanh Phong cho biết.

Nhìn lại chiến lược của ĐHQG TPHCM giai đoạn 2016-2020, trong đó mục tiêu là hướng đến một hệ thống ĐH tốp đầu châu Á, đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước, tạo những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, phát triển thành ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao... Tuy nhiên, với thực tế tuyển sinh, đào tạo sau ĐH sụt giảm về lượng như hiện nay, rõ ràng đây là vấn đề nghiêm trọng cần phải có hướng giải quyết cấp bách.

 Hiện cả nước có hơn 140 cơ sở đào tạo trình độ TS và gần 180 cơ sở đào tạo trình độ Th.S, với quy mô đào tạo 13.500 nghiên cứu sinh và 105.000 học viên cao học. Trong những năm gần đây, rất nhiều cơ sở đào tạo được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh Th.S, TS. Cùng với đó, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cũng tăng đáng kể: hiện có đến 246 ngành liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH, trong đó khu vực phía Nam có 67 ngành đào tạo sau ĐH… Hiện phổ biến một số phương thức tuyển sinh sau đại học hiện nay tại Việt Nam và thế giới là xét tuyển, xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn, xét tuyển hồ sơ qua đăng ký trực tuyến trên website...

THANH HÙNG
saigondautu.com.vn – 19/06/2019

Bài viết liên quan

884
  Tải tài liệu